Asian Cup 2015: Australia và cái dớp lịch sử

22/01/2015 14:47 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - 5 giải đấu, và hơn hai thập kỷ trôi qua kể từ lần gần nhất một đội chủ nhà Asian Cup bước lên ngôi vô địch (Nhật Bản 1992). Năm nay, đội tuyển Australia có nhiệm vụ phải phá đi cái dớp lịch sử ấy.

Các cầu thủ Australia dĩ nhiên không thích thống kê này. Họ đang là đương kim á quân, và hy vọng sân nhà sẽ mang đến lợi thế đáng kể cho chiến dịch chinh phục chức vô địch Asian Cup 2015. Nhưng việc chỉ đứng thứ nhì bảng A, sau thất bại 0-1 trước Hàn Quốc mới đây, khiến thầy trò HLV Postecoglou không khỏi âu lo.

Nỗi buồn chủ nhà

Các đội chủ nhà Asian Cup từng rất có duyên với chức vô địch. Trong 7 kỳ đầu  tiên, có tới 5 lần chiếc cúp vô địch thuộc về chủ nhà. Chỉ có hai chủ nhà vốn yếu hơn hẳn là Hồng Kông (1956) và Thái Lan (1972) là phải về thứ ba. Ở giai đoạn ấy, Iran là một quyền lực thực sự với 3 chức vô địch liên tiếp (2 trên sân nhà).

Các đội chủ nhà tại Asian Cup 1960, 1964, 1968 và 1976 đều toàn thắng tất cả các trận và tất nhiên kết thúc giải với chức vô địch. Nhưng kể từ năm 1980, tỷ lệ thắng của họ giảm dần. VCK năm 1984, chủ nhà Singapore thậm chí chỉ thắng 1/4 trận và bị loại từ vòng bảng. Nhưng tệ nhất phải kể đến Malaysia, đồng chủ nhà của Asian Cup 2007 khi họ thua cả 3 trận với hiệu số bàn thắng bại là… 1-12. Lý do nào khiến thành tích của các đội chủ nhà ngày càng kém cỏi?

Thứ nhất, giải đấu ngày càng phát triển về quy mô. Giải đầu tiên năm 1956 chỉ có 4 đội là Israel, Việt Nam, Hàn Quốc và chủ nhà Hồng Kông. Đến năm 1980, con số này được nâng lên 8 (có lúc là 10), và đến năm 1996 là 16 đội.

Thứ hai, sự góp mặt của Nhật Bản. Mãi đến năm 1988, đội bóng này mới dự VCK, nhưng 4 năm sau đã vô địch với tư cách chủ nhà, và thống trị châu lục từ đó đến nay với 4 chức vô địch trong 6 giải đấu. Sau khi đánh bại Australia ở Qatar 4 năm trước, Nhật đã vượt qua Iran và Saudi Arabia để trở thành kỷ lục gia của Asian Cup.

Nguyên nhân thứ ba, và quan trọng nhất: Trong suốt hai thập kỷ qua, các chủ nhà Asian Cup đều thuộc hàng trung và kém của châu Á và lợi thế chủ nhà là không đủ để họ “hóa rồng”. Giải đấu năm 2007 là một minh chứng khi chỉ có mỗi Việt Nam lọt vào tứ kết (và thực tế, đội bóng của ông Riedl chỉ thắng được đúng 1 trận).

Australia liệu có thể phá dớp?

Australia tham dự Asian Cup 2015 với vị trí thứ 100 thế giới và thứ 10 châu Á, song rõ ràng, xét về thực lực, họ xứng đáng nằm trong top đầu châu lục. Việc giành quyền dự VCK World Cup 3 kỳ liên tiếp là một minh chứng. Bên cạnh đó, họ còn có dàn cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu như Matthew Ryan (Club Brugge), Robbie Kruse (Bayer Leverkusen), Mile Jedinak (Crystal Palace), Massimo Luongo (Swindon Town), Jason Davidson (West Brom), và kinh nghiệm của lão tướng Cahill (New York Red Bull).

Nhưng năng lực của một ứng viên chỉ có thể được thử thách ở những trận cầu lớn, và về khía cạnh này thì Australia đang gây thất vọng. Sau hai chiến thắng đậm đà trước Kuwait và Oman, vốn kém về đẳng cấp, họ đã trải qua 90 phút đầy bế tắc trước Hàn Quốc. Trận thua 0-1 ấy đã chỉ ra nhiều vấn đề của Australia, đặc biệt là khâu dứt điểm. Họ đang là đội ghi nhiều bàn thắng nhất, với 8 bàn thắng, nhưng nó được chia đều cho… 8 cầu thủ khác nhau. Và đến giờ này, không ai rõ sức mạnh thực sự của đội chủ nhà nằm ở vị trí nào.

Chiều nay sẽ là một bài test nữa với thầy trò ông Postecoglou, Trung Quốc!

0 Sau 24 trận đấu ở vòng bảng, Asian Cup 2015 không chứng kiến một trận hòa nào cả.

5 Trong 5 VCK gần nhất, không có một đội chủ nhà nào của Asian Cup bước lên ngôi vô địch cả.

8 Australia đang là đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất sau vòng bảng với 8 bàn thắng được chia đều cho 8 cầu thủ.


Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm