Nghịch lý người nghèo béo phì ở châu Phi

30/12/2009 18:52 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Theo tạp chí Public Health, tại khu vực đói nghèo nhất của thế giới – Trung và Nam Phi – ngày càng có nhiều người mắc bệnh béo phì. Đến mức phải gọi là “đại dịch”. Thoạt tiên điều này có vẻ phi lý nhưng lại có thể  giải thích được bằng các yếu tố khoa học.

Càng nghèo… càng béo

Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu dân số châu Phi của Kenya và Viện Vệ sinh và các bệnh nhiệt đới London đã phân tích tình trạng béo phì của người dân các nước Burkina Faso, Kenya, Ghana, Malawi, Niger, Senegal và Tanzania. Số người bị thừa cân tại các quốc gia kể trên ở vào khoảng 30 – 38% và đang tiếp tục tăng nhanh (từ năm 1992 đến năm 2005 tặng 35%). Tỷ lệ người phục phịch ở đây ngang bằng với các nước giàu. Điều đáng nói là chỉ mới đây thôi chuyện béo phì tại những nước châu Phi đói nghèo hoàn toàn chẳng được chú ý và trên thực tế cũng không phải là đề tài nóng.


Thoạt tiên, liệu ta có thể nghĩ rằng thừa cân lại thành vấn đề thời sự tại những nơi mà tuyệt đại đa số dân sống kham khổ và không có điều kiện ăn uống đầy đủ? Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng chính những người Phi càng nghèo lại càng hay mắc bệnh béo. Ngoài ra các nhà khoa học cũng tìm ra mối quan hệ giữa vòng eo với trình độ học vấn: người có bằng đại học ít “tròn xoe” hơn nhiều so với người ít học. Lại phát hiện thêm một quy luật nữa: những cân mỡ thừa thường tập trung ở cư dân thành thị không có thu nhập ổn định. Trong số người nghèo của các thành phố châu Phi mức độ béo phì tăng trên 50%, trong khi tỷ lệ này ở những người có thu nhập cao hơn chỉ là 7%. Theo các nhà khoa học, bệnh thừa cân ở châu Phi phổ biến đến mức trong thời gian sắp tới sẽ trở thành đại dịch.

Tìm ra các yếu tố song hành với bệnh “tích mỡ”, các nhà nghiên cứu đã dựng lên chân dung của những người Phi bình thường đã hoặc sắp “mất eo”. Trong số họ có những người sống bằng sự cứu trợ nhân đạo quốc tế và những người buộc phải thắt chặt hầu bao bằng cách mua đồ hộp và các loại thực phẩm rẻ tiền nhưng giàu mỡ và carbohydrat. Các tổ chức cứu trợ lương thực thường mang tới các nước nghèo nhất châu Phi những loại thức ăn giàu calo để dễ bảo quản nhưng cũng dễ làm cho người sử dụng béo phì.

Yếu tố đô thị hóa cũng có ý nghĩa đặc biệt. Thứ nhất, phần lớn lương thực cứu trợ đọng lại ở thành phố còn người vùng thôn quê xa xôi ít khi được hưởng. Thứ hai, nhiều người Phi đến thành phố chưa lâu và do lối sống thị thành ít cần đến cơ bắp nên lượng calo chưa tiêu hết bị chuyển hóa thành mô mỡ. Còn một yếu tố nữa song hành với bệnh béo phì là dịch vụ y tế của các nước châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara rất kém. Các bệnh viện tư có chất lượng thì chỉ số ít người giàu với tới được, còn trình độ của các bác sĩ ở những bệnh viện nhà nước lại chưa đáp ứng yêu cầu. Trong điều kiện này mà trông chờ vào các chính sách của nhà nước để phòng chống bệnh béo phì là không tưởng.

Thừa cân làm thiếu ngân khố


Các bác sĩ Czech đã gióng tiếng chuông báo động về đại dịch béo phì. Họ cho biết căn bệnh này đã làm hại sức khỏe của nhiều người và trong tương lai có thể làm cạn kiệt ngân khố quốc gia. Dân Czech đã béo lên rất nhiều. 1,5 triệu người, tức 23% số người trưởng thành, bị béo phì, 30% thừa cân. Việc chữa trị những người này càng ngày càng ngốn nhiều ngân sách y tế vốn không mấy dồi dào.

Trong 5 năm số người Czech thừa cân và béo phì tăng lên 450.000. Tuổi thọ của họ giảm 12 – 15 năm. Việc chữa trị mỗi bệnh nhân béo phì, tính đến các biến chứng kèm theo như rối loạn trao đổi chất, tim mạch, tiểu đường và khối u các loại, đắt hơn 3 – 4 lần so với người có trọng lượng bình thường.

Những người trẻ có cơ thể “quá tải” trẻ cũng làm tăng đáng kể đội quân thất nghiệp. Để ngăn chặn tình trạng này các bác sĩ ở Czech kêu gọi mọi người coi béo phì và thừa cân là bệnh lý.

Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là bệnh “tăng trọng quá nhanh” ở trẻ em. Phần lớn trẻ em, trẻ vị thành niên béo phì thì khi lớn lên vẫn béo phì. Đối với trẻ sơ sinh, bú sữa mẹ và cách thức tốt nhất để tránh béo. Đa số trẻ được “nuôi bộ” khi lớn lên mắc các vấn đề về trao đổi chất. Yếu tố đóng vai trò quan trọng là lối sống “tĩnh”. Thời gian ngồi trước máy tính, máy thu hình có mối quan hệ trực tiếp với tình trạng thừa cân của trẻ em. Lạm dụng đồ ăn nhanh cũng gây nên béo phì.

Bác sĩ Dana Miullerova cho biết: Nếu chúng ta thực sự muốn chống lại bệnh béo phì thì không chỉ cần điều trị y tế, điều này là hiển nhiên, mà cần cả sự giúp đỡ của các chính khách và nhà nước để tạo ra các điều kiện giúp mọi người có lối sống lành mạnh hơn. Chúng ta cần vận động nhiều hơn, tập thể thao nhiều hơn, chẳng hạn sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại. Cần để cho các loại thực phẩm lành mạnh dễ tiếp cận hơn, sử dụng ít mỡ và muối hơn. Nói tóm lại là cần sự giúp đỡ thực sự của nhà nước.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm