Cùng Đào Mai Trang 'Song hành với nghệ thuật'

29/10/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Song hành với nghệ thuật dày gần 300 trang, gồm 43 bài trò chuyện và bài viết chắt lọc từ kinh nghiệm hơn 20 năm tìm hiểu, nghiên cứu và viết về mỹ thuật của Đào Mai Trang. Điểm mạnh của sách này là cách tiếp cận gần gũi, sinh động, bởi đa số vấn đề và nhân vật là của nền nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây.

Tự phát như... nghề giám tuyển mỹ thuật ở Việt Nam

Tự phát như... nghề giám tuyển mỹ thuật ở Việt Nam

Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam diễn ra sáng 28/10 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, thu hút gần 15 tham luận và nhiều ý kiến tại chỗ. Nhìn chung, hội thảo cho thấy nghề giám tuyển (curator) tại Việt Nam trong mấy chục năm qua là tự phát, tự học tự làm. Và trong tương lai gần, điều này cũng khó thay đổi.

Sách chia làm 3 phần chính, phần 1 gồm 29 bài trò chuyện, phỏng vấn được thực hiện từ năm 2013 trở lại đây. Phần 2 gồm 6 bài viết nhận định về các họa sĩ như Lê Thanh Sơn, Đỗ Hiệp, Vũ Bích Thủy, Mai Duy Minh, Bảo Vương... Phần 3 là các vấn đề của thị trường như tranh giả, đấu giá, cấp phép triển lãm, tương lai điêu khắc và nghệ thuật công cộng…

Thích nghệ sĩ có lối sống văn minh

Về tính cách, dường như Đào Mai Trang thích những nghệ sĩ có tư duy tiến bộ về cuộc đời, hành xử tử tế và văn minh với cuộc sống xung quanh. Còn về góc độ nghệ sĩ, thì đó là một người sáng tạo có tư duy tiến bộ về nghệ thuật, biết tin tưởng vào hành trình sáng tạo của cá nhân.

“Việt Nam mình có nhiều nghệ sĩ như vậy, thời nào cũng có, chỉ là ta có đôi mắt xanh để nhận ra họ hay không” - Đào Mai Trang nói.

Chú thích ảnh
Cuốn “Song hành với nghệ thuật”

Trong phần 1 của sách, chương Nghệ thuật và sự tự nhận thức, Đào Mai Trang chọn đối thoại với Nguyễn Bảo Toàn, Đỗ Minh Tâm, Đào Hải Phong, Vương Văn Thạo, Trần Nhật Thăng, Nguyễn Nguyên Hà, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Trọng Đoan… Các nghệ sĩ này có vô số điểm riêng, nhưng họ có hai điểm chung, đó là có cái nhìn tương đối tươi sáng, lạc quan về cuộc đời. Kế đến, họ kiên định về lối đi của mình, dù thành công hoặc chưa, dù cấp tiến hoặc chưa.

Trong các thước đo về sự định hình hoặc thành công của một nghệ sĩ, Đào Mai Trang dành một sự chú ý đáng kể đến sự thành công của họ trên thị trường, việc họ độc lập về tài chính đủ để kiên định lối đi, để thích làm gì thì làm. Vì vậy mà, Đào Mai Trang đã phác thảo, lột tả được những nghệ sĩ mà lâu nay bị gắn mác “họa sĩ thị trường” như Đào Minh Tâm, Lê Thanh Sơn, Đào Hải Phong…, để cho thấy họ có lý do, quan niệm và thẩm mỹ của mình. Họ là những họa sĩ bán tranh như “tôm tươi”, nhưng chưa hẳn đồng tiền đã lèo lái được họ.

Dù gián tiếp, nhưng Đào Mai Trang cũng đã cho thấy được sự hài lòng về việc ngày càng có nhiều nghệ sĩ Việt thành công cả về danh, lợi và tình. Điều này góp phần thay đổi cái nhìn phiến diện, đôi khi kỳ thị rằng nghệ sĩ thì phải đồng nghĩa với nghèo đói, gầy ốm… Đào Mai Trang có cái nhìn thiện cảm, chia sẻ với những nghệ sĩ độc lập về tài chính, không còn là “gánh nặng” của gia đình và xã hội, như cái nhìn một thời. Đây cũng là một hướng nhìn văn minh, cấp tiến của sách Song hành với nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Một chương trong cuốn sách

Địa phương và cảm hứng dân tộc

Một điểm trọng yếu của sách này là tìm kiếm, phác họa, lý giải về tinh thần “suy nghĩ quốc tế hành động địa phương” của nhiều nghệ sĩ quốc nội, cũng như quốc tế chọn Việt Nam làm mảnh đất sáng tạo. Những hành vi và tác phẩm của Tạ Quang Bạo, Nguyễn Mạnh Đức, Đoàn Văn Nguyên, Bàng Nhất Linh, Nguyễn Huy An, Đặng Thị Bích Ngọc, Thái Nhật Minh… cho thấy bản sắc địa phương, cảm hứng dân tộc là chất xúc tác quan trọng làm nên tác phẩm, làm cho tinh thần đương đại Việt Nam có được sự riêng tư so với quốc tế.

Một khía cạnh nữa, đó là thông qua tác phẩm và quan điểm của Bùi Hải Sơn, Nguyễn Đỗ Bảo, Dinh Q. Lê (Lê Quang Đỉnh), Vũ Hồng Nguyên, Lê Huy Văn, Hà Đào, Trần Thị Hồng…, Đào Mai Trang nói về trách nhiệm xã hội của nghệ thuật. Tạm nói như ngôn ngữ cũ là nhập thế, là vị nhân sinh, còn như ngôn ngữ bây giờ là phản biện và phản tỉnh. Chính thái độ văn minh và giữ trách nhiệm với xã hội, các nghệ sĩ này đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, sự văn minh.

Và cũng chính trách nhiệm xã hội, tính địa phương và cảm hứng dân tộc làm nên bản sắc nghệ thuật và cảm thức nghệ thuật, cũng như làm nên tương lai của nghệ thuật Việt Nam. Gần 20 năm qua, do vọng ngoại, do chạy theo thị hiếu tức thời, chạy theo đồng tiền, không ít trường hợp vong thân, đánh mất bản sắc. Đào Mai Trang không trực tiếp đề cập đến những trường hợp này, nhưng đưa ra những trường hợp tích cực hơn, cũng cho thấy quan điểm của người viết. Quan trọng hơn, chị cho giới quan sát thêm các hy vọng về nghệ thuật Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm