Điện báo viên Tư Thiều: 'Tinh thần và kỹ thuật của điện báo viên vẫn hiện diện'!

10/10/2020 03:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua nhiều vị trí công tác tại Thông tấn xã Việt Nam cho đến ngày về hưu năm 1997, nhưng nhà báo Đoàn Văn Thiều (Tư Thiều, sinh 1937) thích được gọi nhất là điện báo viên. Ông tham gia Thông tấn xã Giải phóng khoảng 10 ngày trước khi phát sóng bản tin đầu tiên lúc 19h ngày 12/10/1960 tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh).

Kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020): Dấu ấn về bản tin đầu tiên

Kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020): Dấu ấn về bản tin đầu tiên

Cách đây đúng 60 năm, ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã chính thức ra đời sau bản tin đầu tiên được phát đi. Từ đó, chính thức thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, duy trì mạch thông tin thông suốt từ chiến trường miền Nam đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.

Điện báo viên Tư Thiều có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về những năm tháng đầu tiên làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng.

* Từ sự gắn bó rất sâu sát suốt 12 năm đầu, thưa ông, đâu thật sự là sức mạnh của Thông tấn xã Giải phóng?

- Năm 1968, Trung ương Cục miền Nam khen tặng Thông tấn xã Giải phóng 16 chữ vàng: “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Không phải mình trong cuộc mà tự khen mình, chứ 12 chữ này đúng là sức mạnh của Thông tấn xã Giải phóng thời bấy giờ.

Dù được kết nối, được chỉ đạo và chi viện thường xuyên của Việt Nam thông tấn xã, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, sự chia cắt, địch tấn công liên miên, nên ngay từ khi ra đời, Thông tấn xã Giải phóng đã xác định tinh thần tự lực cánh sinh.

Chúng tôi vừa học vừa làm, tự chế tạo và sửa chữa máy móc, xoay sở mọi việc từ lương thực, thuốc men, chiến đấu, hậu cần… Ngày nay làm báo có nhiều thuận lợi hơn, ít nguy hiểm, nhưng thực sự thì tự lực cánh thì ở đâu, việc gì cũng cần có. Những phóng viên giỏi hiện nay luôn là người biết tự lực cánh sinh trong tác nghiệp, học hỏi và làm nghề.

Chú thích ảnh
Nhà báo Tư Thiều (trái) cùng nhà báo Nguyễn Thanh Bền trong buổi giao lưu tại rừng Mã Đà, Đồng Nai

* Thời hoạt động của Thông tấn xã Giải phóng, điện báo viên không chỉ là đặc trưng, mà còn là sức mạnh của thông tấn. Cụ thể thì điện báo viên làm những việc gì?

- Chúng tôi phát và nhận tín hiệu morse, lúc ấy gọi là đánh ma-níp. Vì tín hiệu này hòa vào “lưới sóng chung”, nên ta và địch đều nhận được, vì vậy phải ẩn giấu và giải mã. Bên nào cũng có hệ thống thông tin công khai và bí mật, nên ngoài các bản tin khẳng định sự hiện diện, điện báo viên còn phải đánh và nhận những bản tin bí mật, vốn dùng qua hệ thống thay thế bằng các con số, hoặc ẩn giấu bằng nội dung này kia. Phân xã nào - tạm gọi vậy - cũng có người chỉ huy biết giải mã, chứ điện báo viên thì không thể đọc được những bản tin bí mật này. Còn về tin công khai, không phải tin nào cũng chỉ cần cho ta, mà đôi khi phát để bên địch biết ta vẫn đang hiện diện, vẫn đang chiến đấu. Nhiều khi mở đài BBC nghe, thấy có tin dẫn theo Thông tấn xã Giải phóng là vui lắm, xem như một thắng lợi, vì mục đích thông tin mỗi bên khác nhau.

* Đánh ma-níp là một kỹ thuật rất khó, ông đã mất bao lâu để học?

- Tôi thì mất chừng 2 năm là tương đối lành nghề, sau đó, từ 1962 đến 1972, tôi có 5 năm phát và 5 năm nhận tín hiệu liên tục. Nói chung mỗi điện báo viên ôm một máy, cùng nhau phát và nhận, bởi do sóng yếu và nhiễu, đôi khi vài anh em mới làm xong một bản tin. Phát thì dễ, chứ nghe rất khó, nên cần làm riêng để kiểm tra chéo cho chính xác hơn.

Khi tham gia cách mạng, đa số chúng tôi chỉ mới học lớp 6 lớp 7, ít ai qua cấp 3, nên việc tiếp thu kỹ thuật đánh ma-níp không hề dễ dàng. Thời kỳ đầu, anh em chúng tôi làm tất cả mọi việc, trong đó có việc quay máy phát điện ra-gô-nô (ragono). Các anh và lãnh đạo xác định “mưa dầm thấm lâu”, cho chúng tôi học và làm từ từ, vì vậy khi đã nhớ là nhớ dai lắm. Máy móc thiếu thốn, chúng tôi tự chế tạo dụng cụ đánh ma-níp, cải tiến việc quay ra-gô-nô bằng tay sang đạp bằng chân cho đỡ mỏi, tạo ra các dòng điện rất vất vả, nhưng cũng đầy sáng tạo.

* Khi đó phân xã của ông có đông không?

- Thông tấn xã Giải phóng có lúc lên đến 600 người, nhưng các phân xã điện báo - tạm gọi như thế, chứ lúc đó chưa gọi phân xã - thì gần như hoạt động tự lực cánh sinh, biết nhau qua tín hiệu, chứ ít biết nhau qua tiếng nói hoặc hình ảnh, càng ít gặp nhau. Đây cũng là một đặc thù của nghề làm điện báo, nên dù hoạt động gần hoặc trong lòng địch, sự bảo mật và an toàn được nhiều hơn, vì địch cũng chủ yếu biết ta qua tín hiệu từ xa. Phân xã trực tiếp của chúng tôi gồm 7 người, do anh Đỗ Văn Ba (Ba Đỗ) quản lý, với các anh Chín Chiêu, Phùng Văn Dựng (Hai Dựng), Đặng Văn Song, Võ Văn Khuê, Trương Văn Phia, Tư Thiều.

* Chuyển nhận tin bằng đánh ma-níp được Thông tấn xã Việt Nam dừng hoạt động từ năm 1992, nghĩa là giải thể điện báo viên, lúc ông chưa về hưu. Hỏi thật, ông có thấy tiếc không?

- Có chút lưu luyến thôi, nhưng không hề tiếc, vì thông tin báo chí mỗi thời cần một kỹ thuật khác nhau. Tôi U90 mà vẫn dùng điện thoại thông minh đó thôi, nếu còn làm báo thì cũng sẽ áp dụng các phương tiện hiện đại và thông minh chứ. Dù tên gọi điện báo viên có thể không còn, nhưng tôi tin tinh thần và kỹ thuật điện báo viên thì vẫn hiện diện đây đó trong các công việc khác.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm