Chiến thuật Đức - Pháp: Griezmann và những 'cầu thủ chuyên trách'

07/07/2016 11:59 GMT+7 | Tranh cãi

(Thethaovanhoa.vn) - Trước trận bán kết hấp dẫn giữa Đức và chủ nhà Pháp, người ta đang vô cùng sốt sắng trước câu hỏi: Liệu HLV Didier Deschamps sẽ bố trí đội hình ra sân như thế nào? Mọi thứ xoay quanh Antoine Griezmann, một cầu thủ “chuyên trách”.

Với những nhà chuyên môn khó tính - ví dụ nhà HLV Slaven Bilic, người thời gian qua thường xuyên xuất hiện trên đài ITV (Anh) để bình luận trận đấu - thì Pháp đang có một rắc rối không nhỏ.

Bài toán cân bằng của HLV Deschamps

Rắc rối ấy nằm ở vị trí của Antoine Griezmann, ngôi sao sáng nhất tại ĐT Pháp hiện tại. Ban đầu, HLV Deschamps áp dụng sơ đồ 4-3-3 cho Les Bleus, với Griezmann chơi tiền đạo phải. Tuy nhiên, anh lại thường xuyên di chuyển vào trung lộ, chọn vị trí sau lưng Olivier Giroud khi Pháp tấn công.

Điều này dẫn tới sự mất cân bằng trong hệ thống của Pháp. Khi tấn công, cánh phải sẽ chỉ có một mình Bacary Sagna, mà hậu vệ của Man City thì không phải người quen “độc diễn” (như Dani Alves hay Maicon). Khi Pháp mất bóng và chuyển sang giai đoạn phòng ngự, Griezmann lại thường ở xa khu vực mình phụ trách, dẫn tới việc Sagna không ít lần gặp cảnh “1 đấu 2”, ví dụ điển hình là trận gặp Romania.

Griezmann dĩ nhiên hiểu điều đó. “Tôi sẽ chơi tốt hơn nếu có Kingsley Coman thi đấu bên phải của mình”, anh khẳng định trong buổi họp báo trước thềm vòng Tứ kết. Có lẽ ý tưởng đó đến từ việc HLV Deschamps đổi sơ đồ 4-3-3 sang 4-2-3-1 ở hiệp hai trận gặp CH Ireland ở vòng 1/8. Khi ấy, với Coman chạy cánh phải, Pháp không còn gặp vấn đề về sự cân bằng nữa. Còn Griezmann thì thoải mái tung hoành ở trung lộ, ghi 2 bàn. Hệ thống này một lần nữa được áp dụng trước Iceland ở tứ kết, với Moussa Sissoko chạy cánh phải. Griezmann ghi 1 bàn và kiến tạo 2 lần.

Sơ đồ nào trước Đức?

Tuy nhiên, để có được sơ đồ 4-2-3-1 ấy, ông Deschamps đã phải hi sinh một suất tiền vệ trụ. Trận gặp Iceland thực tế là một lựa chọn theo kiểu “tiện cả đôi đường”, bởi N’Golo Kante bị treo giò. Tuy nhiên, với Kante trở lại, và đặc biệt là trước đối thủ Đức, ông Deschamps hẳn sẽ “điên đầu”.

Đức luôn là một đối thủ mạnh mẽ về kiểm soát trung lộ, và đây cũng rất có thể sẽ là chìa khóa đi đến chiến thắng cho bất kỳ đội nào trong trận Đức - Pháp (có trung lộ, sẽ dễ tấn công biên). Như vậy, trên lý thuyết, đưa Kante vào là cần thiết. Sự có mặt của Kante cũng có thể sẽ giúp ích nhiều cho Sagna và đặc biệt là Patrice Evra - những hậu vệ biên cao tuổi.

Tuy nhiên, thêm một tiền vệ trụ cũng có nghĩa rằng Pháp sẽ phải rút bớt một tiền đạo. Có quá nhiều lý do để tin rằng Griezmann sẽ đá chính, vậy chẳng nhẽ ông Deschamps “đành” để anh chơi ở cánh phải?

Một phương án sắp xếp khác đòi hỏi sự dũng cảm của HLV Deschamps, đó là loại bớt Blaise Matuidi hoặc Paul Pogba để nhường chỗ cho Kante. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng cả Matuidi và Pogba đều có vị thế quá lớn để bị loại trừ.

02h00 ngày 8/7, Đức - Pháp: Đừng mơ mộng trước người Đức!

02h00 ngày 8/7, Đức - Pháp: Đừng mơ mộng trước người Đức!

So với World Cup 2014, Đức thay đổi khá nhiều, và có vẻ như sức mạnh giảm đi. Tuy vậy, “Die Mannschaft” vẫn có những tố chất để tạo khác biệt trong trận bán kết với chủ nhà Pháp.

Pháp đang bước vào trận bán kết gặp đối thủ khó nhằn nhất giải mà không ai đoán được họ sẽ bố trí con người như thế nào - theo nghĩa tiêu cực.

“Cầu thủ chuyên trách”

Câu chuyện này đã được các nhà chuyên môn bàn bạc, phân tích suốt gần một tháng đã qua, mỗi khi nhắc tới Pháp. Hãy thử cùng nhìn nhận lại vấn đề này theo góc nhìn chiến thuật thuần túy.

Trong chiến thuật bóng đá, vẫn tồn tại một khái niệm là “cầu thủ chuyên trách”. Jose Mourinho cũng đã nhắc tới việc ông muốn có “4 cầu thủ chuyên trách” làm trụ cột tại Manchester United, trong buổi họp báo ra mắt đội mới cách đây 2 ngày. Các cầu thủ chuyên trách có thể hiểu là những người chỉ đảm nhận một vai trò nhất định trong lối chơi, ví dụ Michael Owen chỉ tập trung ghi bàn; Juan Roman Riquelme chỉ hoạt động trong một không gian cố định và tập trung kiến tạo, làm bóng; Claude Makelele chỉ tập trung càn quét và thu hồi...

Ở góc độ ấy, có vẻ như Antoine Griezmann cũng đang dần biến mình thành một mẫu cầu thủ như vậy. Anh thích hoạt động trong một không gian cố định (sau lưng Olivier Giroud), chỉ tập trung kiến tạo hoặc làm bàn khi bóng đến chân, không đóng góp nhiều cho phòng ngự... Chính vì sự có mặt của Griezmann-chuyên-trách trên sân, nên các cầu thủ còn lại được đòi hỏi phải khỏa lấp những vấn đề về phòng ngự. Nói một cách khác, vì có Griezmann nên Pháp mới buộc phải có Kante, tương tự như Zinedine Zidane cần Makelele vậy.

Từ khi Bóng đá Tổng lực của người Hà Lan xuất hiện vào thập niên 1970, càng ngày các cầu thủ đa năng, cùng lúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ trên sân càng được đề cao. Arrigo Sacchi, Louis van Gaal, Pep Guardiola, Juergen Klopp... và rất nhiều chiến thuật gia quan trọng khác trong lịch sử đã ủng hộ cho xu hướng này. Cùng thời, chúng ta thấy Chicharito (sinh năm 1988) vô cùng khó khăn để tìm chỗ đứng, nhưng những cái tên đa năng như Luis Suarez (1987), Robert Lewandowski (1988) thì được thèm muốn bởi mọi đội bóng.

Một gợi ý nhỏ cho Deschamps: Tại Atletico Madrid, Diego Simeone chưa bao giờ để Griezmann làm một cầu thủ chuyên trách!

Pháp đủ quân trước Đức

Với sự trở lại của Adil Rami và N’Golo Kante sau án treo giò, Pháp sẽ có đầy đủ toàn bộ lực lượng cho cuộc đối đầu với Đức tại Bán kết Euro 2016. Hai sự trở lại này cũng đang khiến cho những tranh luận về đội hình thi đấu trong dư luận Pháp trỗi dậy.

Samuel Umtiti, người sẽ chuyển tới Barcelona với giá 22 triệu euro sau khi Euro 2016 kết thúc, đã chơi tốt trước Iceland và khiến nhiều nhà báo tin rằng anh nên tiếp tục được đá chính. Tuy nhiên, sự ổn định của Rami trước đó là lý do khiến nhiều người phản biện lại.

Trường hợp của Kante có phần rắc rối hơn. Phần lớn các tờ báo đều khẳng định rằng Kante sẽ trở lại đội hình chính, Moussa Sissoko nhường chỗ. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng Pháp nên giữ nguyên đội hình gặp Iceland để có sự trơn tru.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm