Cuối cùng, Ngoại hạng Anh cũng thay đổi tuyển Anh

20/06/2016 09:34 GMT+7 | Tranh cãi

(Thethaovanhoa.vn) - Trận hòa 1-1 với Nga như là sự chứng tỏ rằng lịch sử và số phận của bóng đá Anh luôn phải nếm trải những cảm giác khắc nghiệt nhất, nhưng cũng đã kịp cho thấy việc tràn ngập các HLV ngoại ở giải Ngoại hạng Anh mùa 2015 – 2016 là điều có lý.

Bàn thắng ở phút bù giờ thứ hai của Nga là một pha bóng gần như vô hại. Vấn đề khác là không có ai trong đội tuyển Anh thực sự mắc lỗi trong pha bóng đó. Họ có đủ người ở trong vòng cấm. Họ đẩy hàng tiền đạo của đối thủ ra xa vị trí của Joe Hart. Ấn tượng nhất của pha bóng ấy là nỗ lực phi thường của một trung vệ đã ngoài 35 tuổi như Berezutski, một người vốn đã bị hàng tiền đạo Anh hành cho tả tơi trong suốt 90 phút trước đó.

90 phút trước đó của Anh là màn tấn công tốc độ, đa dạng, với nhiều pha xử lý cần phải có kỹ thuật ở đẳng cấp cao khi mà chủ trương của Anh là phải di chuyển nhanh và nhiều để tạo ra khoảng trống


Đội tuyển Anh đã có một thế trận tấn công đa dạng

Trước giải, UEFA đưa ra con số thống kê là trong số 552 cầu thủ, có 139 cầu thủ đang chơi ở Anh, và chủ yếu là ở giải Ngoại hạng. Toàn bộ các tuyển thủ Anh đều chơi ở Anh.  

Nếu trước kia, thống kê đó đương nhiên tạo nên sự lo lắng. Các vị trí tốt nhất ở các CLB là thuộc về cầu thủ nước ngoài. Điều đó vẫn đúng, nhưng chỉ một phần. Hoặc toàn bộ các tuyển thủ Anh chỉ chơi ở Ngoại hạng Anh cũng có thể khiến người ta dè bỉu là họ không đủ khả năng để ra nước ngoài như những Paul Gascoigne hay Paul Ince. Thực tế này không cho thấy sự lạc hậu của đội tuyển Anh về mặt lối chơi, chiến thuật.

Màn trình diễn ấn tượng trước Nga là sự tiếp nối của những hình ảnh tiêu biểu nhất của giải Ngoại hạng Anh trong thời gian qua đã chứng kiến sự biến đổi rõ rệt về xu hướng chiến thuật là các đội bóng chơi bóng với tư tưởng kiểm soát bóng, đề cao yếu tố kỹ thuật hơn. Sự hiện diện của hơn ¾ số HLV ở giải là người nước ngoài, trong đó nhiều nhất là Tây Ban Nha và Pháp đã góp phần tạo nên những chuyển biến này. Ở giai đoạn cuối của mùa giải, chỉ có 4 đội bóng có HLV là người Anh chính hiệu nếu tính cả trường hợp HLV tạm quyền Joe Royle ở Everton thay cho Roberto Martinez người Tây Ban Nha.

5 trong số 11 cầu thủ đá trong đội hình xuất phát của tuyển Anh đang khoác áo Tottenham Hotspurs. Đó là CLB hiện thân của sự đuối sức, đội bóng đã đua vô địch mùa trước tới vòng 36 rồi mới rớt xuống vị trí thứ ba? Tức là của sự hụt hẫng, của sự thất vọng ở những thời điểm quyết định chăng?


Đã có tới 5 cầu thủ của Tottenham ra sân từ đầu trong trận gặp Nga

Phải cần có thời gian để phản biện hoặc đồng tình, nhưng họ là học trò của Mauricio Pochettino, một người chịu ảnh hưởng rất nhiều của tiền bối đồng hương Argentina, Marcelo Bielsa. Roy Hodgson gọi tới họ để tẩy não hay tận dụng một triết lý bóng đá đã thấm dần vào trong họ trong suốt thời gian qua?

Và thực tế hiển hiện là Tottenham như thế đã trở thành CLB cung cấp nhiều cầu thủ cho tuyển Anh nhất trong lịch sử. Một năm trước, khi chưa có Rose và Ali lên tuyển, Tottenham đã cùng với Aston Villa là hai CLB đứng số 1 ở phương diện này, cùng có 73 tuyển thủ. Khi đó, các con số tương ứng của Liverpool, Man Utd, Arsenal là 67, 64 và 63.

Lấy một đội bóng làm trụ cột không phải là điều mới mẻ, người Anh từng làm. Manchester United khi vươn lên đỉnh cao châu Âu những năm cuối thế kỷ 20 có 4 cầu thủ tham dự World Cup 1998 trong màu áo tuyển Anh và thường đá chính. Chelsea của giai đoạn 2004 – 2006 rất mạnh cũng có 4 cầu thủ tham dự World Cup 2006 và làm trụ cột.

Tức là có thất bại. Nhưng cũng có thành công. Bobby Moore, Geoff Hurst và Martin Peters của West Ham đã làm nên lịch sử cho họ ở World Cup 1966.

Sẽ là khập khiễng nếu so những huyền thoại nói trên với các cầu thủ trẻ của tuyển Anh hôm nay. Nhưng cũng như 50 năm trước, tuyển Anh còn có những cái tên khác. Nếu 1966 là những huyền thoại chơi với huyền thoại, thì giờ đây là các cầu thủ đến từ các CLB có lối chơi chủ động thông qua kiểm soát bóng và tấn công tốc độ. Adam Lallana từ Liverpool của Klopp. Sterling của Man City, Wilshere của Arsenal.

Đội tuyển Anh ở trận gặp Nga không thể thắng nhưng đã chơi thứ bóng đá quyến rũ, tốc độ và chỉ thiếu may mắn. Anh lọt vào nhóm các đội tấn công mạnh mẽ nhất xét trên số lần dứt điểm cầu môn; trong số này có Đức, Croatia, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan.

Bí quyết thành công đường dài

Liên đoàn bóng đá Anh đã nhìn ra điều đó và nó là nguyên nhân lý giải cho việc tại sao trong vòng một thập kỷ qua, tuyển Anh đã có 2 HLV ngoại là Sven Eriksson (Thụy Điển) và Fabio Capello.

Nhưng trong ba cấp độ sử dụng HLV ngoại với ý đồ thay đổi về tư duy chơi bóng, xây dựng chiến thuật, lối đá thì tốt nhất là khi đào tạo trẻ rồi tới CLB và cuối cùng mới là đội tuyển. Bởi đây là vấn đề mang tính nền tảng trong khi HLV ở đội tuyển thiên về cách đọc trận đấu và sử dụng con người sao cho hợp lý.  

Người Anh đã tụt hậu ghê gớm so với hai nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục và thế giới, nên bóng đá trẻ khó phát triển: Trong khi Tây Ban Nha có khoảng 15 ngàn HLV bóng đá có bằng A (cao hơn bằng B và C), Đức có 5,5 ngàn thì Anh chỉ có khoảng 1,5 ngàn.

Roy Hodgson đang bị chỉ trích, vì những quyết định được cho là thiếu nhạy cảm của một nhà cầm quân khiến cho Anh đánh rơi chiến thắng trước Nga ở phút cuối.


HLV Roy Hodgson đã phải chịu không ít chỉ trích

Ở đây, có gì khác biệt khi Antonio Conte của tuyển Italy đã kéo quân về chơi phòng ngự trước Bỉ để bảo vệ lợi thế 1-0, rồi hứng chịu hàng loạt pha tấn công và chỉ có sự vô duyên của Bỉ nên Buffon mới không thủng lưới? Sự khác biệt chính là hiệu quả, khi Italy ăn thêm Bỉ một bàn còn Anh thì bị gỡ hòa 1-1 bởi Nga. Không sai, nhưng chỉ một trận đấu là không đủ để khẳng định bất cứ điều gì. World Cup 2014, Đức lết vào tứ kết sau trận thắng nhọc nhằn trước Algeria, để rồi phần sau của câu chuyện thuộc về lịch sử.

Và thêm một cái nhưng nữa, dù cho là tất cả những chỉ trích có đúng, dù Anh có không vô địch như Đức (chắc chắn thế) thì Hodgson cũng là một phần của sự thay đổi. Ông đã không ném đi những thay đổi của gần hai chục HLV đến từ khắp thế giới đã tới giải Ngoại hạng Anh mùa trước về triết lý và tư duy chơi bóng để có một tuyển Anh đáng xem nhất kể từ World Cup 1998, 2002 dù không có một ngôi sao lớn nào.    

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm