Cầu thủ SLNA học luật với cảnh sát hình sự

19/09/2014 10:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với phương châm “phòng còn hơn chống” đồng thời mong muốn xây dựng một môi trường bóng đá “sạch”, lò đào tạo bóng đá trẻ SLNA đã phối hợp cùng phòng Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành dạy và thi tìm hiểu pháp luật cho các học viên từ lứa tuổi U11 đến U21.

Bóng đá Việt Nam trong năm 2014 bị rúng động vì những vụ án đánh bạc, dàn xếp tỷ số do những cầu thủ vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên như ở V.Ninh Bình, Đồng Nai. Điều đó gióng lên hồi chuông báo động về nhu cầu cần dạy và tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho các cầu thủ ngay từ khi còn ở các lứa tuổi U.

Và trước đó, chính một số cầu thủ SLNA cũng đã nhúng chàm vì hiểu biết nông cạn, trong khi cái giá phải trả lại quá đắt, có thể chấm dứt cả cuộc đời quần đùi áo số. Chính vì thế, lãnh đạo SLNA đã tiến hành giáo dục nhận thức về pháp luật Nhà nước, nội quy của CLB thông qua các bài học trực quan sinh động và kỳ thi sát hạch nghiêm túc.

Ngay từ đầu tháng 8/2014, ban đào tạo trẻ SLNA đã thành lập “Ban kiểm tra” với 5 thành viên do ông Nguyễn Đình Nghĩa làm trưởng ban với mục đích giám sát, kiểm tra đời sống cầu thủ trong Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Bên cạnh đó, CLB đã có công văn đề nghị với phòng Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An cắt cử cán bộ về với trung tâm nói chuyện pháp luật, và tìm hiểu kỹ tác hại của việc đánh bạc, cá độ bóng đá…, đồng thời mời các luật sư, văn phòng luật sư về dạy cho các cầu thủ hiểu về các luật cơ bản liên quan đến đời sống bóng đá mà giới cầu thủ thường hay vi phạm.

Để các học viên tránh sự nhàm chán, SLNA đã tổ chức phối hợp giữa các bên trong suốt tháng qua với nhiều phương pháp như toạ đàm nói chuyện, tìm hiểu pháp luật qua từng câu chuyện thực tế…

Sáng qua, tại bản doanh CLB, SLNA đã tiến hành buổi thi sát hạch cho tất cả các học viên từ lứa tuổi U11 đến lứa tuổi U20 (ngoài trừ U21 đang bận tham dự VCK nên sẽ tổ chức thi sau) với hình thức thi viết bài tự luận trong vòng 60 phút. Sau đó, các bài thi sẽ được chấm điểm và phân loại, đối với các học viên không thi đạt đợt 1 sẽ phải tiến hành học lại, và tiến hành thi tiếp lần 2.

Ông Hồ Văn Chiêm (GĐĐH SLNA) cho biết: “Học viên bắt buộc phải tham dự kỳ thi sát hạch. Kết quả này không phải là tiêu chí xét tuyển học viên, nhưng qua đó chúng tôi muốn nâng cao ý thức trách nhiệm và sự hiểu biết của các học viên SLNA trước các vấn đề liên quan đến pháp luật, đời sống xã hội. Những kiến thức này không phải bây giờ chúng tôi mới dạy, mà trước đây đã thành quy chế, bắt các em học, đọc nhưng nhiều em vẫn còn thờ ơ. Nay tổ chức thi sát hạch thì các em sẽ có ý thức học hỏi hơn”.

Theo ghi nhận của phóng viên, phần thi tự luận có 5 câu hỏi, trong đó có câu 4 hỏi thẳng vấn đề: “Bạn đang là VĐV SLNA thi đấu giải, nếu một đồng đội, một nhóm người rủ rê bạn tham gia vào việc cá độ, dàn xếp tỷ số để có tiền thì bạn sẽ làm gì”?

Với câu hỏi này, rất nhiều học viên SLNA đã thể hiện được những quan điểm cá nhân riêng mà ngay cả thành viên BGK cũng bất ngờ. Như bạn Nguyễn Mạnh Quỳnh (thuộc đội U13) có viết: “Việc đầu tiên tôi sẽ báo cho thầy của tôi để phát hiện ngăn chặn kịp thời…”.

Trao đổi với phóng viên, HLV Lê Văn Hùng cho hay: “Với lứa tuổi các em chúng tôi không yêu cầu các em phải viết hay, viết cảm xúc mà chỉ chấm điểm các em có nhận thức sự việc đúng đắn. Quy chế như thế nên bắt buộc các em phải học đầy đủ, nếu thi chưa đạt thì phải học lại cho đến đạt thì mới được ra tập chuyên môn”.

Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm