Để Thành nhà Hồ trở thành địa danh hút khách du lịch

29/06/2016 06:51 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây tròn 5 năm, ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ, công trình quân sự, kiến trúc độc đáo mang giá trị nổi bật toàn cầu, đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Thành nhà Hồ (thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được xây dựng vào cuối thế kỷ 14, dưới sự chỉ đạo của tể tướng Hồ Quý Ly. Sau khi thành được hoàn thành, Vua Trần Thuận Tông bị tể tướng uy hiếp rời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Tới năm 1400, Hồ Quý Ly soán ngôi vua và đổi tên nước thành Đại Ngu, Thành nhà Hồ trở thành kinh thành chính thức.

Độc đáo, tinh tế và bí ẩn là 3 từ diễn đạt tuyệt vời nhất và “trúng” nhất về thành trì này. Thành nhà Hồ là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn.

Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành nhà Hồ vẫn là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo. Bằng công cụ thô sơ, chỉ dùng sức người là chính, những người thợ đã chuyển những khối đá nặng trên chục tấn lên cao 8-10m, xếp chúng chồng khít với nhau mà không dùng bất kỳ chất kết dính nào.


Cổng phía Nam có 3 cửa là cổng chính của thành. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Với khối lượng công việc lớn, đặc biệt là việc xây 4 bức tường thành bằng các phiến đá lớn, người xưa chỉ mất 3 tháng. Đó không chỉ là sức lực, đó còn là trí lực tuyệt vời của con người đã đổ xuống và ghi dấu lên công trình này.

Để Thành nhà Hồ trở thành một địa danh hút khách du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hàng loạt giải pháp. Bên cạnh việc cam kết thực hiện nghiêm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO, Thanh Hóa đang đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật của Thành nhà Hồ tới bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Ngoài ra, Thanh Hóa cũng phối hợp với các ban, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận, cũng như tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di sản để nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà khoa học, khảo cổ học trong nước và quốc tế.

Thảo Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm