Có một Văn Cao bình dị mà lớn lao

10/11/2023 08:02 GMT+7 | Văn hoá

"Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời".

Đó là nhận định của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tại hội thảo khoa học Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao được tổ chức vào sáng 8/11 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023).

"Văn Cao là trời cho"

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, bằng tài năng như là thiên bẩm, bằng sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn nghệ nước nhà ở cả 3 lĩnh vực - âm nhạc, thơ và hội hoạ.

Có một Văn Cao bình dị mà lớn lao - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng gác 2 – số 108 Yết Kiêu ngày 7/8/1993. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cụ thể, trước năm 1945, trong lĩnh vực âm nhạc, năm 16 tuổi, Văn Cao viết Buồn tàn thu, rồi các ca khúc lãng mạn, trữ tình như Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi, Thu cô liêu, Cung đàn xưa… Trong thơ, năm 17 tuổi, ông viết Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, rồi Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc…. Ông viết thơ, viết văn đăng ở Tiểu thuyết thứ Bảy.

Về hội họa, năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 20 tuổi ông đã có các bức tranh gây chú ý như Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, nhất là bức tranh Cuộc khiêu vũ của những người tự tử… Những bản nhạc của Văn Cao như Buồn tàn thu, Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi, v.v... được in ra đều do ông trình bày bìa và đi rất gần với trường phái lập thể.

Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, bằng bài hát lừng danh Tiến quân ca

Có một Văn Cao bình dị mà lớn lao - Ảnh 2.

Họa sĩ Nghiêm Thành (trái) và nhạc sĩ Văn Thao, đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao nhận tranh tặng từ Ban tổ chức

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, chỉ cần lấy ngẫu nhiên các tác phẩm âm nhạc như Thiên thai, Trương Chi, Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Mùa xuân đầu tiên… đã thấy đó là những bảo chứng cho dấu ấn khai phá, mở lối, vượt lên chính mình, đặt nền móng rất quan trọng cho sự phát triển của nền tân nhạc và thơ ca Việt Nam, từ lãng mạn đến cách mạng - kháng chiến cho đến thời khắc rất sớm của thời kỳ đổi mới; của ca khúc, hành khúc và trường ca của nhạc, của thơ.

"Nhận định về sự nghiệp văn nghệ quý giá của Văn Cao, nhiều người ca ngợi ông là nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những "miền" nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả 3 "miền" ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho những người đến sau" - ông Kỷ nói - "Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc và thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Cụ thể và hiển nhiên nhất là thể loại tình ca, hùng ca, trường ca trong âm nhạc và trường ca trong thơ Việt Nam hiện đại".

Có một Văn Cao bình dị mà lớn lao - Ảnh 3.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha gọi: "Văn Cao là trời cho". Theo ông Kha, bản năng "trời cho" của Văn Cao đã gặp âm nhạc, thi ca và hội họa để cùng thăng hoa trong cùng một "thế hệ chín sớm" những năm 30 của thế kỷ XX.

"Người ta sẽ còn mãi mãi lạ lùng, không thể lý giải vì sao mới 16 tuổi đời, hình như trong mùa thu thương nhớ nhà tiểu thuyết tài danh yểu mệnh Vũ Trọng Phụng (1912-1939), Văn Cao đã cất cao một giai điệu đầu sự nghiệp tràn ngập âm hưởng ca trù mang tên Buồn tàn thu. Còn ngạc nhiên hơn khi 18 tuổi, Văn Cao đã bay lên Thiên thai cùng thể loại âm nhạc trường ca khiến cho tân nhạc thuở bình minh làm ta xao xuyến mãi đến tận bây giờ" - ông Kha chia sẻ - "28 năm sau ngày mất và 100 ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian vô thủy, vô chung. Nhưng thời gian không những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình".

Đời thường, Văn Cao là người sống thực tế, giản dị nhưng tác phẩm nghệ thuật của ông lại lãng mạn, bay bổng, có lúc bùng nổ khai phá, mở đường…

"Là người cha vĩ đại"

Hội thảo khoa học Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao không chỉ có những đánh giá xác đáng về những cống hiến, những giá trị và những di sản văn nghệ lớn lao mà Văn Cao để lại. Đặc biệt hơn, những ký ức sống động về cuộc đời, về những sáng tạo phi thường của Văn Cao trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc cũng được khơi gợi lại.

Đó là một hình ảnh Văn Cao mới bình dị, đời thường làm sao trong những ký ức không phai của người con trai thứ - họa sĩ Nghiêm Thành. "Hòa bình lập lại (1954-1955), qua mấy cuộc dọn nhà, cuối cùng hai vợ chồng ông cũng thuê được căn gác ở phố Yết Kiêu, gần 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, nơi ông sáng tác bài hát Tiến quân ca (1944). Cả gia đình 7 nhân khẩu (2 vợ chồng và 5 người con) sống chật chội trong căn hộ 50m2, có 3 phòng nhỏ. Lương công chức của 2 vợ chồng không đủ sống, thương vợ con, Văn Cao nhận thêm việc vẽ bìa sách, minh họa cho các báo giấy, viết nhạc phim, kịch, làm trang trí sân khấu...  kiếm tiền thêm nuôi vợ con" - họa sĩ Nghiêm Thành kể.

Có một Văn Cao bình dị mà lớn lao - Ảnh 5.

Toàn cảnh hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao”

"Phòng ngoài cùng nhà ông được sử dụng làm phòng khách, thỉnh thoảng ông vẽ những bức tranh sơn dầu khổ lớn. Ở đó cũng là nơi trải mấy cái chiếu ra làm chỗ mở tiệc những hôm mời cơm thết khách. Căn phòng trong cùng là phòng ngủ của hai vợ chồng, những khi Văn Cao vẽ bìa sách, minh họa, ông đặt nằm cái ghế gỗ lên giường và kê lên tấm bảng gỗ thành cái bàn làm việc. Hình ảnh ông ngồi xổm còng cái lưng gầy, lúi húi mải miết vẽ luôn hằn trong ký ức tôi".

Con trai tác giả Quốc ca cho biết thêm, Văn Cao dạy con nghiêm khắc theo kiểu cũ, vẫn đòn roi bình thường mỗi khi con hư. Ông hay đánh trật ra giường dọa cho con cái sợ chết khiếp. Khi những đứa con lớn lên học đến cấp 2, ông không đánh nữa mà chỉ khuyên nhủ, răn dạy.

Có một Văn Cao bình dị mà lớn lao - Ảnh 6.

Một số tác phẩm tranh minh họa trên báo của Văn Cao

"Những năm chiến tranh chống Mỹ, cả gia đình tôi đi sơ tán, Văn Cao trụ lại ở Hà Nội và thỉnh thoảng ông lóc cóc đạp xe mấy chục cây số lên chỗ sơ tán thăm vợ con, lúc thì đưa đón con về thăm nhà. Tôi nhớ có lần ông gửi tôi trọ ở nhà một người bạn, nhờ nuôi dạy cho tôi ăn học, tôi không chịu, ông khuyên: "Gia đình ta bảy người sơ tán năm nơi, cha phải lo tiền chi trả, để thì nhiều chia thì ít, hoàn cảnh giờ rất khó khăn…". Rồi ông cho tôi một đồng. Tôi thương ông, không nhận và chấp thuận ở lại nơi đó" - họa sĩ Nghiêm Thành nhớ lại.

Văn Cao dạy con sống tự lập, ông kể câu chuyện chim mẹ dạy chim con tập bay: "Khi chim con ra ràng đã đủ lông đủ cánh, chim mẹ hất chim con từ trên cao xuống vực, chim con phải đập cánh bay. Và rồi từ đó sẽ rời xa mẹ tự kiếm sống".

Đối với họa sĩ Nghiêm Thành, nhạc sĩ Văn Cao là người cha vĩ đại. Ông bình dị mà lớn lao. Với vóc người nhỏ bé nhưng ông rất bản lĩnh, kiên trung đi theo lý tưởng cách mạng và kiên trì con đường nghệ thuật mà ông lựa chọn. Đời thường ông là người sống thực tế, giản dị nhưng tác phẩm nghệ thuật của ông lại lãng mạn, bay bổng, có lúc bùng nổ khai phá, mở đường. Đối với nghệ thuật, ông như một vận động viên chạy vượt rào, thử sức hết chặng đua này đến chặng đua khác mà không biết mệt mỏi. Thời gian ông dành cho gia đình ít ỏi vừa đủ, còn phần nhiều ông dồn hết thời gian, sức lực cống hiến cho xã hội. Những tác phẩm của Văn Cao đã đi vào lòng công chúng và mãi vượt thời gian.

Văn Cao còn có "tài nấu bếp"

"Hoạt động nghệ thuật nhiều lĩnh vực giúp cho Văn Cao có rất đông bạn bè các giới. Tính ông rộng rãi, ít nói, chịu khó lắng nghe, được nhiều người yêu mến. Những dịp giỗ tết, sinh nhật hay nhân sự kiện gì đó, Văn Cao hay mời bạn bè đến ăn uống, những lúc đó ông thường vào bếp, tự tay nấu nướng. Khi được mời ăn ở đâu, có món gì ưng ý, ông cũng học hỏi rồi về nhà sai con đi mua nguyên liệu để ông tự mày mò nấu nướng cho gia đình" - họa sĩ Nghiêm Thành, con trai thứ nhạc sĩ Văn Cao, cho biết.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm