Bóng đá An Giang đi tìm bản sắc đã mất

28/10/2014 16:23 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sân vận động Long Xuyên, một chiều muộn tháng 10, những cụ ông ngồi trầm ngâm lặng lẽ. Chỉ vài tháng trước, HV.An Giang còn đang chơi những trận cầu nảy lửa ở hạng đấu cao nhất tại sân bóng này. Vài tháng trước, những cụ ông kia còn ngồi reo hò trên những khán đài. Vài tháng trước giờ đã là quá khứ.

Bóng đá có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Long Xuyên nói riêng và ở An Giang nói chung. Một lãnh đạo tỉnh này từng nói cách đây vài năm: “Tôi không mê bóng đá. Nhưng người dân thì có. Đây là nhiệm vụ chính trị xã hội. Tôi là lãnh đạo tỉnh, tôi phải lo cho dân.”

Cách TP.HCM khoảng 200 km, nằm giáp biên giới Campuchia, An Giang là một tỉnh còn nghèo. Kinh tế kém phát triển nên các hoạt động văn hóa giải trí không đa dạng. Địa hình sông nước chia các khu dân cư thành những vùng biệt lập, sống tách xa nhau.

Trong bối cảnh đó, bóng đá có vai trò kết nối dân cư An Giang và mang tới sự giải trí cho người hâm mộ. Phó Giám đốc Trung tâm bóng đá An Giang Trần Ngọc Thái Tuấn chia sẻ: “Từ trước đến nay, An Giang là một trong những tỉnh có phong trào bóng đá phát triển nhất đồng bằng sông Cửu Long. Mong muốn của người hâm mộ là được thấy đội bóng gắn bó với hạng đấu cao nhất.”

Tình yêu ấy là có thật. Ở trận play-off V-League 2014 vừa qua, hàng chục nghìn cán bộ các cơ quan, sinh viên, người hâm mộ đã tự động thuê xe lên Bình Dương theo dõi HV.An Giang thi đấu với XSKT.Cần Thơ.

Ông Tuấn tiếp tục: “Họ luôn đặt niềm tin vào đội bóng An Giang tại hạng đấu cao nhất, dù ở trận play-off, An Giang thua chóng vánh. Lý do chuyên môn là gì thì ai cũng biết. Bản thân CĐV cũng biết. Họ biết nhưng họ cứ đi. Họ biết trước nhưng khi đội bóng thua thật sự, họ vẫn buồn.”

Đó là thứ tình cảm được duy trì qua nhiều thế hệ, được phát triển và xây dựng vững chắc bằng thời gian. Ông Tuấn xúc động kể lại: “Khi đội bóng giải thể, người xúc động nhất là HLV Nhan Thiện Nhân. Năm 1997, đội bóng rớt hạng, ông già nó nghe đài, biết tin xong đột quỵ mất luôn. Lúc đó Nhân còn là đội trưởng, là cầu thủ. Trận đó An Giang đấu với Cảng Sài Gòn, Thiện Nhân là người đá hỏng phạt đền”.

16 năm sau ngày đó, chàng đội trưởng ngày xưa đã trở thành HLV trưởng. Chính anh là người đưa bóng đá An Giang trở lại sân chơi V-League. Nhưng cũng chính anh là HLV chứng kiến đội bóng xuống hạng.

Sau rất nhiều cuộc bể dâu, tình yêu bóng đá ở An Giang không chết. Đó là cơ sở để ông Tuấn và các cộng sự tiếp tục sứ mệnh mới của mình. Cuộc họp của lãnh đạo UBND tỉnh với lãnh đạo đội bóng đã đưa ra quyết định “không tham dự giải hạng Nhất, chỉ tham dự giải hạng Ba” đồng thời quyết tâm xây dựng mạnh hơn bóng đá phong trào ở địa phương.

Nhưng không phải tới lúc này, bóng đá phong trào ở An Giang mới phát triển. Theo thống kê năm 2012, chỉ riêng thành phố Long Xuyên đã có 20 sân cỏ nhân tạo 5 người và 4 sân 11 người với hàng loạt giải đấu phong trào được tổ chức.

Hai hệ thống giải lớn nhất là Hội thao cán bộ công nhân viên chức và Giải mừng Đảng mừng Xuân. Mỗi giải đấu thu hút từ 60 tới 70 đội bóng tham dự. Bóng đá phong trào ở An Giang thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp, từ công nhân, cán bộ, học sinh, sinh viên tới bộ đội và cả phạm nhân.

Đặc biệt, điểm nhấn khiến bóng đá phong trào của An Giang đạt được sức mạnh riêng là các giải “phủi” do người Chăm và người Khơ-me tổ chức. Ở những giải đấu này, các trận đấu có hàng nghìn tới chục nghìn CĐV là chuyện hết sức bình thường.

Lãnh đạo An Giang hiểu rằng chỉ có làm bóng đá phong trào và bóng đá trẻ, họ mới có thể xây dựng lại bản sắc của đội bóng. Bản sắc ấy là nền tảng đầu tiên để An Giang trở lại với bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai.

“Phải có bản sắc như bóng đá châu Âu”

Phó Giám đốc Trung tâm bóng đá An Giang Trần Ngọc Thái Tuấn tâm sự: “Nghe thì hơi cục bộ nhưng người hâm mộ luôn nghĩ cầu thủ này, cầu thủ kia có phải chôn rau cắt rốn ở đây đâu. Bây giờ, những cầu thủ đó có tiền thì đá, không có thì thôi. Họ làm gì có màu cờ sắc áo, mình tới ủng hộ làm gì”.

“Trong đầu người hâm mộ lúc nào cũng nghĩ đội bóng phải là người của địa phương. Suy nghĩ đó đã in sâu tâm trí người ta. Giờ mình phải làm sao để đội bóng có được bản sắc riêng ấy.Người hâm mộ sẽ phải tới sân vì đó là hình ảnh của bóng đá quê hương mà họ mong muốn”.

“Trong đội hình 11 người, tỷ lệ cầu thủ địa phương phải là khoảng 50 %, hoặc ít nhất cũng có 4, 5 người. Người dân đi xem vì con ông A, con bà B, thằng bé xóm trên, thằng cu xóm dưới. Bố mẹ nó đi xem, rồi cả nhà, cả làng xóm đi xem. Cái gốc của bóng đá là nằm ở đó. Giống như những đội bóng châu Âu. Bao nhiêu Chủ tịch, bao nhiêu HLV, bao nhiêu cầu thủ đã tới và đi nhưng Man United vẫn là Man United, Arsenal vẫn là Arsenal. Mình phải học họ, phải có bản sắc. Đó là hình ảnh của quê hương. Đừng để nó bị phai mờ”.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm