Chứng mỏi cổ của Mourinho và Klopp

18/01/2017 10:41 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Sau vòng đấu vừa rồi, một số HLV có lẽ đang mắc phải một chứng bệnh chung: Bệnh mỏi cổ…

1. “Sau trận đấu, tôi đã bị đau cổ. Tại tôi toàn phải nhìn về phía bên trái suốt cả hiệp 2”. Đó là những gì Mourinho nói về trận derby nước Anh. Ông ám chỉ cả hiệp 2 chỉ có mình Man United chơi bóng, khống chế hiệp đấu và do đó, bàn gỡ hòa cho họ là xứng đáng, nếu không nói là còn quá ít.

Nhưng có lẽ không chỉ mình Mourinho mắc chứng mỏi cổ sau vòng đấu này. Klopp chắc còn mỏi hơn, dù ông không nói rằng cổ ông có vấn đề gì không. Song, chỉ cần nghe ông bảo “thời gian bóng trên không lên tới 25 phút” là chúng ta đủ hiểu. Cứ ngửa cổ dõi theo bóng bổng với bóng dài của đối thủ cả quãng thời gian như thế, Klopp có khi còn mỏi cổ hơn Mourinho cũng nên.

GÓC MARCOTTI: Guardiola có tội. Mourinho và Klopp đều hay. Diego Costa ‘lạc trôi’ về đâu?

GÓC MARCOTTI: Guardiola có tội. Mourinho và Klopp đều hay. Diego Costa ‘lạc trôi’ về đâu?

Một vòng đấu nữa của Premier League lại trôi qua với những cảm xúc khác nhau giữa các ứng viên vô địch. Chúng ta cùng nhìn lại những nét nổi bật qua lăng kính của chuyên gia Gabriel Marcotti.

Trong khi đó, ở Man City, Pep Guardiola chắc cũng mỏi cổ vì lắc đầu ngán ngẩm. Đội bóng của ông thảm bại ở Merseyside và trượt dài khỏi nhóm cạnh tranh chức vô địch. Nỗi thất vọng tất nhiên là quá lớn. Từ một người được kỳ vọng là sẽ mang lại cải cách chiến thuật cho Premier League, Pep đang là kẻ chịu áp lực. Thứ bây giờ Pep cần không chỉ là thời gian mà phải là những kết quả ngay lập tức, và cụ thể. Chỉ có thứ đó mới cứu vãn được ông mà thôi.

May cho ba HLV kể trên là gió Premier League không độc chứ nếu không, trúng gió cứng cổ vài tuần chẳng chơi.

2. Câu chuyện mỏi cổ kể trên thực sự chỉ nói cho vui nhưng nó đã chỉ ra được một khía cạnh khá lý thú của cuộc chơi Premier League mùa này. Đó chính là sự hòa nhập của các HLV mới tham dự vào làng bóng đá Anh, mà cụ thể là Conte, Pep Guardiola và Klopp, người có thời gian làm quen nhiều hơn hai người kia một chút.

Phải thừa nhận, Klopp thổi vào bóng đá Anh một luồng sinh khí rất mới, với lối chơi cuồn cuộn của gegenpressing. Lối chơi ấy được Liverpool đón nhận cũng rất tự nhiên, không chút khiên cưỡng nào. Đơn giản, bóng đá Anh vốn dĩ đề cao một đặc sản là “truy cản quyết liệt” và gegenpressing cũng được xây dựng 1 phần dựa trên khả năng truy cản nhanh, chính xác và cơ động của các cầu thủ ở cả 3 tuyến.

Song, sự hòa nhập của Klopp là chưa tròn vẹn khi ông để thất thế ở hiệp 2 của trận derby nước Anh chỉ vì không ứng biến kịp với lối chơi bóng dài, liên tục bơm bóng vào vòng cấm của Mourinho. Mourinho quá quen với Premier League, và ông hiểu, khi ở thế cùng, việc nhồi bóng bổng có thể mang lại những cơ hội thực sự. Bởi thế, ông mới tung vào sân Fellaini, cầu thủ vốn dĩ là mối lo của CĐV Man United, để hi vọng cái đầu xù kia có thể mang lại  thay đổi lập tức. Và lựa chọn của Mourinho là đúng. Khi Liverpool áp sát truy cản quá nhanh và quá nguy hiểm, việc nhanh chóng tung ra các đường chuyền dài là điều mà Man United cần làm, nếu không muốn mất bóng.


Klopp không làm quen được với kiểu chơi ấy. Đó là lý do mà Liverpool của ông vẫn còn phải bám đuổi Chelsea, thay vì ở vào vị trí dẫn đầu như đối thủ.

3. Conte là người chấp nhận thay đổi rất nhanh, để phù hợp với yêu cầu, đặc tính cũng như môi trường thi đấu của Premier League. Conte không cứng nhắc. Ông ứng biến với tình thế rất linh hoạt và vì vậy, Chelsea của ông đã có những kết quả tốt. Báo chí Anh quốc (The Times) cũng phải thừa nhận: “Nói về khả năng thích ứng với môi trường mới, Conte vượt trội và Pep Guardiola là yếu nhất”.

Thực sự, Pep đang cho thấy cơ chế phản ứng với môi trường của ông quá mạnh. Khi ông nói “tôi không dạy cho cầu thủ của mình truy cản (tackle). Đó không phải là cách chúng tôi chơi bóng”, điều đó cho thấy ông đang cố cưỡng lại một môi trường thi đấu mà 19 đội còn lại đều lựa chọn và tập thích ứng với nó. Đúng là khác biệt mới tạo nên giá trị nhưng khác biệt ấy phải hiệu quả chứ không phải khác biệt ấy lại là nguyên nhân của sự yếu kém.

Premier League vẫn bị coi là “lạc hậu” về chiến thuật so với Bundesliga, Liga hay Serie A nhưng hóa ra không phải vậy. Premier League có đòi hỏi khắc nghiệt hơn rất nhiều và để thích ứng với Premier League khó hơn rất nhiều. Sự đa dạng của các đội bóng, sự khắc chế lẫn nhau của các triết lý bóng đá sẽ luôn đòi hỏi HLV ở Premier League phải vận dụng trí óc nhiều hơn, thậm chí là phải hi sinh cả cái tôi của mình. Nhược bằng không, họ sẽ phải mỏi cổ than trời kiểu Klopp khi thấy Mourinho cho Man United chơi bóng bổng, bóng dài, hoặc chán nản thốt lên như Pep rằng “nhiều lúc, tôi đã nghĩ đến chuyện về hưu non”.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm