Nỗi buồn cầu thủ 'trẻ mãi không già'

22/12/2014 14:39 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về những tài năng “trẻ mãi không già” như Thanh Hưng, Cao Cường hay Hà Minh Tuấn chẳng phải là hiếm thấy ở bóng đá Việt Nam những năm qua. Nói “trẻ mãi không già” không phải vì họ duy trì được tuổi trẻ sân cỏ của mình trong suốt một thời gian dài, mà nói thế là bởi họ dù đã không còn được xem là trẻ song vẫn chưa thể thực sự chín chắn và trưởng thành về mặt nghề nghiệp.

Cách đây 5 năm, Cao Cường từng được HLV Henrique Calisto xem là trung vệ số một trong thời gian đội tuyển U23 Việt Nam tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị cho SEA Games 25 năm 2009 diễn ra tại Lào. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có một phần nguyên nhân quan trọng là ý thức chuyên nghiệp, mà cuối cùng Cao Cường bị loại khỏi danh sách tham dự SEA Games vào giờ chót.

Khác với Cao Cường, Thanh Hưng là nhân tố chủ chốt của đội tuyển U23 Việt Nam suốt từ giai đoạn chuẩn bị cho tới lúc bước vào giải, và một năm sau, Thanh Hưng vẫn được HLV Calisto tin tưởng gọi vào đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2010, nhưng những vấn đề rắc rối bên ngoài sân cỏ đã khiến Thanh Hưng không còn là chính mình, để rồi tiền vệ này mất chỗ đứng ở SHB.Đà Nẵng và buộc phải tìm về Quảng Nam để làm lại sự nghiệp.

Còn Hà Minh Tuấn là một câu chuyện hoàn toàn khác với 2 đàn anh Cao Cường và Minh Phương, khi thói quen sử dụng tiền đạo ngoại của các đội bóng ở V-League đã góp phần hạn chế cơ hội ra sân của các chân sút nội trẻ tuổi, và Hà Minh Tuấn là một điển hình như thế.

Ở Hà Minh Tuấn hội tụ gần như đầy đủ các tố chất cần thiết của một tiền đạo giỏi, nhưng cái thiếu của tiền đạo này có lẽ chính là cơ hội ra sân cũng như sự tin tưởng của HLV. Với áp lực thành tích nặng nề của một đội bóng luôn được xem là ứng viên cho chức vô địch V-League như SHB.Đà Nẵng, HLV Lê Huỳnh Đức khó lòng có thể hy sinh 1/3 hoặc ½ mùa giải để tạo cơ hội cho Hà Minh Tuấn trưởng thành.

Trong khi đó, ở SHB.Đà Nẵng mấy năm qua, các tiền đạo nổi danh nhất của đội bóng sông Hàn đều là những người ngoại quốc, từ Almeida trước đây cho tới Gaston Merlo sau này, và chiến thuật lật cánh đánh đầu đã thành thương hiệu ở V-League của SHB.Đà Nẵng cũng chủ yếu là để phục vụ những tiền đạo như Almeida hay Merlo. Vì thế, những chân sút nội như Hà Minh Tuấn hầu như không có cơ hội vào sân, mà nếu có được thi đấu thì phải chấp nhận đá dạt biên trái với sở trường.

Trong bối cảnh như thế, việc Hà Minh Tuấn không thể vươn lên để trở thành tiền đạo thực sự đẳng cấp của bóng đá Việt Nam chẳng phải là điều khiến ai cảm thấy ngạc nhiên. Tất cả chúng ta đều biết ở V-League hiện nay, ngay cả tiền đạo được xem là số một của bóng đá Việt Nam như Công Vinh nhiều lúc cũng phải đá dạt biên để nhường chỗ cho cặp tiền đạo ngoại thì nói gì tới một cầu thủ trẻ chưa xác lập được thương hiệu Hà Minh Tuấn.

Từ trường hợp của Cao Cường, Thanh Hưng và Hà Minh Tuấn thì có thể thấy rằng một cầu thủ muốn khẳng định được tên tuổi và chỗ đứng ở V-League thì không thể chỉ dựa vào tài năng mà còn phải có môi trường phù hợp, và điều quan trọng nhất là phải có nghị lực đủ mạnh mẽ để vươn lên ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng như khó khăn nhất, nếu không, có thể trong suốt cả sự nghiệp của mình cầu thủ đấy sẽ không thể thoát ra khỏi sự ám ảnh của cơn ác mộng “trẻ mãi không già”.

Quốc Công
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm