Tháng chống bắt nạt

15/11/2013 08:44 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,

Ở Mỹ không có Tháng không vứt rác ra đường (dù ở thành phố như New York cũng khá bừa bộn), hay Tháng vì người nghèo (dù cho 47 triệu người Mỹ đang sống một phần nhờ Chính phủ trợ cấp thực phẩm), hay Tháng an toàn giao thông (dù 99% người Mỹ lái xe vượt tốc độ quy định, và rất nhiều vụ tai nạn xảy ra khi người lái xe đang nhắn tin điện thoại).

Nhưng chống bắt nạt lại là một chủ đề được lựa chọn để tổ chức tuyên truyền để đấu tranh, tìm hướng giải quyết hẳn hoi trong tháng 10. Và Tháng chống bắt nạt này thậm chí còn được tổ chức hàng năm.

Cũng về chuyện bắt nạt này mà tờ New York Times mới đây đã tổ chức một diễn đàn lấy ý kiến phụ huynh, rằng họ có nên nhúng mũi vào chuyện của con trẻ hay không nếu như con cái bị bạn bè (hoặc không phải bạn bè) bắt nạt ở trường.

Đọc những phản hồi của các bậc phụ huynh Mỹ thì tôi hiểu một phần tại sao nước Mỹ lại đặt cái chuyện bắt nạt tưởng như rất cỏn con ở nhiều nước lên một mức độ quan trọng.

Có người cho rằng con cái của họ giờ đây thật may mắn không bị bắt nạt, nhưng sau 40 năm rồi họ vẫn chưa quên được nỗi sợ hãi ám ảnh vì vừa bị mấy đứa bạn ở lớp cô lập và đánh.

Có một nghiên cứu của các giáo sư Đại học Warwick và Duke cho thấy việc bị bắt nạt ở trường lúc tuổi thơ có thể ảnh hưởng tới cả cuộc sống sau này.

Không hề mơ hồ, nước Mỹ gần đây đã chứng kiến việc trầm cảm u uất cũng dễ biến thành thảm họa khi những cái đầu nặng như chì điều khiển đôi tay cầm súng. 

Còn về phần giải pháp, ông bố bà mẹ dù ở đâu cũng có những lựa chọn khác nhau, từ đưa lên Ban giám hiệu ở trường, cho tới trực tiếp đưa con tới nói chuyện phải quấy, rồi cuối tuần hoặc buổi tối có người tranh thủ cho con đi học võ (ở Mỹ có rất nhiều trung tâm dạy taekwondo). 

Nhưng, thưa anh chị, có hai lý do được viện ra mà tôi cho là thấu đáo hơn cả khi nước Mỹ không có Tháng an toàn giao thông mà có Tháng chống bắt nạt. 

Một là từ việc giữ môi trường, cảnh quan, vệ sinh công cộng cho tới cấm nhắn tin khi lái xe chỉ cần thực thi luật một cách chặt chẽ là có thể đối phó được. Như ở bang Maryland vừa mới đưa ra khẩu hiệu là “tay này bạn cầm điện thoại, thì tay kia sẽ phải cầm một cái vé phạt”. Và cảnh sát làm thật, rất nghiêm. Tức là nó là việc của chính quyền, cảnh sát chỉ cần làm đúng và đủ chức trách của họ là vấn đề được giải quyết. Còn người dân Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác, cảnh sát mà làm ngơ là họ phóng xe bạt mạng và đỗ xe bừa bãi. Và nếu cảnh sát sẵn sàng nhận vài trăm đô la gói trong bao thuốc thì cũng có người Mỹ sẽ làm thay vì họ không phải tốn thêm cả ngàn đô la cho chi phí bảo hiểm tăng và hồ sơ cá nhân bị vấy bẩn.

Và thứ hai, yếu tố cá nhân ở đây được tôn trọng tối đa, trong khi sự bình đẳng trong môi trường học tập và làm việc cần phải được đảm bảo, để xoay trở với các hành vi chưa đạt tới giới hạn quy định của luật.

Phải chăng, đó chính là một phần câu trả lời cho câu hỏi tại sao bài toán an toàn giao thông và thành công của đào tạo ở Mỹ?

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm