Đạo tranh in vải may áo dài: Công ty Phan Trần xin lỗi họa sĩ Bùi Trọng Dư

10/05/2019 08:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua (9/5), Công ty Phan Trần đã gọi điện xin lỗi họa sĩ Bùi Trọng Dư về việc sử dụng trái phép 2 bức tranh của anh lên các mẫu thiết kế áo dài.

Tranh 'Ao sen' của họa sĩ Bùi Trọng Dư lại bị xâm phạm bản quyền

Tranh 'Ao sen' của họa sĩ Bùi Trọng Dư lại bị xâm phạm bản quyền

Các tranh sơn mài thuộc series tranh Ao sen của họa sĩ Bùi Trọng Dư đã bị một công ty in vải tự ý sử dụng đưa vào áo dài để chào bán trên mạng.

Trước đó, họa sĩ Bùi Trọng Dư  phát hiện loạt tranh sơn mài vẽ Ao sen bị một số công ty in vải tự ý sử dụng in lên áo dài để chào bán trên mạng. Tệ hại hơn, họ còn lấy tranh của anh làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác vào, sau đó in chồng lên và quảng cáo công khai trên trang web...

Chú thích ảnh
Tranh Ao sen của họa sĩ Bùi Trong Dư bị công ty Phan Trần sử dụng trái phép in lên áo dài

Sau khi phát hiện, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã nhanh chóng nhờ luật sư tư vấn, đồng thời gửi tới những đơn vị vi phạm. Trong thư ''kiện'' gửi công ty Phan Trần, họa sĩ Bùi Trọng Dư nêu rõ công ty này đã sử dụng trái phép hình ảnh hai bức tranh sơn mài Ao sen, Thiếu nữ và hoa sen. 

Họa sĩ đã yêu cầu công ty này phải thực hiện các cam kết, bao gồm việc chấm dứt ngay lập tức và không điều kiện việc sử dụng các tác phẩm của mình, không giới thiệu quảng cáo và chào bán các sản phẩm "đạo tranh", gửi văn bản cam kết không tái phạm và công khai xin lỗi họa sĩ trên mạng xã hội và website của công ty.

Chiều ngày 9/5, Công ty Phan Trần đã gọi điện cho họa sĩ Bùi Trọng Dư xin lỗi và hứa sẽ thực hiện những yêu cầu trong thư. Họa sĩ Bùi Trọng Dư ghi nhận đây là phản hồi tích cực của đơn vị này. Trước đó ngày 3/5, Công ty in vải Lan Anh cũng đã nhắn tin xin lỗi họa sĩ Bùi Trọng Dư và mong bỏ qua.

Ngay khi họa sĩ Bùi Trọng Dư lên tiếng, nhiều họa sĩ khác biết chuyện cũng đã vào cuộc rà soát tranh của mình và con số các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền tranh lên áo dài ngày càng tăng lên. Đến hôm nay (10/5), các họa sĩ có tranh bị xâm hại bản quyền có: Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội), Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc (Huế), Phan Linh Bảo Hạnh (Huế, sống tại Bình Dương)…

Chú thích ảnh
Bức Hai chị em của họa sĩ Ngụy Đình Hà) và hình ảnh xâm hại bản quyền in trên áo dài

Các công ty may áo dài vị bị các họa sĩ phát hiện vi phạm bản quyền tranh gồm: In vải kỹ thuật số Phan Trần, Áo dài Lotus – Lotus House, Áo dài Phương Mai, Công ty In vải Lan Anh… đều có trụ sở tại TP.HCM.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư, đại diện nhóm các họa sĩ có tranh bị các công ty may áo dài xâm phạm bản quyền cho biết: “Chúng tôi cũng đã tập hợp nhau lại cùng ký chung vào các thư yêu cầu có nội dung tương tự gửi cho các đơn vị áo dài đã xâm phạm bản quyền tranh để đòi lại sự công bằng cho sức lao động của mình, đồng thời cũng là để tình trạng sử dụng tác phẩm hội họa bừa bãi bị đẩy lùi”.

Chú thích ảnh
Thư yêu cầu của các họa sĩ gửi Công ty in vải Lan Anh. Ảnh nhóm họa sĩ cung cấp

Theo thư yêu cầu của các họa sĩ, nếu các đơn vị áo dài xâm phạm bản quyền tranh không thực hiện các cam kết trên, các họa sĩ sẽ tiến hành những biện pháp cứng rắn hơn là khởi kiện ra tòa án và yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại.

“Khi tác phẩm bao mồ hôi, công sức của mình bị sao chép, in ấn một cách bừa bãi, không xin phép, giá trị của tác phẩm bị giảm đi rất nhiều và công sức của các họa sĩ không còn được trân trọng, các họa sĩ cần phải lên án mạnh mẽ, đi đến cùng để giải quyết vụ” – nữ họa sĩ Nguyễn Thu Huyền nói.

“Nếu các họa sĩ không đồng loạt lên tiếng, những hành vi xâm hại bản quyền này sẽ tiếp tục là một là một tiền lệ xấu trong xã hội chúng ta. Tiền lệ này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hiện tại và mai sau. Hôm nay là chúng tôi, rồi sau sẽ đến các bạn...

Vì vậy,  những ai sáng tạo nghệ thuật, những ai yêu nghệ thuật, những ai quan tâm đến giá trị sáng tạo, hãy gắn kết lại với nhau để có một tiếng nói to lớn, để tình trạng xâm hại bản quyền không còn là thói quen và sẽ chăng ai dám bừa bãi xâm hại đến giá trị sáng tạo của chúng ta”- họa sĩ Ngụy Đình Hà nhấn mạnh thêm.

Hoài An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm