Những niềm vui nho nhỏ

27/02/2015 08:50 GMT+7

Tôi vẫn nhớ ngày trước, trong chiến tranh - một hoàn cảnh vốn có rất ít chỗ cho sự tươi vui, thì vẫn còn những niềm vui nho nhỏ.

Những người thích “hoành tráng” thường bỏ qua hoặc quên nhanh những niềm vui nho nhỏ. Họ hướng tới những gì to tát hơn, lớn lao hơn. Tôi, ngược lại, cứ nhớ thật lâu và thật sâu những niềm vui nho nhỏ trong chiến tranh mà mình được nếm trải. Như cái chuyện này.

Ai đã từng gặp một “cái hên” như chúng tôi, vào mùa xuân năm 1973, theo kiểu thế này không?

Số là, sau một tuần mỏi mệt chờ đường thông ở một địa hình thuộc Ấp Bắc (Mỹ Tho) mà đường giao liên vẫn tắc, buổi sáng hôm ấy mấy anh em chúng tôi lại lội xuống con rạch trong khu vườn để... mò cá. Bất ngờ, một anh trong nhóm phát hiện một con cua đinh to tổ bố đang nằm dưới bùn. Chắc là đang nằm mơ. Cua đinh là tên gọi một loại ba ba, giống này ở vùng Đồng Tháp Mười hơi bị sẵn. Chúng tôi bắt con cua đinh đang nằm mơ dưới rạch chẳng mấy khó khăn, chỉ lật ngửa nó ra là cứ thế vác lên bờ. Con cua đinh này khá to, nặng gần 3 kg.

Những người chờ xuất hành như chúng tôi, họ nói kỵ nhất là gặp... rùa, ba ba, hay cua đinh, vì có câu “chậm như rùa lật ngửa”. Gặp mấy con này đã mệt, ăn chúng có khi còn mệt hơn.

Nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Mấy khi trời cho một con cua đinh béo nhễ nhại thế này, chỉ có điên mới không thịt nó. Cả đoàn hì hục “mần”, cử người đi mua mấy lít đế. Trưa hôm ấy, chúng tôi được bữa nhậu tưng bừng. Thịt cua đinh ngọt lừ, thơm ngầy ngậy và béo thực thà, ăn miếng nào biết miếng ấy. Lại thêm mấy xị rượu đế đưa cay, thôi thì... quá đã!

Cả đoàn sau bữa nhậu đã sẵn sàng để... nằm lại khu vườn này thêm một tuần nữa, nếu vì ăn thịt cua đinh mà không xuất hành được.

Kỳ lạ sao, ngay buổi chiều ấy, giao liên tới báo chúng tôi biết, đường đã thông. Phải gấp rút hành quân. Chúng tôi lập tức lên đường, và chẳng bao lâu, sông Vàm Cỏ Tây đã hiện ra trước mặt. Ai bảo “ăn cua đinh là... khổ”?

Lại một niềm vui nho nhỏ nữa, vào mùa xuân năm 1974, ở chiến khu bên sông Vàm Cỏ Đông.

Tết năm ấy khá vui đối với tôi. Vui vì tôi mới được tin bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình vừa viết năm 1973 sẽ được in trên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng. Lại vui vì nghe tin nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Tế Hanh (đồng hương Quảng Ngãi với tôi) vừa vượt Trường Sơn vào Nam, và đang ở bên “cứ” B2 Văn nghệ. Thế là tôi rủ một người bạn sang đó. Tôi đã được gặp gần hết những người tôi mong gặp, nhất là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Vui nhất là gặp nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền và mấy người bạn cũ của tôi.

Mọi người đề nghị cùng “du xuân” một chuyến. Đích đến chính là “cứ” tuyên truyền Binh vận (B6) của tôi. Thế là lên đường. Khi về tới B6 thì ai cũng đói rã rời. May quá, trên bếp cơ quan đang có chảo thịt kho tàu trứng vịt. Lại thêm mấy nồi thức ăn gì nữa nghe mùi rất hấp dẫn. Tôi giới thiệu anh Chín Thế - người quản lý B6 với đoàn nhà văn. Rồi cả đoàn kêu... đói. Anh Chín Thế tươi cười: “Yên tâm đi! Có ngay tiệc mừng xuân đây!”. Và anh hô chúng tôi cùng một tay với anh dọn các món ăn đúng hương vị tết Nam bộ ra bàn. Chợt anh Diệp Minh Tuyền hỏi tôi: “Đồ ăn ngon quá! Nhưng có... rượu không mậy?”. Tôi chưa kịp đáp thì anh Chín Thế đã tươi cười: “Có ngay! Có ngay!”. Và anh mang ra một bi đông Mỹ rượu đế do đồng bào mình nấu, thơm lừng.

Sau này, tôi cũng đã có dịp ăn tết ở nhiều nơi, nhưng thú thật, chưa có cái tết nào mà tôi ăn thấy ngon, thấy hứng khởi như cái tết trong rừng ven sông Vàm Cỏ năm ấy.

Theo Thanh Thảo
Hội Nhà văn TP HCM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm