Công Vinh & tham vọng đất Thủ

24/10/2014 12:55 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - B.Bình Dương chưa bao giờ ngừng mua vào, trước, trong và sau mỗi mùa giải. Với chữ ký mới nhất Lê Công Vinh, những tinh tuý nhất của nền bóng đá, đều đã tề tựu về đất Thủ.

 B.Bình Dương có thể không mạnh lên bằng các cái tên thuộc hàng sao số (vì nó còn liên quan đến khâu tổ chức đội bóng), song chắc chắn, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp sẽ yếu đi, sau mỗi đợt chảy máu cầu thủ giỏi.

Chiến lược khá quen thuộc của các đội bóng nhà giàu và chúng ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ai bảo bóng đá là cuộc chơi công bằng hay cuộc chơi của những người “đàn ông”?!

Từ 30 tỷ của Công Vinh…

Những người yêu thích các con số đã thống kê rằng, kể từ cuối năm 2008, khi Công Vinh rời SLNA để đầu quân cho Hà Nội.T&T, đến thời điểm anh ký hợp đồng với B.Bình Dương, tổng số tiền chuyển nhượng (vẫn gọi nôm na là phí lót tay) của tiền đạo này lên tới 30 tỷ đồng. Tất nhiên, chưa tính quỹ lương, thưởng, cũng như các hợp đồng quảng cáo, mà Công Vinh hẳn là một thương hiệu cỡ bự của nền bóng đá đương đại. Suy cho cùng, thì chẳng có điều gì tự nhiên đến cả.

Song, có một chi tiết rất đáng lưu ý, đó là Vinh chưa một lần gia hạn (hoặc được đề nghị gia hạn) với các đội bóng mà anh từng đầu quân ngoài SLNA. Mới đây, chính SLNA cũng đã bất lực nhìn Vinh ra đi, sau khi không đạt được các thoả thuận về tài chính, dù tiền đạo đeo áo số 9, chân sút số 1 lịch sử V-League, đã luôn nói rằng, nếu phải ưu tiên thì “quê hương luôn là chùm khế ngọt”. Thời đại bóng đá kim tiền, với cầu thủ là một loại sản phẩm, quả khó nói trước.

Ở tuổi 29, Công Vinh về Thủ Dầu Một (với bản hợp đồng thời hạn 3 năm), không hẳn là lựa chọn đầu tiên, nhưng có thể là cuối cùng. Trước đó, đã có thông tin Vinh sẽ đi Thái, bởi ngoài SLNA, các đội bóng của bầu Hiển (Hà Nội.T&T, SHB.Đà Nẵng, QNK.Quảng Nam và cả đội hạng Nhất Hà Nội), đều chắc chắn nói không, sau vụ “lật kèo” năm 2012. Thông qua các phát biểu, bản thân lãnh đạo B.Bình Dương cũng đã phủ nhận thông tin muốn có Công Vinh, khi V-League 2014 kết thúc…

Nhưng, ngay lúc này, Công Vinh đang ở Bình Dương, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Theo phác hoạ, Vinh sẽ đá cặp tiền đạo với Anh Đức, trên hàng công của ĐT Việt Nam ở kỳ AFF Suzuki Cup sắp tới lẫn B.Bình Dương mùa giải năm sau. Thành công đến đâu không biết, song, sẽ có những người phải hy sinh. Người đầu tiên có thể là “ngôi sao” Lê Thuỵ Hải, sau khi vị Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) người Hà Đông khẳng định công khai rằng, ông không ủng hộ bản hợp đồng này.

Hẳn Lê Công Vinh sẽ không muốn mình trở thành đối trọng với HLV Lê Thuỵ Hải, song viễn cảnh dễ tưởng tượng, đó là sự thiếu hợp tác giữa họ. Vinh đã từng rời Hà Nội.T&T, sau khi cảm nhận được những mầm mống nảy nở về các mối quan hệ “chăn không ấm, nệm không êm”, nhưng với B.Bình Dương, câu chuyện mới chỉ bắt đầu. Trong khi đó, HLV Lê Thuỵ Hải vốn vẫn được biết đến như một con người cực bảo thủ, sẵn sàng đốp chát, kiểu xanh chín luôn và ngay.

Nếu cần những lời khuyên (chỉ là nếu thôi), có lẽ Công Vinh nên hỏi những Tăng Tuấn, Mai Tiến Thành, Tấn Trường, Văn Bình…, những người ít nhiều cũng có thương hiệu và từng được kỳ vọng. Khác biệt chỉ có thể được tạo ra, bởi cái “tên miền CV9” và Lê Công Vinh đã luôn chứng minh mình là người hiểu thời thế. 30 tỷ đồng không từ trên trời rơi xuống, nhưng cũng không đơn thuần chỉ là sự nỗ lực bản thân!

Đến cả ngàn tỷ của đất Thủ

Vẫn là những con số. Từ mùa giải 2004 – 2005, thời điểm mà Becamex IDC chính thức nhận đầu tư cho bóng đá Bình Dương, sau đúng một thập niên, người ta tính rằng, cả ngàn tỷ đồng được đổ vào đội bóng này, để có 3 chức vô địch V-League. Từ những ngôi sao đời đâu như Trường Giang, Xuân Thành, Hữu Thắng…, đến Thế Anh, Vũ Phong, Quang Thanh, Như Thành và giờ là Đình Luật, Tấn Tài, Phước Tứ, Trọng Hoàng, Ân Văn Hoàn, Công Vinh…, tất cả đều tề tựu về đây.

B.Bình Dương là ĐTQG và ĐTQG là B.Bình Dương. Ở lần đầu tiên và cuối cùng, bóng đá Việt Nam đánh chiếm ngôi hậu Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2008), dù Minh Phương, Tài Em và Việt Thắng là bất khả xâm phạm, nhưng vai trò của những cầu thủ thuộc phiên chế đất Thủ là cực lớn. Dưới có Như Thành, Quang Thanh, trên là Vũ Phong (Trường Giang dự phòng). Ngay thời điểm này, quân B.Bình Dương cũng chiếm đến 1/3 ĐT Việt Nam, triều đại Toshiya Miura.

Trong rất nhiều những bản hợp đồng cả nội binh lẫn ngoại binh về đất Thủ, có người được, người mất (giá trị sử dụng), nhưng cơ bản phần lớn đều hoan hỉ. Tiền ai không muốn, càng khi tiền lại đi kèm với danh hiệu?! Mai Tiến Thành, Nguyễn Tăng Tuấn, Tấn Trường, Huỳnh Phú, Minh Trung…, cả mùa giải mài đũng quần trên băng ghế dự bị, song bỗng nhiên trở thành nhà vô địch V-League 2014 và tất nhiên trước đó, họ cũng bỏ túi vài tỷ đồng từ phí lót tay, lương và thưởng.       

Ở Bình Dương, trong quá khứ và cả hiện tại, chẳng có điều gì là không thể cả. Kết thúc mùa giải 2008, dù đã có công đưa đội bóng 2 lần giành chức vô địch V-League liên tiếp, thêm ngôi á quân ở mùa 2006 nữa, nhưng ông Hải “lơ” vẫn phải ra đi không kèn trống đấy thôi! Thêm một (hay vài) cuộc khủng hoảng thừa sau khi Công Vinh xuất hiện, cũng bình thường, bởi thuộc tính đội bóng này là thế. Người ta đã ném qua cửa sổ 8 tỷ đồng để lấy Việt Thắng, chỉ để cho mượn, thì đừng hỏi!

Chuyện mua, bán hay lấy cầu thủ, chưa bao giờ là việc của… HLV. Thậm chí ngay cả việc lên đấu pháp, thay người giữa trận, nhiều ông thầy từng kinh qua cabin BHL đội bóng này, cũng phải hỏi ý kiến cấp trên. Nghe có vẻ nghịch lý và có thể khiến không ít những người làm chuyên môn phiền lòng, song ở Bình Dương, thuận thì sống, chống thì ra đường, cứ “ngoan là sẽ có quà”. Bản thân ông Hải “lơ” cũng không ít lần phải thoả hiệp, huống hồ cầu thủ, hoặc những bộ phận thuộc cấp?!

Bóng đá, suy cho cùng, là cuộc chơi của nhà giàu, thậm chí là cực giàu. Nhưng một nền bóng đá, từ cấp độ CLB, không có nhu cầu đào tạo (và gần như không đào tạo), mà cái gì cũng mua bằng tiền hoặc bằng nhiều tiền, liệu có bền không?! Hỏi mà như đã trả lời rồi!

“Vô đối” ở V-League 2015?

Với Anh Đức, Dieng Abass, Trọng Hoàng…, hàng công của B.Bình Dương gần như vô đối ở V-League 2014, khi đã ghi đến 53 bàn thắng (kém 13 bàn so với Hà Nội.T&T, nhưng bù lại, hàng thủ của B.Bình Dương cũng để lọt lưới ít hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp 13 bàn).

Bộ đôi tiền đạo Anh Đức và Dieng Abass đóng góp phân nửa số bàn thắng (24/53) và đó là một phần trong những lý do giúp B.Bình Dương lần thứ 3 lên ngôi ở kỷ nguyên V-League.

Có thêm chân sút số 1 lịch sử giải đấu, Lê Công Vinh, về lý thuyết, đội bóng nào đủ năng lực cạnh tranh với B.Bình Dương ở mùa giải 2015?!



Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm