Chưa có 'trật tự mới' tại V-League

02/10/2020 05:56 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khi V-League 2020 phải thay đổi thể thức thi đấu mới vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, người ta đã lo lắng rất mơ hồ rằng, sau giai đoạn 1, một số ông lớn sẽ phải nằm ngoài cuộc đua vô địch, sau thất thế ở vạch xuất phát. Ví như ĐKVĐ Hà Nội FC chẳng hạn. Nhưng, rồi đâu lại vào đấy, làm gì đã có trật tự mới nào?

HLV Chung Hae Seong khó mơ cao với Bùi Tiến Dũng

HLV Chung Hae Seong khó mơ cao với Bùi Tiến Dũng

TP.HCM đã thất bại nặng nề trước HAGL lần đầu tiên ở sân Pleiku với một tỷ số không tưởng ở thời điểm đội chủ nhà lâm vào tình thế khó khăn. Với phong độ hiện tại, rất khó để thầy trò HLV Chung Hae Seong mơ mộng đến chức vô địch V-League 2020 như mục tiêu.

Chiến thắng, thậm chí là chiến thắng đậm của HAGL trước CLB TP.HCM, đã được dự báo từ trước. Trong một buổi chiều mà tiền đạo tốt nhất của TP.HCM, Nguyễn Công Phượng, đứa con cưng của Hàm Rồng, không thể góp mặt, nhà đương kim á quân trở nên vô hại, khiến cho người hâm mộ phải xót đồng tiền mà đội bóng thành phố đổ ra mua sao.

Một chút bất ngờ ở tốp đầu, khi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chen chân vào nhóm 8 đội đầu, sau trận thắng Quảng Nam. Nhưng, với một cuộc chơi giàu tính toán, tân binh này cũng chỉ là quân xanh.

Và đâu chỉ Top 8 mà 6 đội bóng rớt lại ở nhóm 2, ngoài SHB Đà Nẵng, thì đều là các đội bóng còn nặng tính bao cấp. Bao gồm SLNA, DNH Nam Định, Hải Phòng, Quảng Nam và Thanh Hóa. Những diễn biến gần đây ở xứ Thanh, mới thấy hết sự nghiệp dư của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam. Còn xứ Nghệ, cơm không đủ ăn, nói gì mưu cầu ngôi vương làng cầu nội. Trên thực tế, ngay cả SHB Đà Nẵng cũng đã hao hụt đi nhiều, từ khoảng 3 năm nay, cả tài lực và nhân lực.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, bong da, tin bong da, V League, kết quả bóng đá hôm nay, lịch thi đấu V League, Sài Gòn, Hà Nội, Thanh Hóa, HAGL
Dù Sài Gòn FC dẫn đấu giai đoạn 1 nhưng cuộc đua đến chức vô địch V-League 2020 vẫn còn để ngỏ. Ảnh: VPF

Bóng đá chuyên nghiệp là một cuộc chơi khốc liệt và bắt buộc phải có sự đào thải. Như Thể thao & Văn hóa đã phân tích, có khi cứ giữ thể thức thi đấu như mùa này lại hay. Lý là bởi, nó có thể vừa tiết kiệm được thời gian và cả tài chính cho các đội bóng, cũng như nhà tổ chức. Ngoài ra, còn tăng tính cạnh tranh, tăng chất lượng chuyên môn, đào thải những phần thừa và loại bớt nguy ngại của những cuộc chạy tiếp sức hay dồn điểm.

Lấy ví dụ, tốp 4 hiện tại lần lượt là Sài Gòn FC, Viettel, Than Quảng Ninh và CLB Hà Nội, thực sự là những ứng viên hàng đầu. Thêm CLB TP.HCM và B.Bình Dương phả hơi nóng phía sau, HAGL làm đẹp thảm đấu, chúng ta sẽ có những cuộc đối đầu thú vị.

Một chút lợi thế cho Top 4, khi họ sẽ được chơi trọn vẹn 4 vòng đấu trên sân nhà, thay vì chỉ có 3. Thế nên, chức vô địch khó thoát khỏi tay nhóm này. Sài Gòn FC đang tạm chiếm lợi thế, nhưng nhiều khả năng, chức vô địch lại là chuyện riêng của Hà Nội và Viettel. Vai trò của Than Quảng Ninh lúc này là cực kỳ quan trọng. Hôm qua, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đã níu chân Sài Gòn FC tại Thống Nhất, làm chậm lại cuộc đua. Đó là điều cần thiết cho cuộc chơi.

Bóng đá là sự tích lũy và lịch sử không tự nhiên sinh ra. Lịch sử với những năm đầu ở kỷ nguyên lên chuyên, đã ghi dấu ấn của bóng đá doanh nghiệp là GĐT Long An và HAGL, rất xứng đáng. Nhưng 20 năm tuổi V-League, cũng chỉ thêm một lần chứng kiến bất ngờ tương tự, đấy là Hà Nội T&T năm 2010. Chức vô địch của Quảng Nam năm 2017 hay SHB Đà Nẵng 2012, thực sự là thành quả một cuộc chạy tiếp sức.

Trở lại với những diễn biến không bất ngờ ở lượt trận 13, lượt đấu cuối cùng giai đoạn 1. DNH Nam Định xem như đã sống trở lại và người ta cũng lờ mờ hiểu ra rằng, Hải Phòng xem như "đắp chiếu". Còn tại sao không phải Quảng Nam đang đội sổ sẽ xuôi về hạng Nhất, thì phim hay chờ đoạn kết. Hạ hồi phân giải sẽ rõ, bởi làng cầu nội vốn tiềm ẩn chẳng ít bất ngờ mà nói như HLV Hoàng Anh Tuấn trên mặt báo - Phi chuyên môn!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm