Từ Mascherano tới Kimmich: 'Chủ nghĩa trung vệ kiểu mới' của Pep

20/03/2016 13:27 GMT+7 | Bayern Munich

(Thethaovanhoa.vn) - Joshua Kimmich chỉ 21 tuổi. Cũng chỉ cao 1m76. Các thông số ấy chẳng có gì có vẻ phù hợp với vị trí một trung vệ cả. Vậy mà Pep đã biến Kimmich từ tiền vệ thành một trung vệ xuất sắc. Triết lý của Pep là tiêu diệt những trung vệ và cả hậu vệ cánh truyền thống.

Ký giả Mike Goodman gọi Pep là sát thủ của những hậu vệ cánh và biến tất cả những người còn lại là tiền vệ. Như thể mọi học trò đều là sự tiếp nối sự nghiệp cầu thủ của ông. Lần gần nhất, người ta thấy Alves đá đúng vai trò hậu vệ dưới thời HLV người Tây Ban Nha là mùa 2012, khi Pep quyết định cho Barcelona chơi 3 người ở hàng phòng ngự, hai mùa trước đó, anh là cầu thủ chạy cánh số 1. Sau này đến lượt Alaba ở Bayern Munich. Hậu vệ người Áo còn dị hơn, chơi đủ mọi vị trí mà Pep Guardiola yêu cầu. Đội trưởng Phillip Lahm còn đá hẳn tiền vệ trụ. Hoặc trong trận gặp Hannover ở Bundesliga, ông “giết” cả 4 hậu vệ cánh của Bayern bằng cách xếp cả Alaba, Bernat, Lahm và Rafinha đá cùng lúc. Nhưng chưa đủ, Pep vĩnh viễn buộc tất cả phải nhìn vào sự biến đổi vai trò của các tiền vệ theo một cách hoàn toàn mới.

Khi HLV Carlo Ancelotti đặt Pirlo vào vị trí tiền vệ kiến thiết lùi sâu, người ta ngợi ca là phát kiến chiến thuật kinh điển. Cần hiểu rằng, “regista” không mang nhiều ý nghĩa về vị trí như vai trò tổ chức trận đấu của nó. Regista là kiểu cầu thủ xây dựng đội bóng xoay quanh mình. Pirlo là điển hình, sau đó là Xavi và hiện tại Veratti của Paris St Germain được coi là người tạo ra chiến thuật cho cả đội. Nhưng vị trí là một trong những điểm quan trọng nhất trong triết lý của Pep Guardiola.

Nhà báo Hamoudi Fayad viết trên Tạp chí Golden Times: “Dù hàng nghìn người nói rằng Pep Guardiola có một sự nghiệp dễ dàng tại Barcelona và Bayern Munich, không trải qua những thời điểm khó khăn như Ferguson hay Mourinho. Nhưng tôi và rất nhiều người khác đều tin rằng, ông ấy đã cách mạng hóa bóng đá, một nhà chiến thuật và tâm lý đại tài. Đơn giản thôi, vì Pep phát triển mọi thứ lên đến mức cao nhất theo nhiều cách khác nhau. Tôi không gọi đó là tiki taka, mà là trò chơi của vị trí".


Vị trí là một điểm quan trọng trong triết lý của Pep Guardiola

Nguyên tắc 15 đường chuyền đầu tiên của HLV 45 tuổi này ở Barcelona, chính là để phá vỡ vị trí của các đối thủ. “Vấn đề không phải là để kiểm soát bóng hay chơi bóng một chạm, mà chúng tôi cần phải hướng tới điều gì sau 15 đường chuyền đầu tiên, đó là phả hủy kết cấu chơi bóng của các đối thủ. Làm sao để đạt được điều đó? Mỗi cầu thủ phải duy trì khoảng cách lý tưởng với đối phương, sau đó, 15 đường chuyền sẽ đảm bảo họ có được vị trí hoàn hảo để tạo đột biến, cũng như thu hồi bóng nhanh nhất”, Pep lý giải về khái niệm vị trí của mình.

Tình thế hay là triết lý

Nếu đây là sự bắt buộc của tình thế, thì Pep Guardiola đã có một trong những ý tưởng hoàn hảo nhất kể từ khi ngồi trên ghế chỉ đạo. Trước trận chung kết Champions League 2009 với Man United, hàng phòng ngự của Barcelona mất Milito, Marquez vì chấn thương dài hạn. Alves, Abidal bị treo giò, Pep chỉ còn Pique, Puyol, Sylvinho, Caceres để đối đầu với bộ đôi khét tiếng Ronaldo – Rooney lúc đó. Đội trưởng Puyol sẽ đá cánh phải, ông hơi lo lắng với cánh trái của Sylvinho và chưa biết chọn ai đá cặp cùng Pique, vì không tin trung vệ trẻ người Uruguay.

Lúc đầu, Pep muốn Keita thay Puyol, nhưng tiền vệ người Mali khăng khăng từ chối. Pep bắt đầu nói chuyện với Yaya Toure, nói đến ý tưởng về hướng phát triển bóng ngay từ vị trí trung vệ. Ông thuyết phục tiền vệ người Bờ Biển Ngà rằng, anh có thể dâng cao tấn công nhờ kĩ thuật khéo léo hoặc phản công nhờ tốc độ phi thường. Toure gật đầu và kéo luôn Mascherano, Javi Martinez hay mới nhất là Kimmich đi theo bước chân của mình.

Bài học là một tiền vệ chơi ở vị trí trung vệ cảm nhận trận đấu khác biệt, đọc tình huống khác và sẽ tạo ra đột biến. Tiếp theo, một người có nhãn quan chiến thuật tốt, sẽ trở thành một nhà phân phối bóng mẫu mực trên sân từ vị trí thấp nhất của hệ thống phòng ngự.

Ancelotti hay Jose Mourinho và bất kì HLV nào khác thường đặt cầu thủ vào đúng vai trò để phát huy hết sở trường của họ. Hoặc thi thoảng đảo vị trí của các trung vệ (như Ramos hay Pepe), chủ yếu là phá hủy lối chơi của các đối thủ. HLV người Tây Ban Nha cũng không phải là người đầu tiên xếp một tiền vệ chơi ở vị trí trung vệ, trước đó ở Barcelona, Frank Rijkaard đã để Edminson đá thế Marquez khi cần. Nhưng đó đơn thuần là sự tận dụng năng lực của cầu thủ hơn là đặt ra một yêu cầu mới về chiến thuật.

Nhưng Pep thì ngược lại, ông khám phá tài năng của các học trò trên mọi khía cạnh. Thử nghiệm họ ở mọi vị trí, thách thức sự sáng tạo và khả năng hòa nhập của các cầu thủ trong từng trận đấu. Thỉnh thoảng, Pep vẫn cho Pique đá tiền đạo và ngạc nhiên là trung vệ 29 tuổi này lại chơi hay trong vai trò mới.

Javi Martinez, một tiền vệ phòng ngự điển hình, dưới bàn tay của Pep Guardiola, anh giữ vai trò điều bóng dưới cặp trung vệ, như một libero để sửa chữa những sai lầm của các hậu vệ (khác hẳn Busquets, người là cầu nối giữa các hậu vệ và tiền vệ). Đồng thời, giúp đội bóng tấn công tốt hơn khi dịch chuyển lên giữa sân (mà không phá vỡ kết cấu của hệ thống phòng ngự) gây áp lực lên lối chơi của các đối thủ trong thời gian nhanh nhất, bằng những kĩ năng tốt nhất. Có lúc, Javi Martinez chơi số 10, như trận gặp Dortmund mùa 2013 hay Augsburg trong năm đó.


Javi Martinez chơi đa năng hơn dưới sự dẫn dắt của Pep

Thử lý giải theo cách này: Pep Guardiola không nhìn vào những kĩ năng truyền thống của một tiền vệ như chuyền bóng, kiến tạo lối chơi, hay kiểm soát bóng để biến người đó trở thành một cầu thủ nổi bật. Mà lựa chọn trên sự đánh giá về sự thông minh và khả năng đọc trận đấu của họ. Pep luôn háo hức với việc đặt một tiền vệ vào vị trí đặc biệt trên sân, sau đó đưa họ tới khu vực gây nguy hiểm cho đối thủ, để họ gây bất ngờ với kĩ năng và sự khác biệt của mình.

“Đừng nói với tôi rằng cậu ấy có thể chơi phòng ngự, tôi thích cậu bé này, cậu ấy có mọi thứ và làm cho đội bóng tuyệt vời hơn”, HLV người Tây Ban Nha nói về Kimmich với sự thích thú. Cơn bão chấn thương lấy đi mọi trung vệ tốt nhất của Bayern Munich. Pep đặt niềm tin vào tài năng trẻ 20 tuổi này từ vòng 19 Bundesliga, kết quả là nhà đương kim vô địch nước Đức chỉ để thua đúng một trận trước Mainz ở vòng 24.

Kimmich, được đưa về theo yêu cầu của Pep Guardiola, có tốc độ, sự quyết liệt và không ngại di chuyển để phối hợp hay chuyền bóng. Tự tin khi nhận bóng xoay lưng và thực hiện những đường chuyền vượt tuyến. Tóm lại là đọc trận đấu tốt và mạnh mẽ khi có bóng trong chân.


Chỉ cao 1m76 mà lại đá trung vệ, Kimmich là sản phẩm gây sốc của Pep

Và đây có thể là giải đáp hợp lý nhất vì sao Guardiola thích tạo ra sự khác biệt với các tiền vệ ở vị trí trung vệ. Trong một lần gặp gỡ với Patricia Gonzalez, HLV nữ trẻ của đội U19 nữ Azerbaijan, Pep nhìn chăm chú vào Patricia và nói: “Patricia này, tôi sẽ cho cô một vài lời khuyên, hãy chọn những người giỏi nhất”. “Ai là người giỏi nhất, liệu có phải là những cầu thủ xuất sắc nhất?” “Không, người giỏi nhất là người không bao giờ mất bóng, biết cách chuyền bóng và chuyển hướng nhanh nhất khi có bóng trong chân, bất kể cậu ta có hồ sơ khiêm tốn thế nào”.

 Mascherano khi đá ở Liverpool hay tuyển Argentina vẫn là một tiền vệ. Nhưng về Barca, và Pep đã biến anh thành một trung vệ. Sai sót vị trí chỉ xảy ra một vài lần trong giai đoạn đầu, và giờ bù đắp bằng khả năng kiểm soát bóng, quan sát, và phát động tấn công tuyệt vời.


Mascherano và Pep Guardiola


Trần Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm