Biển sống: Ta sẽ sống thế nào khi làm biển chết?

29/10/2020 20:52 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những bức tranh biển. Những bức ảnh biển. Tất cả như những đợt sóng trong sạch tràn vào tâm hồn người xem như gắng gột rửa những sự vô tâm, vô cảm và thờ ơ của con người trước một đại dịch đang làm ô nhiễm biển từng ngày, từng ngày. Biển phải sống. Đó là thông điệp S.O.S mà triển lãm tranh, ảnh mang tên Biển sống đang được tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom - VCCA (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) và kéo dài đến 30/10.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của 19 họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam

Chiêm ngưỡng tác phẩm của 19 họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam

Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật nhằm giúp công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế có được cái nhìn khái quát về sự hình thành và phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam. 

Trong một không gian rộng rãi, với ánh sáng đủ đầy, triển lãm Biển sống đã hiện lên không phải là đẹp nữa, mà là lộng lẫy. Sức hấp dẫn của những bức tranh, bức ảnh đã hoàn toàn lôi cuốn người xem.

Nhiếp ảnh gia Ngọc Thái đã từng đoạt nhiều giải thưởng thế giới, suốt đời đắm đuối với ảnh đen trắng đã mang đến triển lãm những vẻ đẹp bất ngờ của Hạ Long, Bái Tử Long, Gềnh Son… và đặc biệt là Hòn Khói - Nha Trang với hình tượng cô gái đổ gánh muối như đang tạo nên “ngọn núi biển” thật sinh động.

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đã nhiều năm đam mê tạo hình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - tác giả của tình khúc Biển nhớ vừa được dựng tượng ở Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) - đã chọn tên phần hình ảnh của mình trong triển lãm là Biển nhớ. Những bức ảnh màu của Dương Minh Long về biển khiến người xem thấy dạt dào yêu biển như Hoàng hôn Vịnh Hạ Long hay Đảo Long Đất với góc máy độc đáo chụp từ trên trực thăng hoặc Biển Tuy Phong - Ninh Thuận có khối đá tiền cảnh gợi nhớ Tháp Chàm.

Chú thích ảnh
Tranh Bùi Thanh Thủy tại triển lãm

Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh cũng là tay máy đen trắng cự phách, nhưng do yêu cầu của giám tuyển Lê Thiết Cương, đã mang đến triển lãm những khuôn hình biển đẹp như trong tranh sơn dầu. Bức Quy Nhơn độc chiêu với chiếc thuyền thúng dựng đứng trên bãi cát, tượng trưng cho cuộc đời đầy nỗi niềm của người đi biển.

Cặp vợ chồng họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Ngô Thị Bình Nhi đã mang đến triển lãm hàng loạt những bức tranh biển vẽ bằng chất liệu bột màu trên báo cũ, chất liệu acrylic trên toan. Biển qua tranh họ thật gần gũi, thật đáng yêu kể cả khi giông tố.

Nữ họa sĩ Bùi Thanh Thủy - thứ nữ của nhà văn Bùi Bình Thi - đã gây ấn tượng trong triển lãm bằng màu xanh rất riêng của mình trên chủ đề Tình biển- trùng với một tình khúc của Trần Quang Huy. Có cảm giác màu xanh trong tranh đang tràn vào thủ thỉ cùng người xem.

Họa sĩ Phạm Trần Quân với thế mạnh của cách vung bút đã chơi một nghịch âm như tiếng thét của biển trong triển lãm, tiếng thét đòi gọi sự sống của biển khi đang bị con người làm ô nhiễm với nguy cơ dần dần tàn lụi.

Triển lãm còn sửng sốt với những sắp đặt của Đỗ Hiệp và Nguyễn Minh Hiếu

Tất cả qua cặp mắt giám tuyển của họa sĩ Lê Thiết Cương đã hiện ra lộng lẫy trong không gian triển lãm. Từ một ý trong bài giới thiệu khai mạc triển lãm của Lê Thiết Cương, khiến tác giả bài viết này bật ra những câu thơ:

Ngày nào ta cũng có biển trong nhà

Đại dương cô đọng trong bát nước mắm tinh cầu

*

Mùi thơm nước mắm đã lan ra

Quyến rũ và lạ lẫm

*

Lẽ nào ta vô ơn với biển

Khi biển ngàn đời chỉ dâng hiến cho ta

*

Ta sẽ sống thế nào khi làm biển chết

Bằng sự vô tâm, vô cảm của ta?

Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm