Bóng đá trở thành con tin?

12/06/2016 21:30 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Euro 2016 khai mạc trong bối cảnh nước chủ nhà đang loay hoay với những cuộc biểu tình và đình công lớn, thời tiết thì bất loại, và nước Pháp thì đang đủ mọi nỗi lo.

Vào lúc mà chú gà trống biểu tượng của ĐT Pháp lẽ ra phải gáy vang “Allez les Bleus”, thì trên thực tế, bầu không khí ảm đạm đang bao trùm nhiều thành phố lớn của nước chủ nhà Euro 2016. Các mối đe dọa khủng bố, trời mưa như trút gây ra ngập lục nghiêm trọng ở miền trung châu Âu, bao gồm nhiều vùng thuộc Pháp, và những cuộc đình công quy mô lớn đang đe dọa thành công của giải đấu.

Họa vô đơn chí

Bỗng nhiên, sự kiện thể thao lớn nhất châu lục rất được chờ đợi, cơ hội để nước Pháp phô diễn với thế giới về lòng hiếu khách và khả năng tổ chức, lại trở nên đầy lo lắng và ngờ vực. “Chúng ta đã tự bắn vào chân mình”, doanh nhân làm việc ở Paris Sabine Peters nói. “Nhiều người nghỉ, “Ôi dào dân Pháp lúc nào chẳng đình công”, nhưng chúng tôi hiện chỉ còn vài ngày nữa là tới Euro, một sự kiện lớn mà Pháp là chủ nhà… Cả xã hội đang trở thành con tin của một nhóm người vì lợi ích cá nhân của họ. Điều này càng đáng buồn vì nền kinh tế chỉ mới khởi sắc trở lại gần đây”.

Từ tháng 3, Pháp đã chứng kiến nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, và đình công trên diện rộng phản đối luật lao động mới. Hàng chục người đã bị thương ở cả hai phía, và sự thù hận đang đẩy đất nước vào tình thế khó khăn. Dẫn đầu cuộc biểu tình là Confédération Générale du Travail (CGT), công đoàn lao động lâu đời, lớn nhất và nhiều ảnh hưởn nhất ở Pháp. CGT đã vận động các thành viên của họ làm ở những hải cảng, trạm xăng và nhà máy điện đình công, dẫn tới lo ngại về việc thiếu nhiên liệu và cắt điện trong những ngày diễn ra Euro. Các phi công của Air France, trong khi thừa nhận đang được trả lương cao, vẫn tuyên bố đình công trong tuần này để đòi hỏi các quyền lợi lao động khác.


Vấn đề khủng bố khiến nước Pháp luôn trong tình trạng lo lắng

Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã cáo buộc CGT nhân dịp Euro “tống tiền” chính phủ và đất nước, nhưng thủ lĩnh Đảng Xã hội cầm quyền Jean-Christophe Cambadélis nói ông chưa bao giờ nghĩ rằng các liên đoàn lao động làm như thế là để uy hiếp nước Pháp hay cản trở Euro. Fabrice Angei, tổng thư ký CGT, thì nói những gì diễn ra không phải là mới mẻ: “Chúng tôi đã đòi chính quyền rút lại đạo luật này 3 tháng rồi, rất lâu trước Euro, nên rõ ràng là chúng tôi không tống tiền ai cả. Nếu họ đồng ý thương lượng, thì tình hình đã không tồi tệ như thế này. Euro 2016 sẽ không thể ngăn cản chúng tôi tiếp tục tranh đấu”.

CGT đã lên kế hoạch biểu tình toàn quốc ngày 14/6, 4 ngày sau khi giải đấu khai mạc, và cả ngày mà việc thông qua dự luật lao động được đưa ra tranh luận ở thượng viện Pháp, nơi phe trung hữu chiếm đa số sẽ tìm cách thúc đẩy nó theo hướng có lợi cho giới chủ. Tình trạng lộn xộn như hiện giờ xảy ra một năm trước cuộc bầu cử tổng thống mà cơ hội tái cử của Tổng thốngFrançois Hollande gần như là bằng không, ngay cả khi các con số cho thấy kinh tế Pháp đang dần hồi phục và sự tự tin đang trở lại.

Nước Pháp không chịu thay đổi?

Sự phản đối của người dân không chỉ nhắm vào dự luật lao động, hay thậm chí là vào ông Hollande, một nhân vật đã bị chỉ trích rất nhiều ở Pháp. Nước Pháp hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị “mang tính dài hạn và động chạm tới bản thể”, theo bình luận của báo Anh The Guardian, được tổng kết bằng câu nói gần đây vẫn hay được nêu ra như một khẩu hiệu: “Nước Pháp không hạnh phúc”.

Angei cũng thừa nhận sự bất mãn trong xã hội không chỉ là liên quan tới luật lao động: “Dự luật này kéo lùi sự phát triển 200 năm, nhưng cuộc chiến là về một nỗi ám ảnh lớn hơn với nước Pháp. Lý do nhiều người đổ xuống đường như thế là vì họ cảm thấy họ đã bị nhà cầm quyền phản bội. François Hollande đắc cử với một chương trình thiên tả; ông ta không thích thế giới tài chính, nhưng rồi giờ lại quay ra ủng hộ những ông chủ. Người dân thường đều nhìn thấy điều đó”.

Mickael Maindron, 38 tuổi và làm tư vấn về công nghệ, nói: “Đúng là hiện giờ chúng tôi không hạnh phúc. Người Pháp quả hay phàn nàn, nhưng các đảng chính trị đòi người dân cố gắng và chịu đựng, nhưng rồi những cố gắng và chịu đựng của họ không được biến thành thành quả trong cuộc sống thường nhất. Có cảm giác như chúng tôi vướng vào một cuộc khủng hoảng không lối thoát và thường trực suốt 30 năm qua”.


"Nước Pháp đang không hạnh phúc"

Maindron, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp, nói cả phía liên đoàn lao động lẫn chính phủ đều nhìn nhận vấn đề không thực tế. “Các doanh nghiệp nhỏ bị mắc kẹt, và luật lao động hiện giờ không tạo cơ hội cho người trẻ mà chỉ ưu tiên những ai đã có việc làm”, Maindron nói. “Các công đoàn cứ khăng khăng ý kiến của họ, nhưng rồi tất cả đều thua cuộc vì thế giới đã thay đổi. Họ xuống đường để không thay đổi luật lệ, để không tự đào tạo lại cho thích nghi với tình hình mới… Tôi có cảm giác nước Pháp không chịu nhìn nhận rằng thế giới đã thay đổi. Những chính trị gia không chịu sống với đời sống thực. Họ vẫn giữ những cách làm cũ, những chương trình cũ đã 100 năm qua”.

Alexis Poulin, giám đốc của mạng lưới tin tứ châu Âu EurActiv, phân tích thêm: “Đối thoại xã hội ở Pháp luôn đối lập nhau một cách gay gắt, và người ta rất dễ xuống đường biểu tình. Vấn đề lớn nhất ở Pháp là những người có quyền lực lại không đủ uy tín. Họ không còn được người dân tôn trọng nữa”.

Trong khi đó, những ngày mưa dầm dề càng khiến tình hình thêm ảm đạm. Ở nam Paris, hàng nghìn người đã phải sơ tán tại các vùng Nemours và Montargis vì nước lũ, và đã có 3 vụ tử vong. Hàng chục ngôi làng bị mất điện, bị cô lập và không có nước sạch vì mưa và lũ. Hệ thống tàu điện của thành phố thì liên tục bị hủy chuyến vì thời tiết xấu và biểu tình. Nhiều CĐV đã đặt vé đến Pháp giờ lấy làm lo ngại về việc họ không thể nào tới được các thành phố xa thủ đô nơi tổ chức giải như Bordeaux, Nice và Marseille.

Dự kiến có khoảng 8 triệu du khách tới Pháp dịp Euro 2016, tạo ra 1,24 tỉ euro cho nền kinh tế nước này. Quan trọng hơn, đây còn là dịp để nước Pháp gây ấn tượng với cả thế giới trong nỗ lực đăng cai Olympic 2024 của họ. Paris từng thua thất bại trước London vào năm 2005 trong cuộc đua làm chủ nhà Olympic 2012. Cũng năm đó, vào lúc cuộc bỏ phiếu tới hồi quyết định, biểu tình và đình công lớn đã nổ ra ở Paris trong một chuyến thị sát của các thành viên Ủy ban Olympic quốc tế. Hồi đó, một chính phủ trung hữu đang lãnh đạo nước Pháp. Còn giờ là những chính trị gia trung tả. 11 năm trôi qua, nhưng có vẻ đã không có gì thay đổi.

Thế nên, nếu nói bóng đá không hẳn là con tin của người Pháp cũng không hẳn là tuyệt đối sai

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm