Bồ Đào Nha: Cty TNHH Một thành viên Cristiano Ronaldo

14/05/2016 06:15 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Như Lionel Messi chưa một lần vô địch World Cup hay Nam Mỹ với Argentina, Cristiano Ronaldo vẫn đang lỗi hẹn với lịch sử khi không thể cùng ĐT Bồ Đào Nha bước lên bục cao nhất ở một giải đấu tầm cỡ nào.

Kẻ bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo vẫn đang miệt mài đi tìm sự hoàn hảo cho sự nghiệp lừng lẫy của mình. Và EURO 2016 dường như sẽ là giải đấu tầm cỡ châu lục cuối cùng trong sự nghiệp của anh...

Lời hứa trong nước mắt

Chủ Nhật, ngày 4/7/2004, tại sân Da Luz  ở Lisbon, Bồ Đào Nha bước vào trận chung kết EURO với Hy Lạp. 23 ngày trước đó, Bồ Đào Nha đã thua chính Hy Lạp 1-2 ở vòng đấu bảng.

Để chuẩn bị, toàn đội Bồ Đào Nha đã ngồi xem trận bán kết giữa Hy Lạp và CH Czech qua TV. Họ đã ôm đầu khi người chiến thắng là Hy Lạp (1-0). “Lại là Hy Lạp à”, một cầu thủ nói. “Chúng ta phải chấm dứt điều này. Họ đã đánh bại chúng ta trong ngày khai mạc và chúng ta không thể để điều đó xảy ra nữa”. Nhưng Bồ Đào Nha đã không thay đổi được bánh xe của lịch sử. Họ thua 0-1 trong trận chung kết và lỗi hẹn với lần đầu tiên vô địch châu Âu.


Ronaldo khóc cay đắng  như một đứa trẻ khi Bồ Đào Nha gục ngã trước Hy Lạp

Ronaldo đã chơi cả trận ấy. Chàng trai 19 tuổi đang trên đường hoàn thiện mình và EURO 2004 là giải đấu lớn đầu tiên trong sự nghiệp. Anh có tuổi trẻ, có tài năng, nhiệt huyết và đầy khát khao. Ronaldo đã ghi bàn ở vòng bảng (trước chính Hy Lạp), đã lập công để loại Hà Lan ở bán kết. Trước Hy Lạp, Ronaldo đã có những cơ hội ghi bàn. Như ở phút 59 khi thủ thành Nikopolidis xuất sắc cản phá cú dứt điểm của anh. Như ở phút 75, khi Ronaldo có khoảng trống nhưng lại dứt điểm vọt xà ngang…

“Ronaldo sinh ra đã là một chiến binh. Anh ấy muốn mình trở thành người giỏi nhất. Ronaldo không chịu được sự thất bại. Rất nhiều lần tôi chứng kiến điều đó trong phòng thay đồ. Khi chúng tôi thua trận, anh ấy như phát điên lên”, Varane, đồng đội của Ronaldo ở Real Madrid

Khi tiếng còi kết thúc của trọng tài người Đức Markus Merk cất lên, nhiều cầu thủ Bồ Đào Nha gục ngã. Ronaldo thậm chí còn không thể quỵ xuống. Cú sốc bởi thất bại lớn đầu đời khiến anh chết đứng. Ronaldo không cầm nổi lòng mình. Anh tủi nhục, bất phục và cô đơn. Ronaldo khóc cay đắng  như một đứa trẻ vừa đánh mất đi điều gì thiêng liêng lắm.

Ronaldo tiết lộ anh khóc “vì không bao giờ nghĩ sẽ lại thua Hy Lạp một lần nữa”. Vì với anh, “Bồ Đào Nha có một đội bóng mạnh và đã chơi ở một giải đấu thành công. Chúng tôi không thể thua theo cái kiểu như thế”. Và bởi vì “tôi là một con người có khát vọng. Tôi muốn là nhà vô địch châu Âu ở tuổi 19”.

Sau tất cả, khi nỗi buồn qua đi, Ronaldo tự hứa với lòng mình. “Tôi phải tiếp tục phấn đấu. Tôi phải nhìn về phía trước. Sẽ không có nhiều cơ hội để vô địch châu Âu trong sự nghiệp ngắn ngủi này. Nếu mục tiêu không trở thành hiện thực, đó sẽ là một thất vọng ghê gớm”.

Lời hứa của chàng trai mới 19 tuổi khi ấy là một trong rất nhiều động lực để anh hoàn thiện mình trên hành trình chinh phục những ước mơ.

EURO vẫn ngoảnh mặt với Ronaldo

12 năm sau, đã là một Ronaldo hoàn toàn khác. Anh vô địch Premier League, vô địch châu Âu, vô địch thế giới cấp CLB trong 7 năm khoác áo Man United. Chiến tích này tiếp tục tái hiện trọng màu áo Real Madrid với cầu nối là bản hợp đồng kỉ lục 93 triệu euro vào năm 2009. Ronaldo có tới 7 năm lọt vào danh sách rút gọn bầu chọn Quả bóng vàng  với 3 lần là người chiến thắng.

Nhưng CR7 với Bồ Đào Nha vẫn chỉ là con số 0 vô hồn. “Những vòng chung kết EURO luôn kì lạ”, kí giả Sid Lowe từng viết. “Để vô địch giải đấu, hoặc bạn phải có cả một tập thể là những ngôi sao hoặc bạn… chẳng có ngôi sao nào. Còn đội bóng chỉ có 1 ngôi sao ư? Đừng nghĩ đến nó”.


Ronaldo hoàn toàn khác so với quá khứ

Những gì mà chuyên gia bóng đá nổi tiếng này đúc kết đều có cơ sở. Năm 1996, Đức vô địch châu Âu bởi một tập thể hùng mạnh. Năm 2000, Pháp sở hữu trong tay đội hình gồm những hảo thủ như Zidane, Blanc hay Trezeguet. Năm 2008, Tây Ban Nha lên ngôi nhờ những Torres, Puyol hay Xavi. 4 năm sau đó, thế hệ những Xavi, Iniesta, Casillas hay Busquets lại một lần nữa đăng quang.

Bảng dễ thở cho CR7

Bồ Đào Nha ở cùng bảng với Áo, Iceland và Hungary. Đây là cơ hội lớn để CR7 và đồng đội đi tiếp, thậm chí đứng đầu bảng.

Thành tích của Ronaldo ở các giải đấu lớn:

EURO 2004: 2 bàn – 6 trận

World Cup 2006:  1 bàn – 7 trận

EURO 2008: 1 bàn – 4 trận

World Cup 2010: 1 bàn – 4 trận

EURO 2012: 3 bàn – 5 trận

World Cup 2014: 1 bàn – 3 trận

Đường tới EURO 2016 của Bồ Đào Nha:

07/09/14: BĐN - Albania 0-1

14/10/14: Đan Mạch - BĐN 0-1

14/11/14: BĐN - Armenia 0-1

29/03/15: BĐN - Serbia 2-1

13/06/15: Armenia - BĐN 2-3

07/09/15: Albania - BĐN 0-1

08/10/15: BĐN - Đan Mạch 1-0

11/10/11: Serbia - BĐN 1-2

Chân sút tốt nhất ở VL EURO 2016:  Cristiano Ronaldo (5 bàn)

Trường hợp của Hy Lạp ở 2004 là hy hữu và theo cách nói của Sid Lowe, nghĩa là chẳng có ngôi sao nào. Nó trái ngược với kẻ bại trận Bồ Đào Nha, đội khi ấy sở hữu một thế hệ vàng gồm những cầu thủ từng vô địch thế giới lứa tuổi U20, với những Luis Figo, Rui Costa, Pauleta hay Maniche.

Ronaldo đã may mắn khi được chơi bên cạnh những người đàn anh tuyệt vời ấy Khi  họ giải nghệ, cũng là lúc Ronaldo trưởng thành, hoàn thiện mình. Sau những bàn thắng đầu tiên ở EURO 2004, Ronaldo hiện có 56 bàn thắng, trở thành chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha, bỏ xa người đứng gần mình là Pauleta tới 9 bàn.

Pique: 'Ronaldo hay nhất trong số những người thường, còn Messi không phải con người'

Pique: 'Ronaldo hay nhất trong số những người thường, còn Messi không phải con người'

Hậu vệ Gerard Pique của Barca cho rằng Cristiano Ronaldo là cầu thủ “người thường” hay nhất thế giới, nhưng chưa thể sánh với “người ngoài hành tinh” Leo Messi.


Ngược lại, Nani, cầu thủ được cho là hay thứ 2 ở tuyển Bồ Đào Nha thế hệ hiện tại, chỉ mới có 18 bàn. Ngoài Nani, Bồ Đào Nha cũng có Pepe, Bruno Alves, Moutinho hay Quaresma... Song tất cả chỉ dừng ở mức trung bình khá, và không được xếp vào hạng đẳng cấp thế giới.

Nếu BĐN thế hệ Figo là sức mạnh của cả một tập thể thì BĐN thế hệ Ronaldo chỉ là một bóng một người. Ronaldo là thủ lĩnh, là nguồn sản xuất bàn thắng và là người dẫn đường đưa Bồ Đào Nha đến với những giải đấu lớn. Ngoài anh ra, không một ai có thể thay thế được vai trò ấy.


Đội tuyển Bồ Đào Nha đang phụ thuộc quá lớn vào Ronaldo

Sự phụ thuộc quá lớn vào Ronaldo khiến phong độ của BĐN đi theo đồ thị hình sin.  Năm 2008, với một Ronaldo cực hay ở vòng bảng, BĐN dễ dàng vào tứ kết với ngôi đầu. Nhưng ở trận đấu với Đức sau đó, Ronaldo im lặng và Bồ bị loại. Năm 2012, Ronaldo ghi bàn giúp Bồ Đào Nha loại CH Czech ở tứ kết. Nhưng ở bán kết, anh tịt ngòi và Bồ bị Tây Ban Nha loại trên chấm 11m mà Ronaldo thậm chí còn không dám đá ở loạt sút đầu tiên. Ở World Cup, trừ 2006 khi Figo còn chơi bóng, những kịch bản tương tự cũng xảy ra ở các năm 2010 và 2014.

Cháy hết mình cho EURO cuối cùng

Tất cả những điều ấy nói rằng  Ronaldo thăng hoa, BĐN cũng thăng hoa và ngược lại. Bồ Đào Nha muốn thay đổi thực tế này nhưng những con người hiện tại không cho phép họ làm thế, ít nhất cho đến lúc này.

Ronaldo vẫn đang sung mãn ở tuổi 31. Anh đang dẫn đầu danh sách ghi bàn Champions League. Anh ghi bàn trong trận “Kinh điển” giúp Real hạ đẹp Barca ngay tại Camp Nou. Trên tất cả, với một thế hệ không có nổi một ngôi sao lớn nào khác, bóng đá Bồ Đào Nha cần anh như một kẻ dẫn đường ở EURO 2016 này.

Và sứ mệnh lịch sử lại đè nặng lên đôi vai của Ronaldo. Anh sẽ 33 tuổi nếu Bồ Đào Nha giành vé sự World Cup 2018 nhưng đã 35 tuổi nếu Bồ Đào Nha chơi ở EURO 2020. Dù có đẳng cấp đến mấy, Ronaldo cũng không tránh khỏi quy luật đào thải của thời gian. Thế nên, có thể coi EURO 2016 này là giải đấu cuối cùng của một Ronaldo giai đoạn sung mãn nhất.

Cho lần cuối cùng, Ronaldo sẽ làm được gì trên đất Pháp?  Hoặc cháy hết mình để được lịch sử ghi danh hoặc tiếp tục gặm nhấm “nỗi thất vọng ghê gớm” (như chính Ronaldo nói) cho đến khi ngày anh giải nghệ?...

Trần Giáp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm