Đến HLV bóng đá cũng có “triết lý”!

18/06/2016 11:36 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Một số gia đình Việt kiều có con thi Tú tài đợt này cho chúng tôi biết, học sinh bên mình học triết chưa đúng cách. Bên Pháp, ngay từ thời mẫu giáo, những bài học triết học đã được thầy cô truyền cho các em dưới nhiều hình thức, và cùng nhau tranh biện thoải mái.

Để rồi, như mưa dầm thấm đất, các em càng lớn càng thấy triết học hứng thú hơn, chứ không khô cứng và “rắc rối”!

Ngay cả sinh viên đại học bên ta, có lẽ đa số đều rất “ngán ngẩm” môn triết học khi các giáo trình còn chưa có tính mở. Việc đọc bản gốc trước tác của các nhà triết học nước ngoài càng khó. Quan trọng, những bài học triết học đã không được phổ biến từ sớm, ngoài chủ nghĩa kinh nghiệm, những lời dạy bảo dân dã từ ông bà, bố mẹ.

Vì thế, phải nói thẳng khả năng học triết của học sinh chúng ta còn nhiều hạn chế. Nhiều Việt kiều Pháp thừa nhận, nếu được học triết đúng nghĩa, khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá, nhìn sự vật hiện tượng…, sẽ rất biện chứng và khoa học.

Cho nên, dù là đề thi triết học trên dành cho Ban S (tức Ban khoa học), nó đòi hỏi các “cô Tú, cậu Tú” phải có một sự hiểu biết tương đối rộng về cả về triết học, khoa học tự nhiên, xã hội và cả khoa học nói chung về cuộc sống.

Cũng không lạ khi Pháp khai sinh ra nhiều nhà triết học, nhà tư tưởng lớn, đặt nền móng cho sự phát triển của xã hội loài người.

Trong thời đại ngày nay, nhiều người có thể làm ít mà vẫn tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần lớn cho xã hội. Đấy là những người xuất chúng. Nhưng, nếu nhìn lại một quá trình, thuở hàn vi, đã số họ đều phải nỗ lực lao động hơn người. “Người nghèo tham ăn, người giàu tham việc”, câu thành ngữ này không bao giờ cũ.

Tất nhiên, chẳng ai cổ xúy cho khả năng làm việc kiểu “cần cù bù khả năng”. Ai đó đã nói loài người đang sắp bước vào kỷ nguyên của thời đại na-no. Rõ ràng trong thời đại ấy, con người sẽ phải lao động theo một phương cách rất khác mà có thể nội dung đề thi chính là một cách gợi ý. Nếu nhờ công nghệ do con người phát minh, giúp con người làm việc ít hơn mà vẫn sống tốt hơn, chẳng ai lại cắm mặt làm việc quá nhiều.

Nói chuyện triết học có mà “nói cả ngày”. Thế nên, đề thi trên đang gây chú ý ở Pháp. Cuối cùng, chúng ta cũng nên “giải oan” cho triết học mà môn triết vì môn này rất hay. Bởi, triết học không phải là một niềm tin như tôn giáo, cũng không phải là sự tưởng tượng thần thánh hóa như trong thần thoại mà nó là tri thức, là sự hiểu biết khái quát về thế giới, là sự giải thích thế giới trên cơ sở các suy luận lôgic và các căn cứ khoa học thực tiễn. Triết học còn định hướng cho con người trong hoạt động, nếu thiếu tri thức của triết học thì con người dễ sa vào tình trạng mò mẫm, suy diễn.

Đến các ông HLV bóng đá còn phải có “triết lý huấn luyện” cơ mà !

Hữu Quý-Việt Sơn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm