Khi sự tử tế thiên vị

19/09/2014 08:31 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Một giáo sư đáng kính từ Mỹ sang Việt Nam công tác không may bị tai nạn giao thông. Người Việt tìm mọi cách đưa ông lên máy bay riêng về Mỹ. Nếu không có những nỗ lực đó, có thể ông đã qua đời trên đất khách.

Đó không phải giả thiết mà là câu chuyện có thật được kể trong tọa đàm “Tử tế và thành đạt” ở Hà Nội tối 17/9. Cô gái kể chuyện tên là Thảo, người chuyên làm việc với các tổ chức nước ngoài. Thảo được MC Tạ Bích Loan mời lên kể “chuyện tử tế” của mình.

Vụ tai nạn năm đó suýt làm Việt Nam mất thể diện với quốc tế. Thảo chính là cô gái đã làm hết sức mình để sắp xếp được một chiếc máy bay được trang bị đầy đủ thiết bị y tế phức tạp, với 2 phi hành đoàn, chở riêng vị giáo sư Mỹ về quê nhà. Đó là câu chuyện đẹp, thành công không chỉ nhờ lòng tử tế của Thảo mà còn nhờ số trời.

Kết cục của câu chuyện còn đẹp hơn. Vị giáo sư tưởng như không thể qua khỏi, chỉ đợi về gặp gia đình lần cuối, nay lại sống khỏe mạnh và vẫn làm việc.

Hầu hết cử tọa ấm lòng vì câu chuyện này. Riêng khách mời Đặng Hoàng Giang, TS ngành kinh tế phát triển ở Áo (cũng là một trong những chủ nhân quán café nghệ thuật Manz), lật ngược vấn đề: “Nếu đó chỉ là một người không có vai trò gì quan trọng lắm, hoặc là người nước ngoài nhưng không yêu quý Việt Nam và đóng góp cho học thuật, thì bạn có giúp đỡ không?”.

Thảo đáp dứt khoát: “Không”. Câu hỏi: “Nếu đó là chỉ là một người bình thường chẳng hạn, có phải người đó đã chết rồi không?”. Câu trả lời: “Đúng vậy”. TS Giang hỏi tiếp: “Bạn có thấy sự tử tế thực ra được phân phối không đều, một số người nhận được nhiều sự tử tế hơn những người khác?”. Đó không cần là một câu hỏi, mà đúng ra là lời khẳng định.

Các diễn giả trong tọa đàm. Ảnh: Thảo Nguyên

2. Khi bàn về sự tử tế, có 2 khái niệm “phản tử tế” được đưa ra: tử tế nửa vời và tử tế giả vờ. Cô gái Thảo trong câu chuyện trên cũng thừa nhận, hành động tử tế của cô chỉ là “nửa vời”, dù chưa đến nỗi “giả vờ”.

Không có sự tử tế nào là tuyệt đối. “Phân phối không đồng đều” là chuyện có thật, như lời TS Đặng Hoàng Giang nói với người viết bài này sau tọa đàm: “Tôi chỉ muốn nhắc mọi người rằng lòng tử tế luôn thiên vị”. Người ta trao lòng tử tế cho người mình yêu quý, cho người có vị trí quan trọng, cho người đẹp… Thậm chí, cho một nhóm mà mình là thành viên trong đó.

Vì thế, người ta nói mãi về “lòng tử tế giữa con người và con người”, cho đến tận cuối tọa đàm mới có người phản biện: “Nhưng vì sao lại chỉ tử tế với con người mà không phải với các giống loài khác?”

Nghĩ như vậy, đến câu trích dẫn nổi tiếng “Chỉ có súc vật mới quay lưng với nỗi đau của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình” trong phim tài liệu “Chuyện tử tế” cũng chỉ là tử tế nửa vời. Vì sao đề cao con người thì phải dè bỉu động vật, riêng cách gọi “súc vật” đã ẩn chứa thái độ đó? Trong khi đó, đời sống đã chứng minh nhiều loài vật cũng có tình cảm và lòng biết ơn.

MiLy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm