Ca sĩ Tùng Dương: Nghệ sĩ đích thực không thể… ranh mãnh

25/04/2014 09:03 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến


(Thethaovanhoa.vn) - Mùa Cống hiến 2014, Tùng Dương lại xác lập kỷ lục mới với 2 giải thưởng (Ca sĩ của năm, Chương trình của năm). Không ai ngạc nhiên với kết quả “hoành tráng” này, vì dự án Độc đạo của Tùng Dương và nhạc sĩ Nguyên Lê là một bước tiến khác.

Độc đạo mở một cánh cửa mới không chỉ cho riêng Tùng Dương mà cả hoạt động âm nhạc đại chúng - đó là ví dụ thuyết phục về việc tạo tác sức sống tiếp diễn trong đương đại cho truyền thống. Việc những nghệ sĩ đang thực sự cống hiến như Tùng Dương hay Đỗ Bảo… được tôn vinh, giúp chúng ta nuôi giữ niềm tin về những điều tử tế và quý giá sẽ còn được truyền nối trong đời sống âm nhạc.

* Một lúc tĩnh lặng nào đó, ngồi nhìn lại con đường âm nhạc mình đã đi, anh có bao giờ tự thấy kinh ngạc với những gì mình đã làm được?

- Nhìn lại tôi thường thấy rõ hơn những thay đổi của chính mình, nhưng không có sự kinh ngạc nào với bản thân. Cứ như con đường mình đi tất nhiên phải là như vậy! Nếu theo dõi âm nhạc của tôi, chị sẽ thấy thể nghiệm này luôn là mấu chốt châm ngòi cho thể nghiệm tiếp theo.


Tùng Dương trong live concert Độc đạo tại Hà Nội

* Chỉ cần có 1 dự án mới của Tùng Dương, là công chúng và truyền thông sẽ tin tưởng và chờ đợi. Giờ đây, dường như đang là “thời của Tùng Dương” khi với anh tất cả đều thuận lợi và may mắn?

- Thế mạnh của mình trong mắt người khác, có khi lại là khó khăn của chính mình- và chỉ chúng ta mới biết rõ nhất về “gót chân Achilles” của bản thân. Tất cả những gì nằm ngoài âm nhạc, tôi tự thấy mình rất ngu ngơ. Chỉ có âm nhạc là con đường xác lập rõ ràng, tôi muốn mình cố gắng “tinh chất” trong lĩnh vực hẹp ấy, để có thể toàn tâm toàn sức mà quyết liệt.

Tôi có cơ chế luôn tự thanh lọc chính mình, bởi tôi luôn cần cảm giác bước vào một khởi đầu. Tôi cũng chấp nhận sẽ đến lúc mình cạn, và điều còn lại để mọi người thương yêu sẽ là tâm hồn trong sáng và thơ ngây của người nghệ sĩ chứ không phải một sự nghiệp lẫy lừng.

* Người trong sáng và ngây thơ nhiều lắm, nhưng phẩm cách nghệ sĩ thì luôn là sứ mệnh được lựa chọn cho rất ít cá nhân. Chẳng lẽ anh không ao ước về những điều kỳ vĩ cho bản thân mình sao?

- Có chứ! Đam mê và thách thức không tưởng, sự kiêu hãnh về tồn tại duy nhất và khác biệt của mình… những điều ấy luôn thúc tôi lao về phía trước. Ai cũng phải có một điều thiêng liêng để neo giữ mình, và với tôi còn để mình không thỏa hiệp. Tôi cứ nghĩ, nghệ sĩ đích thực không thể ranh mãnh được. Họ là một cá thể đầy xáo trộn, một người điên, một kẻ tự kỷ. Đời sống của họ luôn chất chứa và đau đớn bởi những đấu tranh nội tâm, giữa sự mơ hồ và minh triết. Tôi khôn khôn dại dại, nhưng luôn sẵn sàng hy sinh và chịu thiệt thòi về mình, và đây chính là điều chân thật của tôi, để tôi không bị “lạc mình” trong môi trường showbiz này.

* Nhưng tôi lại thấy anh tham lam khi muốn có được tất cả, vừa “Tình ca” vừa “Độc đạo”. Anh có dám “phụ tình” 80% khán giả yêu Tùng Dương vì nhạc xưa, để lấy 20% công chúng chỉ yêu Tùng Dương quyết liệt thể nghiệm?

- Tôi cực đoan theo cách mở rộng và mềm mỏng. Tôi tham lam chứ, tôi cần những con đường và những cách uyển chuyển để chạm được đích đến, mà không bị đánh mất mình.  Tôi tin rằng mình có thể tạo ra các giá trị mới cao hơn, đó là cách tôi rủ rê công chúng dám theo tôi đến cùng con đường Độc đạo.

* Nhạc sĩ Nguyên Lê - người đứng ngoài khung cảnh âm nhạc Việt Nam, nhiều năm nay đã có tác động tích cực đến chính những người làm nghề trong nước, khi từ tiếp xúc với ông, họ nhận ra giá trị của truyền thống. Anh nói gì về điều này?

- Tôi nghĩ Nguyên Lê không phải là người thức tỉnh, mà là người truyền cảm hứng. Cái mới luôn được khơi nguồn từ truyền thống và các giá trị kinh điển. Thường chúng ta không trân trọng những gì mình đang có, đang sống trong chính nó. Chỉ cho đến khi có một va chạm để bừng tỉnh, chúng ta sẽ có nhu cầu làm mới  “câu chuyện hàng ngày” ấy. Nguyên Lê hơn cả một nghệ sĩ, khi âm nhạc của ông mang thông điệp tư tưởng. Với Nguyên Lê, dân gian hay đương đại chỉ là phương thức, quan trọng là âm nhạc phải ẩn chứa điều gì, đích cuối cùng có tạo ra những giá trị mới cho âm nhạc hay không?

* Anh sẽ theo “Độc Đạo” bao nhiêu lâu nữa?

- Sẽ là mãi mãi. Hai từ “độc đạo” không phải là tên gọi của một dự án âm nhạc, đó là ẩn dụ về lối đi mà cá nhân tôi lựa chọn: Con đường trung thực và thành khẩn với tâm hồn mình.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Chương trình Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 9 - 2014 do Báo TT&VH tổ chức, với sự đồng hành sản xuất của VTV6; sự hợp tác của Công ty DS và với sự tài trợ của các đơn vị: Tổng Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Vàng), Công ty TNHH MTV Nước Uống Collagen Việt Nam (Bạc), Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (Bạc), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF (Bạc) và thương hiệu Caviar de Đuc (Bạc).

Quỳnh Tun (thực hiện)  
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm