Chuyển nhượng đại dịch: Tiêu nhiều, nhưng khôn hơn

13/10/2020 07:04 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ chuyển nhượng mùa hè đã chính thức khép lại. Bất chấp những tác động từ đại dịch Covid-19, các đội bóng ở Premier League vẫn chi tiêu mạnh mẽ, nhưng tỏ ra khôn ngoan hơn trong việc mua sắm.

Bóng đá hôm nay 13/10: Nội bộ MU bất ổn vì Romero. Guardiola bị chê bai về chiến thuật

Bóng đá hôm nay 13/10: Nội bộ MU bất ổn vì Romero. Guardiola bị chê bai về chiến thuật

Nội bộ MU bất ổn vì Romero. Guardiola bị chê bai chiến thuật. Lịch thi đấu bóng đá hôm nay.

1. Những hình dung về phiên chợ mùa hè 2020 hiện ra từ phát biểu của ông Fabio Paratici, giám đốc thể thao của Juventus: “Chúng ta phải sáng tạo và thông minh hơn”. Hoàn toàn đúng, tiền đổ vào ít hơn, nhưng chất lượng nâng lên rõ rệt.

Sẽ thật khó hình dung có một kỳ chuyển nhượng kéo dài và căng thẳng như kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay. Tình hình tài chính nhiều đội bóng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các ông lớn ở La Liga như Real Madrid hay Barcelona. Đội chủ sân Camp Nou mới đây thông báo khoản thua lỗ lên tới 97 triệu euro, lý do khiến họ phải ưu tiên việc bán người trước khi mua về các tân binh. Sergino Dest chỉ hiện diện trong màu áo Barcelona khi Nelson Semedo được thanh lý cho Wolves, trong khi các thương vụ Eric Garcia (Man City) hay Memphis Depay (Lyon) đổ bể vào giờ chót chỉ vì đội bóng của tân HLV Ronald Koeman không biết đào đâu ra nguồn tài chính để mua họ. Tệ hơn, Real Madrid thậm chí còn không bỏ ra một xu nào, trái ngược với truyền thống mua sắm rầm rộ để làm dày thêm đội ngũ của Dải ngân hà. Họ từng hy vọng sẽ được hưởng ưu đãi mua Jadon Sancho từ Borussia Dortmund. Rốt cuộc, đội chủ sân Signal Idura Park chẳng có bất cứ ưu đãi nào, bằng chứng là MU đã phải bó tay dù năm lần bảy lượt đưa ra lời đề nghị khác nhau.

2. Túi tiền của nhiều ông lớn lục địa già vơi đi vì đại dịch Covid-19, nhưng riêng Premier League thì không. Bằng chứng? 1,2 tỷ bảng được 20 đội bóng ở hạng đấu cao nhất nước Anh chi cho việc tậu về các tân binh. Con số này bỏ xa các giải đấu còn lại ở châu Âu: Serie A chỉ dám chi 418 triệu bảng, La Liga là 375 triệu bảng, Ligue 1 là 350 triệu bảng còn Bundesliga thậm chí chỉ gần 270 triệu bảng.

Chú thích ảnh
Kì chuyển nhượng mùa Hè vừa rồi chứng kiến việc đa phần các CLB mua sắm khôn ngoan hơn

Mặt khác, nếu nhìn thật sâu vào bức tranh cụ thể của các đội bóng Premier League, dễ thấy phần đa chi tiêu thận trọng và khôn ngoan hơn. MU chỉ dám chi 35 triệu bảng cho Donny van de Beek từ Ajax trong phần lớn thời gian của phiên chợ hè, và chỉ chi thêm 32 triệu bảng cho ba tân binh còn lại gồm Alex Telles từ Porto, Amad Diallo từ Atalanta và Edinson Cavani từ PSG trong ngày cuối phiên chợ hè (riêng Cavani là thương vụ không mất phí). Dễ thấy những cách chi tiêu tương tự xảy ra ở Man City, Liverpool hay Arsenal.

Chelsea là ngoại lệ hiếm hoi vung tay mạnh bạo trong phiên chợ hè, khi tổng số tiền đội bóng áo xanh mua sắm vượt mốc 250 triệu bảng. Thật ra đội bóng của HLV Frank Lampard chi tiêu ác liệt một phần vì họ vô tình “tích lũy” số tiền không được chi tiêu sau khi bán Eden Hazard cho Real Madrid vì án cấm chuyển nhượng FIFA mùa trước.

Nhìn về những đội bóng ngoài Big Six, Everton là cái tên điển hình cho việc chi tiêu khôn ngoan đem lại hiệu quả tuyệt đối. James Rodriguez và Allan không phải những bản hợp đồng tốn nhiều tiền, nhưng đang để lại dấu ấn theo những mức độ khác nhau ở sân Goodison Park.

3. Những gì diễn ra trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua đem đến chỉ dấu cho phiên chợ mùa đông sang năm, vốn chỉ gần 2 tháng nữa sẽ mở cửa? Tất cả tùy thuộc hoàn toàn vào việc bao giờ khán giả, những người mang lại nguồn thu không nhỏ cho các đội bóng, sẽ được trở lại trọn vẹn trên các sân bóng. Bundesliga đã đồng ý mở cửa cho một lượng khán giả nhất định, nhưng các sân bóng ở Premier League, La Liga và Serie A vẫn “cửa đóng, then cài” chưa xác định ngày mở lại.

Chừng nào nguồn thu của các đội bóng chưa được cải thiện, những Barcelona hay Real Madrid chưa thể có tiền đi mua tân binh. Thậm chí Barcelona còn phải lo ngay ngáy nếu Lionel Messi chưa chịu ký vào bản hợp đồng mới, bởi nguy cơ siêu sao người Argentina trở thành món hàng giá rẻ (hay thậm chí miễn phí) chất lượng cao trong năm 2021 là hoàn toàn có thật. Sau một kỳ chuyển nhượng mùa hè kỳ lạ nhất trong nhiều năm, tình hình đại dịch Covid-19 sẽ quyết định phiên chợ mùa đông 2021 ấm lên hay tiếp tục trạng thái ảm đạm của mùa hè 2020.

Linh Sam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm