Trung tâm thể thao Thành Long (TP.HCM): Hẩm hiu chợ chiều

15/11/2013 10:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Từng là địa điểm hứa hẹn “đổi đời” của nhiều cầu thủ, nhưng hiện nay, Trung tâm thể thao (TTTT) được xem là rộng rãi nhất của TP.HCM ảm đạm như chợ chiều, bởi không còn cảnh kẻ đến, người đi nườm nượp như mọi năm thường thấy.

1. Kinh tế khó khăn là nguyên nhân khiến cả nền bóng đá Việt Nam lao đao, và các CLB không là ngoại lệ. Nhiều năm trước, TTTT Thành Long là địa điểm tập kết của rất đông cầu thủ, từ “ta” đến “Tây” đến để tìm cơ hội cho mình.

Khi đó, để khoác được trên mình màu áo chuyên nghiệp chắc chắn là chuyện không khó khăn với nhiều cầu thủ trưởng thành từ bóng đá “phủi” hoặc ở các lò đào tạo không mấy tiếng tăm.

Nhưng tình hình tài chính hiện tại không cho phép các CLB nhắm mắt lấy người như trước. Nguồn cung dư thừa, nhiều cầu thủ đã phải cắn răng chấp nhận bỏ hẳn niềm đam mê để tìm nghề nghiệp khác mưu sinh.

TTTT Thành Long hiện tại chỉ là chỗ thuê của những đội bóng phong trào và tìm đỏ mắt mới có một CLB chuyên nghiệp đến thuê mướn làm nơi đóng quân. 

Cùng với sự giải tán của những đội bóng như XMXT.SG (ảnh), TTTT Thành Long cũng ngày càng trở nên đìu hiu vắng vẻ. Ảnh: V.V

Năm ngoái, khi K.Kiên Giang còn tồn tại, HLV Lai Hồng Vân và vài cầu thủ lên “đóng đô” để tuyển mộ cầu thủ. Dù biết đội bóng miền Tây không giàu có gì (hiện tại vụ kiện tụng của cầu thủ về tiền nong chưa có hồi kết) nhưng vẫn có nườm nượp nội binh lẫn ngoại binh kéo đến thử việc.

Chưa đầy một tháng tập huấn, K.Kiên Giang đã có thêm chừng 20 cầu thủ và thu quân về lại Rạch Giá. K.KG chí ít cũng là nơi thoát cảnh thất nghiệp của rất nhiều người.

Năm nay, K.Kiên Giang chính thức xóa sổ, cả đội bóng phải tứ tán nhiều nơi để tìm cơ hội cho mình. Thành Long mất đi một khách hàng thường xuyên.

Chỉ còn lại HV.An Giang và F.Tây Ninh chọn đây là nơi đóng quân tạm thời để tuyển mộ cầu thủ. Thời điểm các đội bóng này đóng quân trùng với thời điểm diễn ra BTV Cup nên không khí cũng vẫn rất ảm đạm.

Ở HV.An Giang, HLV Nhan Thiện Nhân cho biết: “Chúng tôi chỉ đóng quân ở đây trong 3 tuần. Sau khi cân nhắc lấy tạm đủ người, đội bóng liền rút quân về Long Xuyên để tập luyện.

Ở đó lâu cầu thủ cũng buồn vì xa trung tâm, lại không có mấy đội tập luyện. Chúng tôi chỉ thi đấu loanh quanh với những đội hạng nhất như TP.HCM, F.Tây Ninh”.

2. Do tài chính khó khăn nên các CLB cũng cân nhắc trong cả việc thử việc cầu thủ, bởi lẽ mỗi lần như vậy, CLB phải mất ít nhất vài ba ngày để xem xét khả năng chuyên môn. Trong thời gian đó, CLB sẽ phải chịu chi phí ăn ở cho cầu thủ thử việc.

Chỉ riêng chuyện đó thôi cũng tốn kém nên càng hạn chế được thì càng tiết kiệm. HLV Nhan Thiện Nhân cho biết: “Chúng tôi bây giờ cũng không thử nghiệm một cách đại trà, mà nhận thấy vị trí nào cần thiết, chúng tôi mới cho cầu thủ đó thử việc”.

Những ngày ở TTTT Thành Long, HLV Nhan Thiện Nhân tiết lộ: “Có quá nhiều cầu thủ đến để tìm cơ hội nhưng không phải ai cũng được nhận. Đã qua cái thời cung không đủ cầu như vài năm trước.

Bây giờ các đội có cầu thủ rồi, có cần thỉ chỉ lấy thêm vài vị trí thôi. Giá trị của các cầu thủ từng có mác ĐTQG bây giờ cũng có khoảng 500-700 triệu đồng/phí chuyển nhượng/mùa. Còn khoảng 200-300 triệu đồng là không đếm xuể.

CLB giải thể thì nhiều hơn thành lập nên chuyện cầu thủ thất nghiệp là bình thường. Bây giờ hỏi tôi cầu thủ nào thất nghiệp mà tôi biết thì tôi nhớ không hết vì nhiều quá”.

Từng được xem là “chợ cầu thủ” náo nhiệt dù ở xa trung tâm Sài thành hoa lệ, nhưng giờ đây, TTTT Thành Long không còn là điểm hẹn lý tưởng của những ước mơ đổi đời bằng nghiệp quần đùi áo số nữa.

Những gì diễn ra ở trung tâm này phản ánh một thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện tại. Bóng đá trở về với giá trị thực, con người cũng phải thực tế hơn để tồn tại.

Phan An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm