Giá đi, lương ở lại

18/06/2012 08:15 GMT+7

Nhiều người đã mắt tròn mặt dẹt khi nghe lời tâm sự của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Lương của thứ trưởng không đủ sống, vẫn phải đi làm thêm”.

 



Trời đất quỉ thần ơi, gần 10 triệu đồng/tháng mà không đủ thì chả biết những công chức mới bắt đầu “có vinh dự” đóng thuế thu nhập hụt hơi thế nào. Riêng cái khoản la làng vì xăng, gas, thuốc, sữa, điện đóm leo thang cũng đủ hụt hơi rồi, chứ chưa kể đến hụt hơi do thiếu ăn. Giá cả cứ gia tăng, dẫn đến khoảng cách giữa mức sống và mức thu nhập càng ngày càng gia tăng. Đến nỗi người ta có cảm tưởng “giá đi, lương ở lại”. Thực ra lương vẫn tăng chứ không phải là đứng, có điều nó chỉ tăng nhỏ giọt mà thôi. Từ năm 2008-2011, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh 5 lần, từ 450.000đ lên 1,05 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên sự tăng này chưa đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của công chức, bởi thực tế lương tăng ít mà giá tăng nhiều, thậm chí lương chưa tăng mà giá đã tăng đón đầu. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng giá cả không có lỗi mà lỗi thuộc về chế độ tiền lương, một chế độ lạc hậu nặng tính bình quân. Chủ nghĩa “cào bằng” này đã không khuyến khích được năng suất lao động, nhiều khi còn làm hư cán bộ. Chẳng hạn như ở một tỉnh nọ, theo lời lãnh đạo thì “có 30% công chức chỉ có mặt để... lĩnh lương, còn 30% thì làm việc cầm chừng”. Một con số tưởng buồn cười mà đau lòng, đúng như nhận xét của ông Thứ trưởng: “có khi vì lương thấp mà hỏng cả một chủ trương chính sách”. Bên cạnh cái sự lạc hậu của chế độ đãi ngộ, còn có cái sự rối rắm khó hiểu của thang lương khiến nhiều người thắc mắc đến đau đầu.

Công chức chỉ còn hy vọng với Đề án cải cách tiền lương tới đây sẽ có những đột phá để lương và giá cùng song hành, không còn cảnh “giá đi, lương ở lại” nữa.

Theo Tuổi trẻ Cười

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm