HLV Miura 'chuẩn hóa' giới hạn điều kiện tác nghiệp của truyền thông

28/02/2015 07:47 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với mong muốn để các cầu thủ tập trung hoàn toàn vào tập luyện, thi đấu, ngay trước đợt tập trung của ĐT Olympic Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2016, thông qua VFF, HLV Toshiya Miura đã đề ra những quy định liên quan đến việc tác nghiệp của báo chí trong các buổi tập của ĐT Olympic Việt Nam.

1. Một số quy định đáng lưu ý là HLV Miura sẽ chỉ trả lời phỏng vấn 1 lần/tuần, sau mỗi buổi tập sẽ chỉ có 2 cầu thủ của đội được BHL sắp xếp để trao đổi với báo chí. Ngoài ra, các phóng viên tác nghiệp phải ngồi đúng khu vực quy định và tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ truyền thông VFF…

Nếu so với những đợt tập trung trước đây của ĐT Olympic cũng như ĐTQG thì các quy định nói trên khá mới mẻ và ít nhiều ảnh hưởng đến việc tác nghiệp của các cơ quan thông tấn – báo chí, nhất là trong giai đoạn V-League tạm nghỉ, bóng đá nội gần như “đóng băng” chỉ còn đợt tập trung lần này của ĐT Olympic Việt Nam là đáng chú ý.

2. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, dư luận cũng nên thông cảm với quy định mới này từ ông thầy người Nhật Bản và VFF. Ông Ngô Lê Bằng, nguyên TTK VFF, người từng có một khoảng thời gian dài làm trợ lý ngôn ngữ cho các đời HLV ngoại trước đây của ĐT Việt Nam như Alfred Riedl hay Henrique Calisto, phân tích: “Tôi không nhớ rõ trước đây ông Riedl hay Calisto có những quy định cụ thể nào liên quan đến việc tác nghiệp của báo chí, cấm VĐV không tiếp xúc với phóng viên hay không. Tuy nhiên, HLV Calisto cũng có những giai đoạn nổi khùng và buồn bã vì báo chí, dù trước đó ông Calisto vẫn đồng ý trả lời sau các buổi tập của ĐT”.

Ông Ngô Lê Bằng nói tiếp: “Việc này theo tôi phải nhìn nhận dưới 2 mặt của vấn đề. Theo quan điểm của cá nhân tôi, cầu thủ, HLV hay ĐT và truyền thông luôn phải gắn kết với nhau. Hình ảnh của ĐTQG có tốt đẹp hay không một phần do ĐT và phần khác cũng từ chính truyền thông, quá nhiều sự kiện tôi có lẽ cũng không cần nêu ra ở đây. Một cầu thủ trẻ hay cầu thủ nổi bật của bóng đá Việt Nam được truyền thông tung hô quá nhiều vừa có mặt tích cực nhưng cũng có các mặt trái của nó.

Tôi nghĩ sự hợp tác giữa đôi bên vô cùng quan trọng và ranh giới cần phải tôn trọng. Dù là giới truyền thông hay HLV, cán bộ VFF… thì tất cả những người đang làm các công việc liên quan khác thì đều chung mục tiêu muốn bóng đá Việt Nam phát triển. Nếu tung hô ghê quá, quá quan tâm đến cầu thủ nào và ĐT thì đều có những ảnh hưởng tiêu cực, làm sao để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực là cực kỳ khó”.

3. Cuối cùng, ông Ngô Lê Bằng chốt lại: “Tôi chưa từng đọc được quy định nào tương tự như vậy ở các nước trên thế giới vì mình không làm cho họ nên không biết nhưng trước đây, trong một lần cùng ĐT Việt Nam thi đấu với ĐT Hàn Quốc, tôi có sang bắt chuyện với một số cầu thủ của đội bóng này và các thành viên trong BHL nói chuyện bình thường thôi nhưng họ tưởng tôi là phóng viên nên đều chỉ sang HLV trưởng là người duy nhất trả lời.

Nói chung, tôi nghĩ phải có ranh giới để công tác chuyên môn của ĐT không bị ảnh hưởng. HLV trưởng luôn muốn thông qua báo chí để tuyên truyền về ĐT, tuyên truyền đúng thì càng tốt, để dư luận hiểu hơn về ĐT. Nếu muốn đóng cửa hoàn toàn với báo chí thì tôi nghĩ bất cứ HLV nào cũng nên cân nhắc và HLV Miura hiện nay cũng không đóng cửa hoàn toàn với báo chí.

Tôi là người ủng hộ cho quan điểm cái gì cũng giới hạn, tất cả phải đảm bảo điều kiện cho đội bóng tập luyện tốt. Nếu các cầu thủ và HLV không hoàn thành nhiệm vụ thì báo chí hay dư luận cũng không vui vẻ gì”.

Cũng theo lời nguyên TTK Ngô Lê Bằng, trong các đời HLV ngoại trước đây, mỗi khi ĐT Việt Nam tập trung, khi HLV trưởng bước vào sân tập thì thường có rất đông phóng viên đã ở đó, thậm chí có những người còn khoác vai, trò chuyện thân mật với cầu thủ và điều đó khiến HLV không cảm thấy thoải mái. Có những chuyện liên quan đến sinh hoạt nội bộ của ĐT cũng như giờ ăn, nghỉ cũng được báo chí khai thác nên đã ảnh hưởng đến hoạt động chung của đội.

Lâm Chi (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm