Biến tấu cùng EURO: La Furia Roja - Anh đã làm gì tình yêu từng rất đẹp của chúng ta?

29/06/2016 09:56 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Khi ta nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh ánh sao, đôi khi ta không biết rằng, ánh sáng mà mình nhìn thấy đó là bóng hắt của một hành tinh đã chết...

1.Hành tinh đó đã từng tỏa sáng rực rỡ, ngạo nghễ giữa tầng cao thiêu đốt tất cả những gì đến gần nó.  Nhưng như quy luật của muôn đời, cháy sáng quá thì sẽ mau tàn. Đêm thứ Hai, trên sân Stade de France  vòng đời của hành tinh đó đã tắt, tắt hẳn. Không còn ai còn có thể nhìn thấy dẫu chỉ là một tia sáng nhỏ nhoi hiu hắt.

Nhiều người đã dùng cụm từ nói về trận thua của Tây Ban Nha rằng Nhà vua băng hà. Tôi không cho là vậy. Đó không thể  là cái chết của một nhà vua! Tuyển Tây Ban Nha đã chết như một kẻ tầm thường  theo cái cách tầm thường nhất có thể. Đó là một trận thua tan tác, không phải về tỷ số mà về mọi mặt, từ chiến thuật, kỹ thuật và hơn cả là tinh thần. Cú sút của Iniesta vào những phút gần cuối của trận đấu trước khi nhận thêm một nhát kiếm ân huệ từ Pelle như đốm sáng cuối cùng rồi tắt lịm. Ngay cả đốm sáng đó, nó cũng chỉ là bóng hắt của một ánh sáng đã chết.

2. Tôi quen thân với nhiều fan của Tây Ban Nha, dù số này là không thể nhiều bằng fan Italy, nhưng niềm đam mê và tình yêu không hề thua kém. Họ là những người đã yêu Tây Ban Nha như những kẻ cuồng si tuyệt vọng từ trước năm 2008 khi mà đội bóng xứ bò tót được mệnh danh là ông vua vòng bảng. Hẳn họ cũng như tôi sẽ  chẳng bao giờ quên đôi mắt thất thần trên khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của Fernando Hierro cái ngày mùa hạ năm 1998 khi tuyển Tây Ban Nha đã ghi tới 6 bàn thắng vào lưới Bulgaria mà vẫn bị loại.

Dù không phải fan La Furia Roja nhưng tôi đã bị ám ảnh bởi vẻ mặt của Hierro cho đến tận bây giờ. Tiếc thay, đêm hôm qua không một ai của tuyển Tây Ban Nha có dù chỉ thấp thoáng vẻ tuẫn nạn đó. Với những đường ban chuyền vô hồn, lạt lẽo của thứ tiki-taka nửa vời được sử dụng cho ý niệm câu giờ đợi đưa Italy đến chấm 11m và hy vọng thắng họ ở trò chơi định mệnh đó, tuyển Tây Ban Nha thản nhiên đi vào trận đấu một cách bạc nhược, để rồi ra khỏi đó không cả buồn bã…

3. Tôi chưa bao giờ ghét Tây Ban Nha như số đông các fan Đức bởi các trận thua chung kết EURO 2008 và bán kết World Cup  2010. Thua trận một đối thủ đang thăng hoa là điều dĩ yếu và chẳng có gì tủi hổ hay oán hận. Nhưng sau trận đấu hôm qua thì tôi bỗng đâm ghét họ. Tại sao họ có thể phung phí cảm xúc của người hâm mộ một cách nhẫn tâm đến thế? Chắc hẳn hôm qua nhiều fan của Tây Ban Nha sẽ có chung một câu hỏi đau đớn: Chuyện gì đã xảy ra với tình yêu đã từng rất đẹp của chúng ta? Đâu rồi những đường chuyền đan lát như thêu hoa dệt gấm mê hoặc mọi ánh nhìn và vỡ òa vì sung sướng khi nó kết thúc bằng bàn thắng? Đâu rồi phong cách đá đầy lửa của Cơn thịnh nộ màu đỏ?

Bóng đá không đơn giản là một cuộc chơi chỉ phân định thắng thua, nó là tập hợp của muôn vàn cảm xúc. Cũng như tình yêu luôn đẹp dù nó có cập bến bờ hạnh phúc hay dang dở, tan vỡ, nhưng để ta nhớ, để ta lưu ký ức ngọt ngào thì cần đến thái độ của ta đến và đi trong tình yêu đó. Với fan hâm mộ, họ yêu và đau không bởi thắng – thua mà đã thắng – thua như thế nào.

Trận thua hôm qua của Tây Ban Nha giống như một kẻ tiếm ngôi gãy gục trước cả khi bị lật đổ.  Một kỷ nguyên khép lại. Một hành tinh đã thực sự tắt những ánh sáng cuối cùng. Và một tình yêu bị ruồng rẫy.

Thốt nhiên, tôi nhớ đến hai câu thơ này để tặng cho các fan của La Furia Roja: Thản nhiên người đến, rồi đi/Tình yêu còn ta sót lại. Dẫu sao thì tình yêu vẫn còn đó, bất chấp người yêu đã đối xử phụ bạc cỡ nào.  Nó sẽ là món nợ tuyển Tây Ban Nha phải mang vác suốt hành trình sau này của mình, cho dẫu họ có thể có ngày trở lại.

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm