Real Madrid nợ chồng chất: Hãy nhìn gương Man United

23/11/2014 20:53 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Real Madrid tiếp tục công bố khoản nợ khổng lồ nhưng vẫn nằm trong Top những CLB chi nhiều nhất cho mua sắm cầu thủ. Phải chăng số nợ đang gánh không thực sự là vấn đề đối với đội bóng “Hoàng gia”?

“Năm thứ 10 liên tiếp, Real Madrid là đội bóng có doanh thu cao nhất trong làng túc cầu thế giới. Và năm thứ ba liên tiếp, Forbes coi chúng ta là CLB thể thao có giá trị nhất”, Chủ tịch Florentino Perez tự hào tuyên bố trong ngày công khai bảng kê tài chính của năm tài khóa 2013-14 hồi tháng 9.

Real tiếp tục... mất tiền

Tuy nhiên, điều mà ông Perez không đề cập đến chính là khoản nợ 602 triệu euro, tăng 61 triệu euro so với năm trước của Real. Khoản vay tăng thêm 41 triệu bảng, lên đến 283 triệu euro; trong khi khoản nợ tài chính là 459 triệu euro, cao hơn con số 396 triệu euro 12 tháng trước đó. Chi phí phải trả và một số khoản chi tiêu khác tiếp tục ăn sâu vào khoản nợ 541 triệu ở năm tài khóa 2012-13. Có nghĩa, Real vẫn tiếp tục mất tiền.

Ông Perez thường xuyên tuyên bố rằng thực tế số nợ của Real thấp hơn nhiều, chỉ có 100 triệu euro nợ ngân hàng. Nhưng thực tế, chủ nợ của Real không chỉ có các ngân hàng mà còn quỹ tín dụng trực thuộc chính phủ Tây Ban Nha và một số đoàn thể khác... Điều này khiến CĐV của Real không khỏi lo lắng. “Chúng tôi sợ rằng CLB sẽ không đáp ứng được những cam kết và không thanh toán được những khoản nợ phải trả trong tương lai”, Carlos Mendoza- Chủ tịch của Valores del Madridismo, nhóm CĐV hoạt động với mục đích bảo tồn những giá trị của Real Madrid - cho biết.

Bức bách nhất vẫn là khoản nợ ngắn hạn. Trong số 602 triệu euro, 361 triệu euro là khoản nợ trong 12 tháng tới. Số tiền trên bằng tổng chi phí chuyển nhượng của Gareth Bale, Cristiano Ronaldo, James Rodriguez, Karim Benzema và Toni Kroos. Real không cần phải bán đi cả 5 ngôi sao để đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ. Nhưng họ cần phải xác định rõ rằng không thể tiếp tục chi vượt mức như thời gian qua.

Nợ nhiều vì giàu có

Về khoản nợ dài hạn, Real giống như đem danh tiếng đi cầm cố. “Khi họ đưa cho bạn tiền bạc, bạn phải để lại đồ gì đó để thế chấp. Trong trường hợp của Real, nếu CLB không đủ khả năng chi trả, các ngân hàng sẽ lấy % thu nhập từ doanh thu quảng cáo và bán vé mỗi mùa của họ. Rõ ràng các ngân hàng cần sự đảm bảo từ Real vì giờ họ không còn tin tưởng vào tình hình của CLB. Trong những trường hợp bình thường, ngân hàng sẽ không yêu cầu như vậy”, Mendoza chia sẻ với AS.

Khoản nợ khổng lồ được rót cho Real một phần bởi danh tiếng tuyệt vời của đội bóng trong làng thể thao, sức mạnh thương hiệu, đội ngũ các ngôi sao, các bản hợp đồng tài trợ... Ngoài ra, Real còn sở hữu bất động sản rộng lớn ở trung tâm thủ đô Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nhà kinh tế học hàng đầu Tây Ban Nha Jose Maria Gay de Liebana lo ngại rằng vào một thời điểm nào đó, Real có thể bị vỡ nợ nếu như không kiểm soát tài chính ngay từ bây giờ.

Theo ông Jose Maria, Real có quá nhiều nợ vì các khoản đầu tư. Họ chi tiền đầu tư cho sân Bernabeu, sân tập và đội ngũ các ngôi sao. Chiến lược xây dựng “Dải ngân hà” của ông Perez vẫn đang hoạt động, dựa vào các ngôi sao ngoại, thay vì thâu nạp nhân tài từ lò đào tạo trẻ Castilla.

Real chưa gặp rắc rối vào thời điểm này nhưng cần nhìn Man United để tránh sai lầm. Việc không được dự Champions League mùa này đã tổn hại lớn đến ngân sách của đội chủ sân Old Trafford. Nếu việc này xảy ra trong hai, hay ba năm liên tiếp, dù là CLB nào cũng có thể bị tổn thương. Real cũng vậy, cần phải đề phòng những biến cố.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm