Đội tuyển Việt Nam tập huấn tại Bình Dương: Đất Thủ vượng đến đâu?

21/10/2014 06:04 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Hết lần này đến bận khác, từ khoảng hơn một năm qua, các ĐTQG Việt Nam luôn tề tựu về Thủ Dầu Một cho các chuyến tập huấn trong nước, thay vì các điểm đến quen thuộc là Hà Nội hay TP.HCM. Cùng thời điểm đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura xuôi Bình Dương làm bến đỗ, Lê Công Vinh, tiền đạo số 1 Việt Nam, cũng vừa đạt được hợp đồng về với B.Bình Dương

Người ta phải đặt câu hỏi, đất Thủ “vượng” đến đâu, trên bản đồ bóng đá Việt Nam, khi liên tục hút về phía mình những sự kiện quan trọng, hay ít nhất luôn gây được sự chú ý?!

1. Có một chi tiết rất đáng lưu tâm, đó là: VFF sẽ không cần phải cân-đo-đong-đếm về sự lỗ lãi khi các ĐTQG về Bình Dương tập huấn. Kinh phí không mất, hoặc nếu có tính thì cũng gần như không. Đội bóng sẽ ở khách sạn Becamex, tài sản thuộc Cty mẹ của B.Bình Dương, nhà ĐKVĐ V-League 2014, tập luyện trên sân chính Bình Dương hoặc 2 sân phụ sát bên hông. Trước khi đón đội tuyển Việt Nam, sân Bình Dương cũng là nơi tập huấn trọng tài giữa mùa giải, thay vì địa chỉ quen thuộc là Đà Nẵng trước đây.

Về mặt kinh tế, rõ ràng VFF (cơ quan sở hữu kinh doanh giá trị hình ảnh của các ĐTQG) có lợi. Vậy tại sao phải từ chối, trong bối cảnh nền bóng đá nói riêng và kinh tế nói chung đang phải chịu cuộc khủng hoảng diện rộng. Ở chiều ngược lại, việc kéo lại về địa phương các sự kiện quan trọng của bóng đá nội cũng giúp Bình Dương nở mày nở mặt.

Cty CP thể thao & bóng đá Bình Dương hẳn đã ghi điểm. Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 tới đây, đất Thủ cũng là nơi diễn ra giải bóng đá quốc tế TOYOTA Mekong Cup 2014 dành cho các đại diện thuộc khu vực sông Mekong.   

Đây đang là đỉnh điểm của mùa mưa khu vực phía Nam và theo kế hoạch, giải bóng đá quốc tế TP.HCM cũng sẽ không diễn ra (vì vấn đề kinh phí và sự bị động về khách mời). Việc kéo đội tuyển Việt Nam về Bình Dương tập luyện vì thế không thể nói là thuận lợi hay cần thiết để đội bóng làm quen, khi AFF Cup 2014 vào cuối năm nay diễn ra ở… Hà Nội. Vấn đề là người trong cuộc chưa hẳn đã nghĩ thế.

2. Trở lại với câu chuyện Công Vinh về B.Bình Dương với giá được cho là ngót nghét 10 tỷ đồng. Như đã nhắc, trong bối cảnh nền bóng đá chịu những tác động trực tiếp từ nền kinh tế, đây quả là con số quá khủng.

Nhưng, Thể thao & Văn hoá cũng đã từng đề cập trong rất nhiều các bài viết, chuyên đề trước, rằng đội bóng đất Thủ gần như miễn nhiễm với các bài toán cơm – áo – gạo – tiền. Công Vinh cứ về Bình Dương và những nhà điều hành đội bóng cũng được việc, còn chuyện anh có được ra sân hay không lại để mai tính.

Mới đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, HLV Lê Thuỵ Hải của B.Bình Dương đã thẳng thắn rằng, ông không thích một mẫu cầu thủ như Công Vinh. Song cần chắc rằng, trước đó ông Hải “lơ” cũng từng không thích nhiều cầu thủ. Một HLV luôn có quan điểm làm việc và triết lý huấn luyện, nhưng khi đưa ra một sự mặc cả với cầu thủ và với cả lãnh đạo đội bóng, chưa chắc đã là một sự lựa chọn thông minh, nếu không muốn nói là ngược lại. Việc ông Hải so sánh giữa Công Vinh và Anh Đức cũng không thật xác đáng.

Chi có điều, người Bình Dương và cao hơn là lãnh đạo đội bóng này, đã và đang muốn xây dựng Anh Đức, niềm tự hào duy nhất và cuối cùng còn sót lại, trở thành một biểu tượng.

Bóng đá nếu không có cạnh tranh sẽ không hối thúc sự phát triển. Song, sự xuất hiện của Công Vinh ít nhiều sẽ đe doạ vị trí độc tôn của Anh Đức, người vốn đang là đồng đội và đối tác của Vinh trên bình diện ĐTQG. Nó sẽ ảnh hưởng thế nào và đến đâu cho các chiến dịch tiến tới AFF Suzuki Cup 2014 trên sân nhà của HLV Miura thì thời gian sẽ cho câu trả lời thoả đáng.

Công Vinh thuộc mẫu cầu thủ khôn ngoan, sẽ nhún nhường khi cần nhún nhường, còn với Anh Đức, có thể sự xuất hiện của Công Vinh cũng chẳng quan trọng gì?! Hôm nay, theo kế hoạch, đội tuyển Việt Nam vẫn tập, và Công Vinh – Anh Đức vẫn là một cặp bên “quân đỏ”?!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm