Công trình dang dở của TS Nishimura

02/12/2016 08:01 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Từ con tàu đắm ở Bình Châu (Quảng Ngãi), TS Nishimura và cộng sự đã âm thầm trục vớt và sưu tập hàng trăm bao tải cổ vật có giá trị. Ông chia sẻ với vợ, bà Nishio Noriko về ý định tập hợp và hình thành Bảo tàng Văn hóa biển Việt Nam để “kể” những câu chuyện giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền tại những hải cảng Việt Nam trong quá khứ. Song tai nạn bất ngờ ập tới khiến Nishi không thể hoàn thành dự định.

Tuy nhiên, khi TS Nishimura nằm lại trên đất Kim Lan (Hà Nội), một nhóm các nhà khảo cổ học người Nhật Bản đã tập hợp để tiếp bước ông, với mong muốn đi đến cùng con đường khoa học về văn hóa biển Việt Nam.

“Ước vọng Nishi”

Bà Noriko, vợ TS Nishimura cho biết: Anh Nishimura cũng cho rằng di sản văn hóa tàu đắm ở Bình Châu là rất quan trọng, đặc biệt là hệ thống hiện vật. Anh Nishi đã thấy giá trị tư liệu này và thấy sự cần thiết nghiên cứu thật kỹ để mở rộng thêm những tầng thông tin của các cứ liệu từ những hiện vật ở con tàu đắm.


Bà Noriko trình bày về công trình dang dở của Nishimura

Cũng theo lời kể của bà Noriki, TS Nishimura đã đến tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần để nghiên cứu tài liệu từ khoảng năm 2011 đến lúc ông mất. Nishi có ý định trục vớt, phân loại hiện vật và thống kê lại các hiện vật, nghiên cứu về nguồn gốc con tàu, hải trình dự kiến của tàu, làm rõ nơi sản xuất của hiện vật, hệ thống hàng hóa để hình thành một hệ thống tài liệu về hàng hải qua biển Việt Nam cũng như các thương cảng Việt Nam ở thế kỷ 9 (thời điểm ước đoán con tàu bị đắm).

Từ cơ sở đó, Nishi có ý định xây dựng Bảo tàng Văn hóa biển Việt Nam. Song tai nạn bất ngờ vào tháng 6/2013 đã khiến công trình ông tâm huyết và dày công thực hiện tưởng chừng “đắm” cùng con tàu nơi bãi biển Bình Châu.

“Chúng tôi không muốn nhìn công trình của người chồng, người đồng nghiệp, người thầy, người bạn của mình dở dang như vậy”- bà Noriko nói - “Từ công trình và ước vọng Nishi đối với hiện vật con tàu đắm ở biển Bình Châu, chúng tôi đã tạo ra nhóm Nishimura Project như để hướng về Nishi và đi tiếp con đường tìm kiếm chân lý khoa học mà Nishi còn chưa đi hết. Nhóm Nishimura Project gồm: Nishio Noriko, Aoyama Toru (ĐH Ngoại ngữ Tokyo), Kimura Jun, Nogami Takenori...”.


Hiện vật quý trên con tàu đắm do Nishimura trục vớt tại biển Quảng Ngãi. Ảnh: Nishimura Project

Văn hóa biển Việt Nam

TS Nguyễn Việt, người cũng nghiên cứu về tàu đắm ở vùng biển Bình Châu đánh giá về tầm quan trọng của con tàu đắm mà Nishimura nghiên cứu: Nghiên cứu về chủ quyền, chúng ta đang thiếu những con tàu. Những hiện vật Đông Sơn chỉ cho ta những hình vẽ. Trong khi đó ở biển Đông tàu thuyền có sớm. Những dấu tích về sự hiện diện đều chỉ lưu lại ở Luy Lâu, Chiêm Thành... Nên con tàu khoảng thế kỷ 9 này là rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ văn hóa biển Việt Nam.

“Con tàu mà Nishi và tôi nghiên cứu còn tương đối đầy đủ” - TS Nguyễn Việt nói tiếp - “Ví dụ từng sợi dây liên kết vẫn còn khá nguyên vẹn, gỗ thân tàu còn rất tốt. Theo tôi, qua cách đóng tàu này có thể dự đoán xuất xứ của nó từ vùng Arab. Nó xuất phát từ một cảng tương đối cụ thể ở Vịnh Ba Tư”.

Theo TS Nguyễn Việt, sự xuất hiện của con tàu đắm từ một nơi rất xa cùng những hiện vật mà Nishimura và cộng sự sưu tập được có thể chứng minh rõ ràng vùng cửa biển Sa Kỳ ở thế kỷ 9 - 10 rất tấp nập. Và Quảng Ngãi là một chặng dừng tốt để lấy nước ngọt cũng như buôn bán lâm thổ sản của các thuyền buôn quốc tế. Đây cũng là trung tâm của Chăm Pa cổ, một vương quốc biển hùng mạnh. Đồng thời, Việt Nam là điểm dừng quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế với những thương cảng nức tiếng khác ở khu vực Vân Đồn, Sầm Sơn, cửa sông Lam, Óc eo, Phù Nam, Cù Lao Chàm,...

“Từ những hiện vật và công trình dang dở mà Nishi đã cống hiến tới hơi thở cuối cùng, ta thấy một điểm rất rõ rằng một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Việt Nam là văn hóa biển” - TS Nguyễn Việt nói - “Và các phát hiện khảo cổ đã cho thấy biển Đông là con đường huyết mạch của người Việt Nam từ rất lâu. Những hiện vật từ con tàu đắm mà Nishimura nghiên cứu một lần nữa lại nhắc nhớ người Việt rằng phải giữ biển của cha ông bằng mọi giá để bảo vệ chủ quyền và phồn thịnh”.

TS Nishimura Masanari (1965-2013) là nghiên cứu viên ĐH Kansai, ĐH Osaka, hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên điều hành Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương IPPA, sáng lập Quỹ Di sản văn hóa Đông Nam Á, sáng lập Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng tại làng Kim Lan (Hà Nội).

TS Nishimura Masanari được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội 2013 hạng mục Việc làm vì tình yêu Hà Nội và Huân chương Hữu nghị.

(Còn tiếp)

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm