'Kinh điển Châu Âu': Real Madrid trong nỗi ám ảnh Guardiola

20/04/2014 21:13 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Một bên là Guardiola. Một bên là Real Madrid. Thực sự thì chỉ có một từ để mô tả cuộc đối đầu này. Nhưng trong trường hợp đặc biệt này, có đến 3 từ. Ngay sau khi lá thăm Champions League đưa Real đối đầu Bayern Munich ở bán kết, tờ Marca bình luận: “Trận kinh điển của Châu Âu đã trở lại”.

Đó là trận đấu thứ 11 ở cúp Châu Âu/Champions League Bayern và Real gặp nhau trong 37 năm và sẽ là trận bán kết cúp cúp C1/Champions League thứ 6 giữa họ. Kết quả của những trận đấu kiểu này thường mở ra những kỷ nguyên cho các đội bóng. Sự xuất hiện của Guardiola nhưng không phải đi kèm với Barcelona làm tăng thêm gia vị cho một cuộc chiến vốn đã quá tàn khốc trong quá khứ. Đã có quá nhiều duyên nợ giữa Real và Bayern trong lịch sử.

Bayern hài lòng với lá thăm họ nhận được. Real được nhiều người coi là đối thủ xứng tầm nhất của Munich trước khi Luis Figo lấy quả cầu thủy tinh lên và công bố kết quả bốc thăm. Cảm giác thích thú lan tỏa khi Munich biết Madrid sẽ là đối thủ của họ ở bán kết Champions League. Thomas Mueller thậm chí còn được hỏi là liệu Madrid có phải là lá thăm trong mơ của Munich hay không? Tuyển thủ Đức tìm cách nhìn nhận vấn đề theo cách khác (tôi có cảm giác không phải như vậy) nhưng cảm giác lạc quan của các CĐV Munich là rất rõ ràng.



Guardiola đã nhiều lần chiến thắng Real Madrid khi còn dẫn dắt Barca

Thất bại 0-2 của Madrid trước Dortmund trong trận tứ kết lượt về Champions League phù hợp với quan điểm cho rằng lối chơi tấn công của đội bóng Tây Ban Nha hợp với Munich hơn so với lối đá chú trọng phòng ngự của Chelsea và Atletico Madrid. Tờ “Tấm gương” của Đức bình luận: “Madrid giống như một võ sỹ hạng nhẹ và một kẻ ngoài cuộc”.

Sự tiến bộ của Bayern từ sau lần đối đầu gần nhất với Madrid (cũng ở bán kết Champions League 2012) góp phần cắt nghĩa vì sao các nhà ĐKVĐ lại tự tin trước cuộc đấu này. Hồi 2012, họ đánh bại Madrid bằng đá penalty nhưng sau đó để thua Chelsea ở chung kết cũng bằng đá penalty. Mùa sau đó họ giành cú ăn ba ấn tượng và lại đang trên đường lặp lại thành tích ấy ở mùa giải này. Madrid cũng có cơ hội ấy. Thành tích xuất sắc của Guardiola trong các cuộc đối đầu với Madrid (thắng 9, hòa 4 lần trong 15 trận kinh điển) đương nhiên được coi là lợi thế cho Munich nhưng quan trọng hơn kết quả có lẽ là cách Guardiola dẫn dắt đội bóng của ông đạt được thành tựu này.

Chiến thắng 6-2 của Barca trước Madrid năm 2009  là cột mốc đánh đấu sự thống trị của Barca và đưa Guardiola vươn tới tầm vóc của một HLV hàng đầu.  Người ta nói Pep đã dành nhiều giờ nghiên cứu băng ghi hình các trận đấu của Madrid và tìm ra một lỗ hổng phía trước hàng phòng ngự 4 người của họ. Messi khi đó được bố trí chơi như một “số 9 ảo”. Và trong đêm ấy, có 2 siêu sao đã được sinh ra.

Phong cách chiến thắng của Pep ở Munich có thể không phải lúc nào cũng đẹp mắt nhưng việc chú trọng đến từng chi tiết đã giúp ông tìm ra công thức chiến thắng trong từng trận đấu mà Bayern cần phải thắng ở mùa giải này. Sở trường của Pep là khai thác những điểm yếu ở hàng phòng ngự đối phương. Madrid, qua 2 trận gặp Dortmund, đã bộc lộ một vài điểm yếu.



Bayern là thách thức khổng lồ với Real Madrid

Với một đội hình có chất lượng cao lại được dẫn dắt bởi một HLV rất được thèm muốn từ mùa Hè 2013 nên Munich đã thoát khỏi phức cảm tự ti đã đeo bám họ trong các cuộc đối đầu với Madrid đầy siêu sao của Florentino Perez đầu những năm 2000. Khi Madrid mua Beckham hồi 2003, ông Uli Hoeness đã mô tả họ là một gánh xiếc, một nhà hát của những con khỉ, không phải là một CLB bóng đá.

Đội Munich ngày ấy không dùng các siêu sao mà sử dụng một nhóm các cầu thủ thật thà. Những cầu thủ này chơi trong một CLB thặt chặt về tài chính. Bayern ngày ấy bù đắp cho sự thiếu vắng những siêu sao bằng thứ bóng đá tận tụy, dựa trên khả năng phòng ngự chắc chắn và phản công sắc bén. Người ta có thể cảm nhận rõ ràng sự trái ngược trong văn hóa bóng đá của Munich với Real ngày ấy nhưng việc đội bóng Đức gia tăng các vụ mua sắm cầu thủ sau khi chuyển tới Allianz Arena đã đi ngược lại với chính phong cách truyền thống của họ.

Trong khi Uli Hoeness hài lòng với việc quy tụ những tài năng bản địa xuất sắc nhất cho Munich thì Madrid đã mua tất cả các ngôi sao quốc tế. Họ đã và vẫn đang là Bayern của Châu Âu. Những thành tích Munich giành được đã xóa nhòa sự chênh lệch về đẳng cấp cá nhân cầu thủ giữa hai đội, nhất là khi đội bóng Đức chơi trên sân nhà. Madrid chỉ giành được một trận hòa trong 10 chuyến làm khách ở Allianz Arena. Đấy là lí do để Munich tự hào.

Javier Martinez nói rằng các đồng đội của anh ở tuyển Tây Ban Nha không muốn đối đầu với Munich. Sân Bernabeu vẫn chưa bán hết vé 5 ngày trước trận bán kết lượt đi trong khi ở Đức, Bayern đã ngừng nhận đặt mua 25.000 vé khi số người đặt mua vé đã lên tới 290.000 vào ngày 6/4/2014.

Huyền thoại Paul Breiner tuyên bố Bayern sẽ vào chung kết nếu họ chơi với phong độ bình thường. Nhưng bây giờ chữ “nếu” đã trở thành khái niệm bắt buộc. Guardiola thật thà tuyên bố Bundesliga đã kết thúc với Bayern khiến nhà vô địch tháng 3 đánh mất sự tập trung và tính nhịp điệu. GĐTT Matthias Sammer khẳng định: “Bayern cần phải ra khỏi vùng an toàn”.

Guardiola đã cố gắng làm giảm bớt sự kỳ vọng sau khi ông nhấn mạnh tham vọng vượt qua thành tích của Jupp Heynckes (chúng tôi phải giành 5 danh hiệu mùa này). Vấn đề là dù Madrid có thể dễ bị tổn thương hơn ở hàng thủ nhưng họ cũng có điều kiện lý tưởng để làm hàng phòng ngự Munich tổn thương. Pep cảnh báo bằng thứ tiếng Đức hoàn hảo của ông tuần trước: “Cùng với Dortmund, họ là một trong những đội bóng phản công hay nhất thế giới. Nếu không kiểm soát được Bale, Ronaldo, chúng tôi sẽ phải trả giá”.

HT

Theo Guardian

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm