50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Hội thảo khoa học 'Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh'

22/08/2019 14:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/8, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ra mắt sách ảnh ‘50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh’

Ra mắt sách ảnh ‘50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh’

NXB Thông tấn phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng và Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn, xuất bản cuốn sách ảnh 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019). 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dự hội nghị.

Các đồng chí: Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu Đề dẫn hội thảo, đồng chí Sơn Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, cho biết: Hội thảo khoa học “Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” là sự thể hiện lòng kính yêu vô hạn của cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan trung ương, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương, luôn hướng về Bác, nguyện học tập, làm theo và noi gương Bác. Đây còn là dịp để tôn vinh, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người lao động trong học tập, làm theo, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương khẳng định: Sự tham gia đóng góp ý kiến, tham luận, thảo luận tại Hội thảo góp phần làm đầy đủ, phong phú và thấu đáo hơn những nhận thức của cán bộ, đảng viên về tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như việc học tập, noi gương Người hiện nay. Xác định rõ những nhiệm vụ đặt ra, những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống gắn liền với những yêu cầu cấp thiết của việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới để việc noi gương Người đi vào thực chất, thiết thực, tránh phô trương, lãng phí, hoặc chỉ làm theo phong trào, đồng chí Sơn Minh Thắng nêu rõ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: sưu tầm

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cán bộ hoạt động thực tiễn đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn nói chung, những nguyên tắc, phương pháp nói riêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và làm gương.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Để nhận chân phong cách của Người, phong cách con người mang tầm vóc vĩ nhân như Hồ Chí Minh, phải tổng hợp được những sự phong phú, đa dạng từ cuộc đời và hoạt động của Người, làm nên sự nghiệp vĩ đại của bậc Đại Trí, Đại Nhân, Đại Dũng với khát vọng tự do, dâng hiến và hy sinh trọn vẹn cuộc đời mình cho Dân, cho Nước, cho cả thế giới nhân loại.   

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong cách ứng xử của Người có rất nhiều điểm đặc sắc mà chúng ta cần công phu nghiên cứu, phát hiện để dần từng bước nhận ra chân giá trị của Người, từ tấm gương đó soi vào mình, với tâm niệm “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, tự hoàn thiện mình theo hình ảnh phong cách Hồ Chí Minh.

“Sức hấp dẫn, cảm hóa thuyết phục con người ở Hồ Chí Minh, trước hết thể hiện ở sự chân thành, tấm lòng thành thực, sự khiêm nhường, vị tha - nhân ái và khoan dung của Người trong đối xử với con người; ở sự giản dị, đức khoan dung, vị tha và độ lượng… phong cách ứng xử Hồ Chí Minh theo đó còn mãi có giá trị và ý nghĩa giáo dục đối với chúng ta. Học theo phong cách của Người là phải sáng tạo, nhất là phải thấy Người giản dị chứ không giản đơn, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân nhưng không bao giờ xem nhẹ, phủ nhận cá nhân. Hơn nữa không chỉ nỗ lực nhận thức, đó là điều kiện cần, phải ra sức thực hành, đó là điều kiện đủ. Không gì thiết thực và có ý nghĩa hơn vào lúc này là: trau dồi văn hóa ứng xử, thực hành văn hóa ứng xử, nhất là ứng xử với dân theo tấm gương sáng Hồ Chí Minh”. GS, TS Hoàng Chí Bảo khẳng định.

Nhiều ý kiến đánh giá, tấm gương của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan niệm của Người, từ lòng dạ trong sáng, chính tâm, thật sự vì dân, vì nước. Người khuyên mọi người sống trong sạch, không ham tiền tài, danh vọng, không cậy quyền thế mà đục khoét của dân. Cuộc sống giản dị, trong sạch của Bác Hồ thật sự là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền phải tự soi lại mình. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cần nêu gương trước hết về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu đi đầu trong công việc; hoàn thành nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, thường xuyên học tập nâng cao trình độ bản thân; kiên quyết chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tích cực tham gia đấu tránh chống các biểu hiện tiêu cực, chống tham ô, tham nhũng…. Đây là cơ sở để giữ vững ổn định chính trị, phát triển đất nước, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư”, trở thành tấm gương cho quần chúng học tập, noi theo.

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong thời gian qua cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan trung ương, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương, luôn hướng về Bác, nguyện học tập, làm theo và noi gương Bác. Từ việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trong các đơn vị đã xuất hiện những tập thể, tấm gương người tốt, việc tốt, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người lao động trong học tập, làm theo, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Sang, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, cho biết: Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu rõ rệt số người chết, mất tích trên biển, trong nhiều năm gần đây không còn những đám tang tập thể của ngư dân trên biển. Trong sáu tháng đầu năm Trung tâm đã thực hiện thành công 36 lượt cứu nạn bằng tàu chuyên dụng, cứu và hỗ trợ 592 người gặp nạn trên biển.

Với đặc thù công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, hầu hết các vụ việc xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu, cứu người trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, trong lực lượng cứu nạn hàng hải đã cuất hiện những thuyền trưởng quả cảm, quyết đoán, những thuyền trưởng, nhân viên cứu nạn đầy trách nhiệm, tinh thông nghiệp vụ, họ thường ví von là những “sói biển” trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sang chia sẻ: Giữa biển khởi mênh mông, nhiều thời điểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết người “Thuyền trưởng- Sói biển” phải có những quyết định nhanh, kịp thời để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người cứu nạn và người bị nạn. Để có được những kết quả đó thì theo đồng chí Nguyễn Xuân Sang là một quá trình phần đấu, hy sinh không mệt mỏi của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động toàn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam.

Các tham luận đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp, kiến nghị đề xuất để tiếp tục thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua ba năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan trung ương, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Quỳnh Hoa/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm