Trẻ em thi hát: Nước mắt cho người lớn

17/09/2014 16:07 GMT+7

Những giọt nước mắt nức nở của Ngọc Anh, Quỳnh Anh (Giọng hát Việt nhí 2014)... trên sân khấu không khỏi khiến khán giả có những cảm xúc xót xa, tội nghiệp...

"Đẩy" trẻ con tham gia hoàn toàn vào "cuộc chơi" do người lớn dàn dựng để rồi nhận lại nỗi ám ảnh là " hội chứng"... khóc! Một phụ huynh có con là người đoạt giải còn phải thốt ra: Sẽ không cho con tham dự những cuộc như thế này nữa!

Rất nhiều phụ huynh đã bức xúc bày tỏ trên các diễn đàn mạng khi chứng kiến hội chứng khóc nức nở của trẻ thơ trên sân khấu. Đành rằng, mỗi cuộc chơi đều sẽ có người ra về và đi tiếp. Nhưng khi chứng kiến cảnh những giọt nước mắt, khuôn mặt buồn bã trên sân khấu vì bị loại vẫn là cảm xúc lấn cấn nơi khán giả. Người lớn khi rơi vào những tình huống này còn khó chịu huống gì trẻ con. Được biết, trong số các vị BGK và BTC cũng nhiều người bị ám ảnh, xót xa…

Đứng trước hàng trăm khán giả trường quay, khán giả truyền hình... và biết mình không được chọn, việc bối rối xúc động là điều dễ hiểu. Dường như những lời động viên, an ủi sáo rỗng kiểu như “đi đến vòng này là đã giỏi lắm rồi...”; hay “cô chú tự hào về các con...” càng làm những xúc động trong lòng những đứa trẻ lớn hơn.


Những giọt nước mắt Phương Trinh - Bước nhảy hoàn vũ nhí

Trong một cuộc chơi mà những người lớn đặt quá nhiều sự hơn thua không đáng có đã tạo nên những “khủng hoảng” trong tâm lí các em. Nhưng quy luật bất thành văn của mỗi cuộc thi là vậy. Nhất là những giọt nước mắt kịch tính ấy lại càng cần để thu hút khán giả. Sự bực tức, giận dỗi hay la mắng của những người lớn càng làm cho chương trình có sức hút hơn (?) Chỉ có trẻ con, những khuôn mặt thơ ngây đang trở thành “con bài” trong tay người lớn mới phải chịu thiệt thòi. Nhiều khán giả khi xem chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí Giọng hát Việt nhí không khỏi thở dài “tội nghiệp”! Khán giả chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí khó ai quên gương mặt giàn giụa nước mắt của Phương Trinh, Trang Linh...

Chọn 2 bé tập luyện, thi đấu cùng nhau rồi chỉ chọn một trong hai. Giọng hát Việt nhí trong vòng loại trực tiếp cũng phải chứng kiến nhiều cảnh đau lòng ngay trên sân khấu. Và gần đây nhất, bé Quỳnh Anh sau khi hết sức với bài hát “Xa khơi” vượt lứa tuổi của mình... đã nghẹn ngào rồi khóc tức tưởi khi bị loại...

Được chính các HLV “giành giật” vào đội, thậm chí qua mỗi vòng thi các HLV đều dành những lời “có cánh” ra sức khen ngợi: nào là tự hào, nể phục... Nhưng rồi lại cũng chính họ “bỏ rơi” các em. Trong những tình huống như vậy, những người bản lĩnh nhất cũng phải rơi nước mắt huống chi các em. Dường như, mỗi vòng loại, sức chịu đựng của cả các em và gia đình đều quá tải.

Cuộc chơi nào cũng sẽ có những khoảnh khắc chia tay và nuối tiếc. Nhưng đối với những chương trình dành cho trẻ em thì những phút giây như thế thật quá đau lòng. Sự kì vọng quá lớn từ gia đình, những lời khen quá mức từ các HLV đã tạo những áp lực không hề nhỏ nơi các em. Chính vì vậy, khi đối diện với việc dừng cuộc chơi, tâm lí bị tổn thương, hụt hẫng và tủi thân là những điều không tránh khỏi. “Xét cho cùng, các cuộc thi cũng chỉ nên coi là những trải nghiệm, gia vị trong cuộc sống của các em. Cha mẹ không nên đặt quá nhiều kì vọng vào tài năng sẽ tạo áp lực cho chính con cái mình. Nhìn những đứa trẻ tủi thân, khóc òa trên sân khấu, cha mẹ nào không xót xa”, khán giả Tuyết Mai chia sẻ.

Đi - ở, những điều tưởng như bình thường ở mỗi cuộc thi nhưng đối với những đứa trẻ thì lại là chuyện khác. Lựa chọn cho con mình tham gia vào những chương trình như thế này các bậc phụ huynh phải chuẩn bị sẵn tâm lí cho trẻ. Bắt trẻ con “lên gân” hát những bài hát quá lứa tuổi của mình đã khó chấp nhận, làm tổn thương tâm lí của chúng càng có tội hơn. Mà có mấy khi BTC chương trình lại để ý đến những điều tương tự. Càng nhiều xót xa, kịch tính càng làm cho chương trình được chú ý, thế là đủ. Cảm xúc tổn thương của con trẻ xét cho cùng chỉ như những gia vị thêm cho chương trình, nhưng nó có thể sẽ đeo bám mãi, là vết sẹo trong tâm hồn non trẻ. Trong khi người xem truyền hình chờ đợi những kịch bản nhân văn hơn, phù hợp lứa tuổi các em hơn thì những bậc phụ huynh phải nhận thức rõ, đừng đẩy con vào thế đã rồi mới thấy xót xa...

Theo H.Trần
Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm