Băng đội trưởng Tam sư: Parker đáng được trao cơ hội

02/03/2012 13:01 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Chẳng ai bất ngờ khi Anh gục ngã trước Hà Lan, đội bóng đang là đương kim á quân thế giới. Và vì thế, nếu như tân đội trưởng Scott Parker chưa thể hiện được phẩm chất của một thủ lĩnh ở ĐTQG thì cũng là điều không có gì quá thất vọng.



Scott Parker - Ảnh Getty

12 tháng trước, Parker chỉ là một cầu thủ dự bị ở Tam sư và đang vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng cùng West Ham. Giờ đây, anh đang bay cao cùng Tottenham và mang băng đội trưởng Tam sư. Chừng ấy đủ minh chứng cho bước ngoặt cực lớn trong sự nghiệp của tiền vệ 31 tuổi này. Đặc biệt, Parker chỉ được biết mình sẽ mang băng thủ quân vài tiếng trước khi trận đấu diễn ra. Đó là một bất ngờ thực sự, bởi ai cũng nghĩ rằng Steven Gerrard mới là lựa chọn số một.

Thật vậy, nếu Stuart Pearce muốn dành tấm băng đội trưởng cho một cầu thủ đã quen với việc thu thập các danh hiệu thì Parker hoàn toàn không có cửa. Trong suốt 15 năm sự nghiệp, anh mới chỉ vô địch giải hạng Nhất cùng Charlton Athletic (1999-2000) và chiếc cúp Intertoto khá vô nghĩa cùng Newcastle. Đó hoàn toàn không phải nền tảng cho một tuyển thủ quốc gia, chứ đừng nói băng thủ quân. Trái lại, Gerrard đã có đủ các danh hiệu cúp châu Âu và nội địa cùng Liverpool, đội bóng mà anh đã mang băng đội trưởng từ năm 2003. Nói cách khác, Gerrard gắn bó với môi trường đỉnh cao nhiều hơn Parker, người rất lận đận trong màu áo CLB.

Nhưng Pearce đã chọn Parker, và nếu như HLV Tam sư sắp tới là Redknapp thì khả năng ấy càng cao bởi ông quá hiểu những phẩm chất của cậu học trò. Parker là mẫu cầu thủ tận tụy, đóng góp lớn về chuyên môn, và khỏe mạnh hơn hẳn Terry, Rio Ferdinand và Gerrard, người vừa dính chấn thương gân khoeo ở trận vừa rồi. Vả lại, chính Gerrard cũng từng bị ám ảnh khá nhiều với tấm băng đội trưởng. Khi anh đeo nó, Tam sư thua Nga và Croatia dẫn đến việc mất vé dự VCK EURO 2008. Hai năm sau, VCK World Cup 2010 là một thảm họa.

Nhiều người sẽ hỏi Parker ở đâu khi Arjen Robben dốc bóng từ giữa sân trước khi dứt điểm tung lưới thủ thành Joe Hart. Đó là tình huống duy nhất mà anh mất vị trí và không kịp chạy về. Còn lại, Parker hầu như có mặt tại các điểm nóng, tranh chấp nhiệt tình và vô hiệu hóa không ít chân sút đội khách. Ngay từ phút thứ 3, với pha chạm bóng đầu tiên, anh đã đoạt bóng trong chân van Persie, ngay trước khi tiền đạo này chuẩn bị tung một đường chuyền vào khe hở nơi hàng thủ Tam sư. 10 phút sau, cũng chính anh đã lăn xả để cản một cú sút ở đầu vạch 16m50 của Sneijder. Giữa hiệp một, khi van Persie đi bóng chéo vào khu vực 16m50 và định dứt điểm thì bất thần Parker xuất hiện với một cú tắc đúng lúc và hợp lệ.

Parker không hò hét và tạo tầm ảnh hưởng lớn như Terry hay Rio Ferdinand, nhưng khó có thể đòi hỏi nhiều hơn ở một cầu thủ "chín muộn", và trầm tính như anh. Nên nhớ rằng 4 lần khoác áo Tam sư đầu tiên diễn ra trong giai đoạn anh chơi cho 4 CLB khác nhau. Và trong thời gian Parker đá 11 trận cho ĐTQG, FA đã thay tướng đến 4 lần). Thật khó để anh ngay lập tức chỉ huy những gương mặt gạo cội khác như Gerrard hay người đá cặp trung tâm với mình là Barry. Nhưng ngọn lửa từ tinh thần chiến đấu của anh thì thực sự đáng quý và việc ĐT Anh ghi 2 bàn sau khi bị dẫn 2-0 là một minh chứng. Đáng tiếc, Robben là một sự khác biệt giữa Anh và Hà Lan trong buổi tối ở Wembley vừa qua.

Tuấn Cương


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm