V-League phải 'ghen tị' với giải phong trào

07/09/2015 05:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 2500 người hâm mộ đã kéo đến SVĐ C500 – Học viện An ninh Nhân dân (Hà Nội) vào hôm qua (6/9). Họ theo dõi liên tục 6 trận đấu suốt 4 tiếng đồng hồ (16h00 – 20h00) trong ngày khai mạc giải bóng đá Ngoại hạng Hà Nội lần thứ 3 (Hanoi Premier League – Season 3).

Đây là một giải đấu phong trào nhưng lại khá đồng khán giả. Thời tiết nắng nóng trong ngày cuối tuần cũng không thể ngăn cản dòng người đổ về sân C500. Do hết chỗ trên khán đài, BTC buộc phải để người hâm mộ đứng ở đường piste của sân theo dõi các trận đấu.

Sau 2 mùa giải tổ chức, giải bóng đá Ngoại hạng Hà Nội đã tạo dựng được danh tiếng và thương hiệu riêng. Không những thế, giải “bóng đá phủi” 7 người trở lại đúng lúc niềm tin của người yêu bóng đá Việt Nam lại bị lung lay bởi những dấu hiệu tiêu cực từ V-League.

Chia sẻ với phóng viên Thể thao & Văn hóa, nhiều CĐV không ngần ngại tuyên bố nếu hôm nay có V-League họ vẫn đến xem giải “phủi” vì họ cảm thấy tình yêu bóng đá đang được đặt đúng chỗ.


Các trận đấu tại giải ngoại hạng Hà Nội thu hút rất đông khán giả

Anh Hoàng Khắc Đạt (Hà Nội), người theo dõi giải “phủi” suốt 3 mùa giải, cho biết: “Thực ra tiêu cực ở V-League cũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi. 10 trận khi chỉ có 1 trận thôi nhưng cái ít lại thành ra cái không hay.

Giữa V-League và giải “phủi” thì bạn cứ nhìn số lượng khán giả đến sân thì biết. Những người đến đây hoàn toàn yêu bóng đá, người ta yêu bóng đá đẹp, trong sáng nên họ đến sân rất đông. V-League nếu VFF, VPF làm tốt thì người Việt mình đến xem đông lắm. Nhưng có điều đến sân họ bảo họ bị làm trò cười nên họ không đến nữa. Nhiều trận đấu rất hấp dẫn nhưng người ta vẫn không thích xem, vì xem không biết là đá thật hay cầu thủ làm trò trên sân”.

Cùng quan điểm với anh Đạt, anh Phạm Đình Dũng (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi chỉ quan tâm là cầu thủ cống hiến hết mình trên sân thì lôi kéo được khán giả đến sân ngay. Giải “phủi” tính chuyên nghiệp không bằng V-League nhưng người ta cảm nhận được niềm đam mê nhiều hơn. Đá ở V-League là nghề, là miếng cơm manh áo của cầu thủ nhưng giải này các cầu thủ nghiệp dư chơi bằng niềm vui, cháy hết mình”.

Người yêu bóng đá Việt Nam không thiếu, nhưng họ muốn những nhà lãnh đạo nên hành động nhiều hơn nữa. Anh Đỗ Minh Đức lặn lội từ Hưng Yên ra Hà Nội để cổ vũ cho đội Tô Ký ở giải đấu, anh thẳng thắn phát biểu: “Hữu xạ tự nhiên hương. Chẳng ngẫu nhiên mà người ta đến sân xem bóng đá “phủi” đông đến thế.

Bao năm nay người Việt Nam hâm mộ bóng đá nhưng cứ lên cao trào thì lại bị phản bội nhiều, người ta sẽ quay lưng là tất yếu”.  

Bóng đá không thể quay lưng với khán giả. Những người tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng cần lắng nghe ý kiến từ người hâm mộ, bởi CĐV đến sân nhiều hay ít luôn là thước đo quan trọng cho chất lượng của một giải bóng đá.

Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm