Klaus Allofs: Cầu thủ xuất sắc, nhà quản lý tài ba

25/11/2012 13:46 GMT+7 | Bóng đá Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Có không ít người xuất thân từ cầu thủ sau khi giải nghệ đã trở thành một nhà quản lý tài ba. Klaus Allofs, cựu tiền đạo của đội tuyển Đức, là một ví dụ điển hình.

Cầu thủ xuất sắc

Allofs sinh ra ở Duesseldorf thuộc Tây Đức và Fortuna Duesseldorf, đội bóng mới giành quyền trở lại Bundesliga ở mùa giải này, là nơi mà ông đã bắt đầu sự nghiệp cầu thủ để rồi trở thành một chân sút lừng danh. Allofs giống như một vị phù thủy trên sân cỏ, biến hóa với những bàn thắng. Như có phép màu, ông chạm vào đâu, nơi đó cũng biến thành vàng. Allofs đã giúp Fortuna Duesseldorf giành hai cúp quốc gia liên tiếp vào các năm 1970 và 1980 trước khi chuyển sang Cologne, nơi ông có chiếc cúp quốc gia thứ ba trong sự nghiệp vào năm 1983.

Allofs dường như có duyên đặc biệt với cúp quốc gia. Khi chuyển sang đá cho Marseille, ông giành tiếp cúp quốc gia Pháp vào năm 1989, năm mà ông thêm vào bộ sưu tập của mình một danh hiệu khác là vô địch Cúp Liên đoàn Pháp. Chỉ đến khi đặt chân đến Bremen, ông mới được toại nguyện giấc mơ giành vinh quang ở giải vô địch quốc gia, với chiếc Đĩa bạc năm 1993, dù cái duyên với cúp quốc gia của ông vẫn còn nguyên. Năm 1991, ngay trong mùa đầu tiên khoác áo Bremen, Allofs đã đoạt ngay... cúp quốc gia. Mùa tiếp theo, ông cùng Bremen giành Cúp C2 châu Âu, sau khi đã thất bại ở hai trận chung kết cúp khi còn khoác áo Duesseldorf và Cologne.



Klaus Allofs mang tới thành công cho Bremen trên cương vị tổng công trình sư của đội bóng

Trong màu áo đội tuyển quốc gia, Allofs cũng từng là một chân sút đầy tiếng tăm, với 56 lần ra sân, ghi được 17 bàn thắng. Danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp của Allofs có lẽ là chức vô địch châu Âu cùng đội tuyển Đức vào năm 1980. Không chỉ đăng quang, Allofs còn ẵm luôn danh hiệu Vua phá lưới EURO 1980. Ông còn tham dự hai giải đấu lớn sau đó, EURO 1984 và World Cup 1986, nhưng không thể cùng đội tuyển Đức giành thêm vinh quang. Bị cặp tiền đạo mới nổi Rudi Voeller và Juergen Klinsmann cho “ra rìa”, Allofs quyết định chia tay sự nghiệp quốc tế vào năm 1988 bằng bàn thắng ghi vào lưới Thụy Điển trong một trận giao hữu.

Sự nghiệp lắm vinh quang của Allofs cũng chứa đựng đôi chút buồn. Trong một mùa duy nhất khoác áo Bordeaux, ông không có được danh hiệu nào và trong mùa cuối cùng khoác áo Bremen trước khi giải nghệ vào năm 1993 ở tuổi 37, chân sút từng hai lần giành danh hiệu Vua phá lưới Bundesliga lại không ghi được bàn thắng nào. Khi trở thành huấn luyện viên, dẫn dắt đội bóng cũ Fortuna Duesseldorf vào mùa giải 1998-1999, ông cũng không gặt hái thành công. Cái tên Allofs chỉ được nhắc đến trở lại khi ông quay về Bremen để đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc, sát cánh cùng người đồng đội cũ, huấn luyện viên Thomas Schaaf, vực dậy đội bóng này từ đống tro tàn.

Nhà quản lý đại tài

Dưới sự phối hợp ăn ý của bộ đôi Allofs - Schaaf, một người lo về quản lý và hoạch định chiến lược, một người lo chuyên môn trên sân, Bremen từ một đội bóng suýt xuống hạng đã vươn lên trở thành một thế lực đáng gờm ở Bundesliga. Họ đã thay thế Dortmund, vốn suy tàn vì khủng hoảng tài chính, ở vai trò là đối trọng số một của Bayern Munich trong làng bóng đá Đức suốt gần cả thập kỷ qua. Đỉnh điểm của thành công là cú đúp vô địch Bundesliga và cúp quốc gia vào mùa giải 2003-2004. Bên cạnh đó, Bremen có năm mùa giải tham dự đấu trường danh giá Champions League.

Frank Baumann thay Klaus Allofs Chưa đầy một tuần sau khi chia tay Giám đốc thể thao Klaus Allofs, Werder Bremen đã tìm được người thay thế. Tiếp quản vị trí hoạch định chiến lược này là Frank Baumann, một cựu cầu thủ của chính Bremen, từng khoác áo đội bóng này trong vòng 10 năm, từ 1999 cho đến ngày treo giày vào năm 2009.

Không chỉ đạt thành tích tốt trên sân cỏ, bộ đôi Allofs và Schaaf còn biến Bremen thành một cỗ máy sản xuất ngôi sao, với phương châm mua ngọc thô với giá rẻ, mài dũa thành cầu thủ xuất sắc rồi bán đi với giá cao. Những vụ chuyển nhượng như Claudio Pizzaro, Diego hay Mesut Oezil đã mang lại cho Bremen những món hời lớn. Nguồn cung cấp cầu thủ trẻ chủ yếu của Bremen vẫn đến từ thị trường Nam Mỹ, nơi tài năng bóng đá nhiều như lá rụng mùa thu. Tất nhiên, yếu tố quyết định thành công của “cỗ máy” này vẫn là con mắt tinh đời của Allofs cũng như Schaaf.

Chính vì khả năng xuất chúng trong việc quản lý và hoạch định chiến lược của Allofs, ông từng được Bayern đưa vào tầm ngắm khi đội bóng số một nước Đức cần một người tài để thay thế vị trí của Uli Hoeness, người được đưa lên vị trí chủ tịch khi “Hoàng đế” Franz Beckenbauer nghỉ hưu. Tuy nhiên, vào thời điểm ba năm trước, những kế hoạch dang dở ở Bremen đã không cho phép Allofs rời sân Weser. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều, khi Bremen muốn chạy theo con đường thành công của các câu lạc bộ Đức hiện tại thông qua công tác đào tạo trẻ.

Sau khi sa thải huấn luyện viên kiêm giám đốc thể thao Felix Magath, người từng đưa Wolfsburg lên đỉnh cao vinh quang vào năm 2009 với chức vô địch Bundesliga lần đầu tiên trong lịch sử, “Bầy sói” cần một nhà quản lý xứng tầm, đủ sức đưa đội bóng lên một tầm cao mới đúng nghĩa. Allofs được lựa chọn, mức lương 5 triệu euro/năm, cao gấp đôi so với ở Bremen, cùng những dự án đầy tham vọng đã khiến ông không thể từ chối tiếp quản chiếc ghế do Magath để lại. Ngay trong trận đấu đầu tiên xuất hiện với cương vị giám đốc thể thao của Wolfsburg, Allofs đã được tận hưởng niềm vui với chiến thắng 3-1 trên sân của Hoffenheim ở vòng 12 Bundesliga.

Những thương vụ hời của Allofs

Frank Baumann, người thay thế Klaus Allofs ở Bremen

 - Claudio Pizarro, tiền đạo người Peru. Mua từ Alianza Lima 1,3 triệu bảng, bán cho Bayern Munich 7,2 triệu bảng.

- Torsten Frings, tiền vệ người Đức. Mua từ Aachen 88.000 bảng, bán cho Dortmund 7,5 triệu bảng.

- Valerien Ismael, hậu vệ người Pháp. Mua từ Strasbourg 264.000 bảng, bán cho Bayern 7,5 triệu bảng.

- Mesut Ozil, tiền vệ người Đức. Mua từ Schalke 4,4 triệu bảng, bán cho Real Madrid 15,8 triệu bảng.

- Miroslav Klose, tiền đạo người Đức. Mua từ Kaiserlautern 4,4 triệu bảng, bán cho Bayern 13,2 triệu bảng.

- Diego, tiền vệ người Brazil. Mua từ Porto 5,3 triệu bảng, bán cho Juventus 24 triệu bảng.

- Per Mertesacker, hậu vệ người Đức. Mua từ Hannover 4,1 triệu bảng, bán cho Arsenal 10 triệu bảng.


Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm