EURO 2012: Vẫn chưa thể vĩnh biệt những bàn thắng ma !

02/06/2012 06:48 GMT+7 | Hậu trường Euro

(TT&VH Cuối tuần)- Công nghệ Hawk-eye và GoalRef sẽ vĩnh viễn xóa bỏ nỗi ấm ức của nhiều cổ động viên bóng đá khi có nhiều những bàn thắng ma đã được thừa nhận, trong khi nhiều bàn thắng đích thực khác lại bị trọng tài từ chối. Tiếc là công nghệ mới này chưa thể được áp dụng ngay ở kỳ EURO sắp tới tại Ba Lan và Ukraina.

Những bàn thắng gây tranh cãi nhất trong lịch sử

Cho tới bây giờ, bàn thắng được công nhận của Geoff Hurst cho tuyển Anh ở trận chung kết World Cup 1966 vẫn là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất của thế giới bóng đá. Câu hỏi rất đơn giản: Bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa ? Nhưng câu trả lời thì lại phức tạp hơn rất nhiều và phải đợi tới nửa thế kỷ sau, các cơ quan quản lý bóng đá thế giới mới dần đi đến được sự nhất trí về việc sử dụng công nghệ để loại bỏ hoàn toàn những bàn thắng ma.

Chính xác là 46 năm sau đó, cũng ở Wembley đã diễn ra thử nghiệm lớn đầu tiên về công nghệ định vị bóng trên vạch vôi, ở trận đấu mang tính chất quốc tế đầu tiên, trận giao hữu tiền Euro 2012 giữa chủ nhà Anh và đối thủ Bỉ. Việc giám sát vạch vôi quyết định bàn thắng được giao cho công ty tư nhân Anh Haw-eye, với hàng loạt máy quay được treo trên nóc các sân bóng.



Các máy quay được lắp đặt trên nóc sân vận động để giám sát xem bóng qua vạch vôi hay chưa

Các nhà khoa học và những quan chức của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) sẽ phân tích các kết quả và nếu được chứng minh là thành công, công nghệ mới có thể được Hội đồng các liên đoàn bóng đá quốc tề (IFAB) phê chuẩn từ tháng 7 tới. Như vậy, tại EURO 2012 này, những tình huống gây tranh cãi vẫn sẽ chỉ được quyết định bằng mắt thường của các trọng tài. Dẫu sao, thử nghiệm trước sự chứng kiến của đám đông 90.000 khán giả ở Wembley sau những dò dẫm đầu tiên ở các trận đấu không chuyên nghiệp ở Anh hồi đầu tháng 5 vẫn rất đáng chú ý.

Tuy nhiên, Hawk-eye sẽ phải gặp sự cạnh tranh từ một hệ thống khác, của công ty Đức GoalRef, cũng đang ở trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là trận đấu vòng 16 đội giữa Anh và Đức ở World Cup 2010 là trận gần nhất ở một giải đấu lớn xảy ra tranh cãi về việc bàn thắng đã đi qua vạch vôi hay chưa. Một cú sút của Frank Lampard đã bị trọng tài từ chối dù pha quay lại cho thấy bóng đã đi qua vạch vôi cả mét.

Sự kiện ở Nam Phi hôm đó đã khiến FIFA buộc phải thay đổi quan điểm bảo thủ lâu nay của họ về việc sử dụng công nghệ trong phân định các tình huống tranh cãi. “Chỉ những đại diện của IFAB và FIFA ở Wembley mới được tiếp cận hệ thống máy quay”, FIFA nói trong một tuyên bố văn bản. “Do đó, nếu một sự kiện gây tranh cãi xảy ra ở trận này hay bất cứ trận đấu thử nghiệm nào, những trọng tài cũng đều không sử dụng hệ thống này để đảm bảo nó không làm ảnh hưởng tới kết quả của trận đấu. Những thử nghiệm hiện này, cùng với thử nghiệm hệ thống GoalRef ở Đan Mạch, có thể cho phép IFAB thông qua hệ thống xác định tình huồn ghi bàn tranh cãi trong một cuộc gặp đặc biệt vào đầu tháng 7”.

Người Anh tiên phong



Tình huống bàn thắng không được công nhận của Frank Lampard vào lưới thủ thành Manuel Neuer trong trận Anh-Đức ở World Cup 2010

Riêng ở Anh mùa giải vừa qua đã diễn ra một số tình huống gây tranh cãi khiến cuộc tranh luận về sử dụng công nghệ sôi động trở lại. Chelsea được công nhận một bàn thắng ở trận bán kết Cúp FA với Tottenham tại Wembley khi bóng chưa qua vạch vôi, trong khi cú đánh đầu của hậu vệ đội QPR, Clint Hill, trong trận gặp Bolton không được công nhận dù đã nằm sâu trong khung thành.

Chủ tịch Premier League, Richard Scudamore, đã khẳng định ông sẽ sử dụng công nghệ này ngay lập tức trong mùa tới nếu nó được FIFA thông qua. Và không chỉ ở Anh mới có nhiều người ủng hộ công nghệ Hawk-eye. Ở Scotland, Paul Hanlon của Hibernian “ghi bàn” vào lưới Dunfermline dù cho cú sút đập xà của anh này đưa bóng đi ra ngoài vạch vôi đến 15 cm.

Thử nghiệm trực tiếp cuối cùng ở một trận đấu không chính thức của hệ thống Hawk-eye tại Anh diễn ra trong trận chung kết Cúp Hampshire dành cho các đội lão tướng ở sân St Mary của Southampton ngày 16/5 vừa rồi. Hệ thống bao gồm bảy máy quay hướng về phía mỗi khung thành. Nếu bóng đi qua vạch vôi, một tín hiệu radio sẽ được gửi đến đồng hồ đeo tay của trọng tài. Có một cản trở quan trọng với việc áp dụng đại trà công nghệ này là hiện giá lắp đặt mỗi bộ vào khoảng 250.000 bảng, một khoản đầu tư đáng kể ngay cả với các sân bóng hiện đại, chứ chưa nói các sân chất lượng thấp ở những nước đang phát triển.

Việc đánh giá khả năng vận hành của hệ thống tại Wembley còn được đặt trong bối cảnh chung, ở những sân có mái cao, sự tương thích với các bảng quảng cáo điện tử và đám đông khán giả lớn hơn nhiều so với ở các trận nghiệp dư. Trong khi đó, hệ thống cạnh tranh GoalRef lại áp dụng công nghệ kiểu khác, với việc gắn chíp vào bên trong quả bóng và tạo ra một không gian từ trường giữa hai cột gôn để tạo phản ứng điện tử xác định bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa.

Tất cả các thử nghiệm được giám sát bởi những quan chức từ Phòng thí nghiệm liên bang Thụy Sĩ về công nghệ và khoa học vật liệu (EMPA). Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Anh (FA), Alex Horne, kết luận: “Chúng tôi tin tưởng việc sử dụng công nghệ phân định bàn thắng trên cơ sở nó giúp các quyết định chính xác hơn. Chúng tôi đang ở trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và rất vui mừng vì có thể hỗ trợ FIFA với việc sử dụng công nghệ này tại Wembley và rất chờ đợi những kết quả từ cuộc gặp của IFAB sắp tới”.

Trần Trọng

Trọng tài, bóng đã qua vạch vôi!

Geoff Hurst, Anh - Đức 1966. Bàn thắng gây tranh cãi nhất của mọi thời đại. Trong hiệp phụ trận chung kết World Cup ở Wembley, khi tỉ số đang là 2-2, Hurst tung ra một cú sút đập vào dưới xà ngang và văng về phía vạch vôi. Trọng tài người Thụy Sĩ Gottfried Dienst tỏ ra lưỡng lự, nhưng giám biên người Azerbaijan, Tofik Bahramov, đã ra hiệu công nhận bàn thắng. Anh sau đó vô địch World Cup, nhưng cuộc tranh cãi về bàn thắng của Hurst không bao giờ kết thúc. Frank Lampard, Anh - Đức 2010. Anh đang bị dẫn 2-1 ở vòng hai World Cup tại Nam Phi khi cú sút từ khoảng cách 20 mét của Lampard vượt qua tay thủ thành Manuel Neuer, đập xà ngang và rơi vào trong vạch vôi, nhưng bàn thắng hợp lệ không được công nhận. Đức giành thắng lợi chung cuộc 4-1 và loại Anh khỏi giải. Luis Garcia, Liverpool - Chelsea 2005. Trong trận bán kết Champions League, Luis Garcia đưa Liverpool đi tiếp khi cú sút không đi qua vạch vôi của anh được trọng tài Lubos Michel công nhận là bàn thắng. Liverpool vào chung kết và vô địch, còn HLV Jose Mourinho của Chelsesa gọi đó là “một bàn thắng từ trên cung trăng”. Juan Mata, Tottenham - Chelsea 2012. Chelsea đè bẹp đối thủ cùng thành phố 5-1 ở bán kết Cúp FA tại Wembley, nhưng nhờ vào một bàn thắng của Juan Mata khi bóng chưa qua vạch vôi, bàn thắng rất quan trọng vì nó nâng tỉ số lên thành 2-0.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm