Đào Trọng Khánh - 'Xưa tôi trôi như một cánh buồm'

22/09/2023 07:46 GMT+7 | Văn hoá

Trong một bài thơ viết cho con, Đào Trọng Khánh viết: "Như một buổi sớm nào bố đi ra phố/ Rồi không về nhà". Một câu thơ tự họa, rất chân dung Đào Trọng Khánh. Sống chết là một khái niệm siêu hình. Nói được cái siêu hình, cái metaphysic ấy bằng một hình ảnh hữu hình, "đi ra phố", đấy là Đào Trọng Khánh, là giản dị, là thi ca, là thi nhân Đào Trọng Khánh.

Ông học khoa Biên kịch, Trường Điện Ảnh, khóa 3, còn gọi là "khóa chống Mỹ" (1965 - 1967), thành danh với nghề đạo diễn, viết kịch bản, lời bình phim tài liệu. Danh hiệu NSND, giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: 1/50 giây cuộc đời; Việt Nam - Hồ Chí Minh;  Truyền kỳ sự thậtVũ nữ Trà Kiệu; Hình bóng tổ tiênHồ Chí Minh - hình ảnh của Người". Và giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Việt Nam các năm 1985, 1996, 2007.

Đào Trọng Khánh như một khối đa diện, đạo diễn, biên kịch điện ảnh, văn chương, thi ca…, nhất là điện ảnh như đã dẫn ở trên. Nhưng "cội rễ" của ông, "AND" của ông chính là thi ca, không có cái gốc thơ ấy thì không có văn - Khánh, điện ảnh - Khánh.

Đào Trọng Khánh - 'Xưa tôi trôi như một cánh buồm' - Ảnh 1.

Từ trái sang: Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha - NSND Đào Trọng Khánh - họa sĩ Lê Thiết Cương (tác giả bài viết) - và nhạc sĩ Duy Thái

Tôi có may mắn được ông nhờ tổ chức thực hiện 2 cuốn sách cùng tên Đất & Người của ông (NXB Hội Nhà văn năm 2020, 2022) được đọc kỹ phần văn xuôi và kịch bản. Từ truyện ký, tản văn, kịch bản, lời bình phim… thì thấy rõ chất thơ là bản năng gốc của ông, nó nằm trong từng câu chữ.

Thơ chính là tối giản, là cô đọng, hàm súc, là tưởng tượng, là "vô lý", là phi lý, là siêu hình, là một núi chất liệu hiện thực được nén lại trong một hạt cát. Nói cách khác, qua hạt cát ấy sẽ thấy được đầy đủ "cõi người ta". Đọc văn và xem phim của ông thì thấy rõ điều này, thấy được Một trong tất cả, tất cả trong Một, thấy "một giọt sương, thu cả mênh mông".

Cái ăng ten - thi ca của Đào Trọng Khánh vô cùng nhậy, nó luôn "bắt được" những chi tiết, những hình ảnh, những câu thoại đầy tính khái quát như ông từng khiêm cung nói rằng: "Tôi tin vào khả năng nhận thông tin từ trên xuống chứ tôi không sáng tạo"…

Quan niệm về điện ảnh, về nghệ thuật của ông là: Biến phức tạp thành giản dị qua những hình ảnh khái quát đó. Ông gọi cuộc chia tay của Lạc Long Quân và Âu Cơ là lần "ly thân" đầu tiên của người Việt Nam. Cũng như chuyện tình tay ba cổ xưa nhất của người Việt là chuyện tình giữa công chúa Ngọc Hoa với Sơn Tinh và Thủy Tinh. Tiên Dung công chúa con Vua Hùng là "nhà du lịch đầu tiên", vợ chồng Tiên Dung - Chử Đồng Tử là những người làm xuất nhập khẩu sớm nhất…

Đào Trọng Khánh - 'Xưa tôi trôi như một cánh buồm' - Ảnh 2.

NSND Đào Trọng Khánh (người cầm micro) trong lễ ra mắt sách “Đất & Người”

Những nhân vật lịch sử thì đều gắn với những sự kiện  lịch sử. Năm 938 Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Đào Trọng Khánh định nghĩa: Đây là trận thủy chiến làm kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc. Mùa xuân 1428, sau khi đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi trả gươm cho rùa thần. Đào Trọng Khánh ví như vũ khí chiến tranh giờ được ngủ yên dưới đáy hồ. Đây là bản tuyên ngôn hòa bình, là ước mong được sống trong hòa bình của Đại Việt…

Hình ảnh là câu chữ, là ngôn ngữ của điện ảnh, con mắt của người làm phim Đào Trọng Khánh luôn bắt được những hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng, hàm súc. Viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, ông kết bằng hình ảnh bạt ngàn mộ trắng trong nghĩa trang dưới chân đồi A1 và một câu thoại quá độc đáo của người cựu binh già Mùa Sống Lử, tay trỏ vào ngực và nói: "Đau lắm mày ơi, tao hỏi mày đất có tim không?".

Đào Trọng Khánh - 'Xưa tôi trôi như một cánh buồm' - Ảnh 3.

“Đất & Người” - 2 cuốn sách cùng tên của Đào Trọng Khánh

Đào Trọng Khánh - 'Xưa tôi trôi như một cánh buồm' - Ảnh 4.

Đến Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đúng ngày giỗ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, "nhớ ông quan liêm khiết, thanh bạch, dân cúng ông cà muối và cháo đậu". "Ăng ten" của Đào Trọng Khánh nhậy cảm lắm mới thu được chi tiết đẹp ấy.

Đào Trọng Khánh đi dọc đất nước, ở đâu ông cũng thấy những hòn đá vọng phu: "Đó là những người vợ lính, chồng đi mãi không về, ôm con lên núi ngóng trông, lâu ngày rồi cả mẹ lẫn con đều hóa đá. Trên thế giới, có lẽ chỉ có những dân tộc nào hiền lành, bị chiến tranh biến thành thảm họa, mới sinh ra những huyền thoại thủy chung đau lòng như vậy suốt mấy ngàn năm", hình ảnh biểu trưng cho một đất nước chiến tranh liên miên.

   ***

Nói thêm về thơ của ông, ông làm nhiều thơ nhưng lại "giản dị" đến mức không ghi chép lại, không xuất bản nên trong trí nhớ của ông và bạn bè chỉ còn lưu lại được mươi bài. Vậy mà vẫn nét một chân dung thi nhân Đào Trọng Khánh.

Thơ ông hiện đại và hiện đại sớm so với những người cùng thời. Thi pháp của ông nghiêng về thơ - văn xuôi: "Chiều Thu đẩy một người rối trí ra đồng/ Đi dạo quanh chiếc lá rụng khổng lồ". Hoặc một câu nữa: "Cái vỉa hè như áo cài khuy/ Hố phòng không sũng nước…"

Ở trong sâu thẳm của Đào Trọng Khánh, nền móng chữ của Khánh là "tính không", là hư vô, chân không, chân không diệu hữu, cái không nhưng lại có và đầy ắp, là cái "có không, không có" của Phật giáo. Cho dù hơn 500 trang trong cuốn sách này, Đào Trọng Khánh không hề nhắc đến Bát Nhã, Kim Cương, nhưng tư tưởng nhà Phật mà ông yêu thích đã tan chảy trong ông cho nên Đào Trọng Khánh đã đi qua sự "nhìn - thấy" để đến "nhìn - không nhìn", "nhìn - không". Chỉ khi "nhìn - không" thì trạng thái thi nhân mới xuất hiện để tưởng tượng, hồi tưởng, liên tưởng, để "bịa", để vô lý, "vô nghĩa" lên ngôi. "Nhìn - không" chính là thi ca, là con mắt của thơ. Đào Trọng Khánh dù làm văn, làm báo, làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân.

Xưa tôi trôi như một cánh buồm

Giờ tôi đã thành bến cũ

Xưa giăng lưới theo đàn cá lạ

 Nay cá đã phơi rồi, lưới rách lua tua

Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô

Ta sẽ thả các người xuống nước

Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất

Nơi đáy sâu im lặng đời đời"

(Trích "Bên bờ Tam Bạc – Tự ước một mình", thơ Đào Trọng Khánh).

"Đào Trọng Khánh dù làm văn, làm báo, làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân" - họa sĩ Lê Thiết Cương.

Tang lễ NSND Đào Trọng Khánh

NSND Đào Trọng Khánh qua đời ngày 20/9 tại Hải Phòng sau một thời gian lâm bệnh, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng được tổ chức vào 14h30 ngày 22/9, tại Nhà tang lễ Viện Y học Hải quân (TP Hải Phòng). Lễ truy điệu và đưa tiễn diễn ra chiều 23/9.

Lê Thiết Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm