Bầu Kiên và mối lương duyên với bóng đá Việt Nam

21/08/2012 13:46 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Online)- Nổi danh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên cũng được biết đến là một ông bầu bóng đá đặc biệt, thậm chí có thể nói là dị biệt với những hành động và phát ngôn gây sốc.

Lần đầu tiên ông Nguyễn Đức Kiên bước chân vào làng bóng Việt Nam và chính thức trở thành ông bầu đó là khi ông đứng ra tiếp quản đội bóng đá Đường sắt Việt Nam năm 2000 và đổi tên thành Ngân hàng Á châu- ACB. Thời điểm đó, bầu Kiên đã đầu tư rất nhiều cho đội bóng và ACB đã nhanh chóng giành quyền lên chơi tại giải VĐQG chuyên nghiệp Việt Nam, V-League 2001-2002.

Mặc dù vậy, dưới quyền bầu Kiên, năm 2003, LG.HN.ACB đã không thể trụ hạng và phải trở về sân chơi hạng nhất.



Bầu Kiên nói và làm những gì với BĐVN?

Tới năm 2004, bầu Kiên có những động thái mạnh mẽ để gắn bó với bóng đá Thủ đô lâu dài, đó là tiếp nhận đội Hàng không Việt Nam, đổi tên thành LG.ACB.HN để tham dự V-League. Trong khi đó, đội bóng trước đó đã rớt xuống hạng nhất được trả về cho LĐBĐHN sau này Hòa Phát HN đứng ra nhận lấy.

Giữa mùa giải 2006, LG rút lui, không tài trợ nữa, bầu Kiên lại đổi tên đội bóng thành Hà Nội ACB. Đến mùa 2008, cùng với Hòa Phát Hà Nội, đội bóng của bầu Kiên là hai đội có thành tích thi đấu kém nhất nên buộc phải chịu cảnh rớt hạng và mãi đến mùa giải 2010, Hà Nội ACB mới thăng hạng V-League. Thế nhưng, tại V-League 2011, thành tích yếu kém một lần nữa khiến đội bóng của bầu Kiên phải chia tay V-League và cũng thêm một lần nữa, ông lại thay tên đổi họ đội bóng, nhận suất dự V-League mà CLB Hòa Phát Hà Nội bỏ lại và đổi tên thành CLB Bóng đá Hà Nội dự tranh V-League 2012.

Ngay trước thềm V-League 2012, tại lễ tổng kết mùa giải 2011, bầu Kiên đã khiến dư luận người hâm mộ bóng đá Việt Nam nổi sóng khi thằng thắn chỉ trích những yếu kém, bất cập trong công tác tổ chức, điều hành giải đấu của VFF. Đồng thời, bầu Kiên là người khởi xướng thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cùng với các ông bầu khác là Võ Quốc Thắng, Đoàn Nguyên Đức, Lê Tiến Anh.

Bước đi đầu tiên và mạnh mẽ nhất của VPF sau khi tiếp nhận quyền điều hành, tổ chức giải đấu mà VFF giao lại đó là thỏa thuận lại giá trị bản quyền truyền hình các giải đấu, trước đó VFF đã bán cho AVG.

Sau này, trong suốt mùa giải 2012, bầu Kiên với vai trò Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPF tiếp tục có những phát biểu và hành động gây sốc khác, trở thành tâm điểm sự chú ý, tranh cãi của dư luận.

Những phát ngôn gây sốc của bầu Kiên

"Các anh (quan chức VFF - PV) đưa ra cái báo cáo như vậy, chúng tôi không phải học sinh lớp 1, lớp 2.

"Bóng đá như sân khấu, mà diễn viên có thể xem được bốn mặt, ai diễn tuồng ở đấy, đều biết hết. Chỉ có điều, người có trách nhiệm có chịu mở mắt ra để biết hay không, hay là người ta cố tình cho qua".

Eximbank tài trợ cho V-League 30 tỷ đồng một năm, thì bao nhiều tiền sử dụng vào bóng đá, hay tiền đó sử dụng vào các lĩnh vực khác.

Ai bảo tôi phá giá khi mua Công Vinh? Tôi bảo đảm là tôi không mua Công Vinh nhiều hơn số tiền mà Hà Nội T&T định chi để giữ Công Vinh lại.

Nếu ai lo không kịp thời gian để thành lập Công ty VPF thì tôi xin đảm bảo khoảng 1 tháng là xong. Chỉ cần 1 tuần là hoàn thiện hồ sơ, văn bản. Và mất khoảng 10 ngày để xin ý kiến các cơ quan nhà nước…

Những gì đã xảy ra trong giai đoạn lượt đi sẽ là quá khứ và sẽ không đưa những cá nhân đó ra để suy xét nhưng kể từ vòng đấu tiếp theo nếu còn xuất hiện những biểu hiện tiêu cực thì VPF sẽ làm việc với cơ quan an ninh để đưa những cá nhân dù đó có là ông bầu hay chủ tịch một CLB cũng sẽ không tránh khỏi sự truy cứu trách nhiệm trước pháp luật"


Chí Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm