Bóng đá Việt Nam đang 'vào mùa'

03/09/2014 12:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Các ĐTQG tập trung cùng lúc cho đủ loại mục tiêu khác nhau, ở những cấp độ sân chơi khác nhau, và cảm giác như bóng đá Việt Nam đang vào vụ gặt.

Tuy nhiên, bóng đá cũng như cuộc sống, quá nhiều không phải lúc nào cũng tốt.

Không phải lúa trời

Bóng đá hay bất cứ địa hạt nào cũng thế, có công gieo bón, có công chăm sóc, thì mới có ngày gặt hái quả ngọt. Đội tuyển U19 Việt Nam, với nòng cốt là lứa cầu thủ đầu tiên trưởng thành từ Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG, là một trường hợp như thế.

Chỉ có điều, dường như người ta lại quá chú trọng vào việc hái quả, vốn không phải lúa trời, dễ dẫn đến chuyện bên trọng bên khinh, nói theo kiểu ví von thì có vẻ như chúng ta đang “phụ ngô khoai”.

Mục tiêu quan trọng hàng đầu của bóng đá Việt Nam trong năm là chiến dịch AFF Suzuki Cup 2014 vào trung tuần tháng 11. Nhưng cho đến thời điểm này, người trong cuộc vẫn chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nào, ví như các chuyến tập huấn hay thẩm định chất lượng khách mời cho giải bóng đá quốc tế TP.HCM, “cữ dợt” quan trọng cuối cùng của đội tuyển Việt Nam.

Chịu chung cảnh ngộ là các đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, đội tuyển Olympic quốc gia chuẩn bị lên đường tham dự ASIAD 17; đội tuyển futsal quốc gia chạy đà cho AFF Cup vào tháng 9 này... Đơn giản, người ta đang quá bận tâm vào U19 Việt Nam, với giải vô địch Đông Nam Á mở rộng không đặt nặng thành tích, nhưng lại đang hút khách. Mà ai cũng biết giải đấu dành cho U19 Việt Nam ở SVĐ quốc gia Mỹ Đình này chỉ là bước đệm VCK U19 châu Á vào tháng 10.

Việc tận dụng kiểu “cây nhà lá vườn” như để ĐTQG và đội tuyển Olympic đá tập nội bộ là điều hiếm có tiền lệ, dễ sinh những phản ứng phụ bất lợi, đặc biệt là các vấn đề về tâm lý cầu thủ. HLV Toshiya Miura đã và đang phải nhận đủ những “ca khó”, nhưng HLV trưởng người Nhật Bản không thể kêu ca, bởi đấy là những vấn đề vượt quá phạm vi giải quyết của ông!

Bỏ hết trứng vào một rổ

Bóng đá trẻ luôn cần thêm rất nhiều những giải đấu, những sân chơi để tích luỹ và để phát triển. Với SLNA, Viettel, PVF và đặc biệt là Học viện HA.GL Arsenal JMG, gây tiếng vang phạm vi ngoài nước, hẳn VFF cũng được tiếng thơm lây.

Ở chiều ngược lại, cơ quan quản lý nền bóng đá có nhiệm vụ nghiên cứu hệ thống lịch thi đấu quốc tế, để cử đại diện Việt Nam tham dự. Đấy là mối quan hệ tương hỗ.

Song, có cảm giác như bóng đá trẻ Việt Nam vẫn trong tình trạng đèn nhà ai nấy sáng. Trước thềm VCK U15 quốc gia 2014, PVF, đội bóng từng 2 lần vô địch giải đấu trước khi bị Đồng Tháp soán ngôi ở trận chung kết mới đây, đã quyết định tìm hướng đi riêng khi chi trả mọi chi phí cho chuyến tập huấn dài ngày ở Nhật Bản. U13 SLNA vừa được YAMAHA tài trợ cho chuyến du đấu quốc tế ở Nhật Bản, thế còn Hà Nội.T&T, Viettel...?

Trong khoảng 3, 4 năm qua, đội bóng có tuổi đời còn khá non trẻ Hà Nội.T&T đã gặt hái rất nhiều thành công, từ cấp độ đội 1 chơi V-League xuống các tuyến trẻ. Trung tâm Viettel khiêm tốn hơn, nhưng cũng rất đáng khen ngợi. Thông tin Trung tâm bóng đá trẻ này có nguy cơ giải tán cách đây không lâu từng khiến không ít con tim thắt lại. Điều đó đủ hiểu sự quan tâm của một bộ phận người hâm mộ dành cho bóng đá trẻ lớn đến thế nào.

Thậm chí, ngay cả khi các đội bóng đại gia còn lại có đủ tiềm lực tài chính và con người để tự thân vận động, thì họ cũng cần thêm những cánh tay chìa ra cho sự phát triển chung. Bóng đá trẻ rõ ràng không chỉ có mỗi HA.GL, và nền bóng đá không chỉ trông chờ vào mỗi lứa U19 này. Chúng ta cần có thêm đôi chục, thậm chí hàng trăm Học viện như HA.GL Arsenal JMG, mới hy vọng nâng cấp nền bóng đá để bơi ra khỏi “ao làng” Đông Nam Á.

Đội tuyển U19 Việt Nam có thể thành công, nhưng cũng có thể thất bại, vì bóng đá trẻ khó nói trước. Nhưng sau đó là gì mới là điều mà nền bóng đá cần phải quan tâm, bởi như người ta vẫn nói, rằng không nên bỏ hết trứng vào một cái rổ.

Cho đến thời điểm này, có thể nói cú “áp-phe” U19 Việt Nam đã thành công rực rỡ, cả về mặt chuyên môn lẫn phi chuyên môn, các giá trị thương mại và cả việc kích thích tình yêu bóng đá nơi người hâm mộ vốn đã bị nguội lạnh. Ông bầu Đoàn Nguyên Đức, cũng như Tập đoàn HA.GL, nghiễm nhiên cũng được hưởng lợi, bởi suy cho cùng thì ông Đức là người có công chăm bón lớn nhất, nên khi có quả ngọt thì ông phải được thưởng thức đầu tiên, trước khi nói xa xôi chuyện “vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam”.


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm