Như cùng bọc trăm trứng

18/10/2014 08:31 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,

Hóa ra người Mỹ đầu tiên nhiễm bệnh trên đất Mỹ lại là một nữ y tá gốc Việt. Nina Phạm, 26 tuổi, ở Dallas, Texas, là một trong 50 bác sĩ, y tá đã chăm sóc cho bệnh nhân Ebola người Liberia.

Bệnh nhân của cô qua đời được hai hôm thì Nina Phạm nhận thấy có những triệu chứng sốt nhẹ và kết quả sau khi được thử máu là dương tính.

Ở một đất nước gần như không phải đối phó với các bệnh truyền nhiễm như Mỹ thì việc chăm sóc bệnh nhân Ebola - một loại bệnh mà tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50% - được coi là dũng cảm và đầy lòng nhân ái.


Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm bị nhiễm vi rút Ebola. Ảnh: Dallas Morning News

Các trang thiết bị tối tân và những quy trình chữa bệnh chặt chẽ trên thực tế vẫn có những rủi ro mà dù chưa được công bố cụ thể thì việc Nina Phạm bị nhiễm chính là một ví dụ sinh động mà đau xót.

Giờ thì nhiều người trong đội ngũ 50 y tá và bác sĩ nói trên lại quay trở lại chăm sóc cho Nina Phạm. Và một người được nhắc tới là bác sĩ Kent Brantly. Vị bác sĩ trẻ này nhiễm Ebola từ Liberia, được đưa trở về Mỹ để chữa trị, nay đã khỏi. Những giọt máu của ông giờ trở nên quý giá, vì chúng có công dụng để chữa trị cho những người bị Ebola khác.

Hôm Chủ nhật, vị bác sĩ da trắng mắt xanh tóc vàng và có vóc dáng người cao lớn này đã âm thầm hiến máu của mình để chữa trị cho Nina Phạm, một y tá tóc đen da vàng. Họ cùng ở bang Texas.

Trước đó ít ngày, nhận được cú điện thoại, bác sĩ Kent Brantly đã chỉ mất vài phút để tìm đến một bệnh viện và hiến máu cho một bệnh nhân Ebola người Mỹ khác đang chữa trị ở bang Nebraska. Những cc máu ấy lập lức được chuyên chở bởi máy bay để không bị chậm trễ.

Tất cả đều không nói đến chuyện viện phí. Mà ngay cả bệnh nhân xấu số người Liberia được cho là rất nghèo (dự tính sang Mỹ cưới vợ người Mỹ gốc Liberia cũng khá nghèo khổ) cũng được chữa trị mà không ai quan tâm tới việc gia đình anh ta có thể trang trải tiền công bác sĩ, thuốc men… hay không.

Ở Mỹ có luật là tất cả bệnh viện phải đón tiếp những bệnh nhân cấp cứu và chữa trị cho họ dù cho đó là tỷ phú hay vô gia cư.

Các bệnh nhân được hưởng dịch vụ chu đáo cho tới khi xuất viện, trong khi việc thu tiền là của các công ty chuyên trách.

Nếu như các khoản chữa trị Ebola không có Chính phủ Mỹ cáng đáng thì chắc chắn cũng sẽ có những tổ chức từ thiện đứng ra trả thay, như họ vẫn làm để giúp cho những người nghèo ở Mỹ thoát khỏi sức ép nợ nần thường theo đuổi họ cả cuộc đời.

Nhưng không hẳn là bởi luật, số người phản đối việc đưa bác sĩ Kent Brainly về nước chữa trị chỉ là một phần rất nhỏ so với số người ủng hội, bởi Mỹ có hạ tầng y tế rất tốt, và dù sao thì ông cũng là một người Mỹ. Câu hỏi đặt ra là nếu người Mỹ không thể cưu mang được chính người Mỹ thì sao có thể phát huy vai trò của mình với thế giới?

Ở Mỹ hiện tại chỉ có sáu nhóm dân khác nhau, từ da trắng tới da màu rồi da vàng, nhưng nếu tính đến nguồn gốc quốc gia thì phải có hàng trăm. Nước Mỹ cũng còn tranh cãi về phân biệt chủng tộc - các hành vi diễn ra hàng ngày và có những vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng khi cần họ vẫn hành xử với nhau thực sự như là đồng bào.

Chúc anh chị sức khỏe!

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm