Chúng ta sung túc lên, chúng ta bớt tử tế hơn (?!)

17/01/2014 18:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Giờ, chúng ta sung túc lên song sự tử tế lại ít hơn. Thậm chí, khi nghe những tin bác sĩ ném xác bệnh nhân, bảo mẫu đánh đập trẻ, tôi cũng hoang mang và đôi lúc, chẳng còn tin vào sự tử tế nữa!”- Đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả của bộ phim “Chuyện tử tế”, nói như buông xuôi trong buổi tọa đàm “Sự tử tế - Sau 30 năm” tại Manzi Art Space hôm qua (16/1).

1. Trần Văn Thủy có dẫn chứng về một bộ phim ông làm năm 1992. Bộ phim do đài NHK của Nhật tài trợ 100% với một yêu cầu duy nhất: ông hãy làm một bộ phim soi thấu hồn cốt Việt.

Trần Văn Thủy chuyển tải những điều trên qua câu chuyện về làng gốm Phù Lãng. Trong phim, ông kể về một làng quê nghèo, rất nghèo. Nhưng ở đó, con người sống với nhau bằng tình làng, nghĩa xóm. Ở đó, những chuyện tử tế cứ nảy nở và sinh sôi mà chẳng cần con người gọi tên hay gắng hô hào thực hiện. Ở đó, chỉ có người và người.

Khi nghiệm thu, người Nhật đã rưng rưng và thốt lên: “Đây là câu chuyện cổ tích giữa đời. Trước đây, cha ông chúng tôi cũng đã từng nghèo như này và hơn thế này. Chúng tôi cũng trao gửi cho nhau những điều tử tế tương tự. Còn giờ, kinh tế đã nhảy vọt, nhưng tình người chẳng còn như xưa”.

Trần Văn Thủy thở dài: “Và tôi nghĩ, mâu thuẫn muôn thủa giữa giá trị vật chất và những giá trị tinh thần cũng đang xảy ra ở Việt Nam”.

Giơ hai bàn tay lên như thể bất lực, Trần Văn Thủy nói tiếp: Tôi sốt ruột lắm! Đôi bàn tay này đã từng chôn xác bao đồng đội giữa rừng. Đôi bàn tay này đã lặn lội vượt khó trăm bề để "Chuyện tử tế" ra đời. Song xã hội hòa bình hiện đại với nhịp sống gấp gáp đang khiến tử tế trở thành cụm từ sáo rỗng và xa xỉ!”.


Đạo diễn Trần Văn Thủy trong buổi trò chuyện "Sự tử tế- Sau 30 năm" (Ảnh: Phạm Mỹ)

2. Tất nhiên, quan điểm của ông đạo diễn giàu chính kiến (tới mức cực đoan- như ông tự nhận) không được nhiều người trong khán phòng hôm ấy đồng tình. “Thời chiến và hậu chiến, cả xã hội như một thước phim đen trắng. Mọi sự sống- chết, trắng- đen, tốt- xấu rất rạch ròi. Còn giờ, xã hội là thước phim màu với vô số kỹ xảo. Mọi thứ đều phức hợp và khó phân định. Tất cả chúng ta ngồi đây đều có phần tử tế và không tử tế. Nên đạo diễn Trần Văn Thủy và những người cùng thế hệ ông bị ngợp là dễ hiểu”- Một khán giả trao đổi.

Luận điểm này có muôn vàn ví dụ trong cuộc sống hiện đại. Một người mẹ chửi bới cả phiên tòa vì xử bắn con bà trong vụ chặt tay cướp SH hẳn nhiên là một người không tử tế với những người làm đúng chức phận ở phiên tòa. Nhưng bà là một người mẹ tử tế, thương yêu đứa con tới tận cùng.

Hay tên sát nhân giết người bỏ trốn là kẻ tội đồ của toàn xã hội. Song hành động đầu thú của y để người bị án oan 10 năm được trả về gia đình là một hành động bắt đầu cho sự tử tế.

3. Quay lại với kết luận của ông đạo diễn gạo cội: Vậy sau 30 năm, còn không những câu chuyện tử tế trắng tinh, chưa băng hoại, không pha tạp?

Có lẽ câu chuyện của diễn giả Thu Hà trong buổi nói chuyện hôm qua đã trả lời tất cả. Chị Thu Hà kể: Cách đây vài năm, tôi có tìm về ngôi nhà có người mẹ bị phong trong phim Chuyện tử tế. Người đàn bà đã từng dùng đôi tay bị bào mòn vì bệnh phong đau đớn, đóng đủ số gạch cho cậu con trai xây nhà. Bà còn phải làm âm thầm đêm đêm vì nếu bà về vào ban ngày, dân làng nhìn thấy, con trai bà sẽ bị quy kết là con của người hủi.

Nay, bà đã vượt qua bạo bệnh. Điều tiếng làng xóm cũng không còn. Hai mẹ con sống vui trong ngôi nhà được làm từ đôi bàn tay cụt ngủn của người hủi khi ấy.

Bà không biết câu chuyện cổ tích đời mình được lên phim. Và ngay giữa thế kỷ 21, bà vẫn không coi việc làm của mình là điều gì tử tế như lời bình sắc sảo của đạo diễn Trần Văn Thủy. Bà chỉ trả lời: “Bất cứ người mẹ, bất cứ con người nào cũng sẽ làm như tôi nếu trong tình cảnh ngặt nghèo khi ấy”.          

Có lẽ, sự tử tế đơn giản chỉ là khi ta nghĩ mình là con người và có lòng tự tôn với hai từ thiêng liêng ấy. Đó là những điều luôn tồn tại và không thể pha tạp, 30 năm hay 300 năm sau vẫn vậy.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm