Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

25/04/2024 11:29 GMT+7 | Đời sống

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non là một tình trạng bệnh lý của mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc.

Bệnh thường xảy ra ở những trẻ đẻ thiếu tháng, nhẹ cân và đặc biệt là có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến mù loà do tổ chức xơ tăng đẻ, co kéo gây bong võng mạc.

1. YẾU TỐ NGUY CƠ

Cân nặng và tuổi thai khi đẻ

Cân nặng và tuổi thai khi đẻ càng thấp, trẻ càng có nguy cơ bị bệnh, bệnh càng nặng và càng có khả năng phải điều trị.

Thở oxy cao áp

Nồng độ oxy trong khí thở quá cao, thời gian thở kéo dài, hoặc nồng độ oxy dao động là những yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, đặc biệt trong hai tuần đầu sau đẻ.

Tuy nhiên, nếu trẻ được thở oxy nồng độ thấp dễ bị tử vong hoặc có các biến chứng toàn thân. Độ bão hòa oxy đo qua da từ 88 - 92% là tốt nhất cho trẻ.

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non - Ảnh 1.

Các yếu tố nguy cơ khác

Rất nhiều yếu tố khác cũng có thể coi là những yếu tố nguy cơ đổi với sự phát triển bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non như tăng CO2, máu, xuất huyết não thất, bệnh màng trong, thiếu oxy mạn tính trong bào thai, thiều máu và truyền máu, chậm nhịp tim hoặc có những cơn ngừng thở ngắn, nhiễm trùng huyết... Các yếu tố này có thể có ảnh hưởng trực tiếp lên quá trình phát triển của bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non hoặc có thể chỉ là những chỉ số của những trẻ đẻ non hơn, yếu hơn và dễ phát sinh các biến chứng do đẻ non, trong đó có bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non.

2. THĂM KHÁM

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non là một bệnh gây phá huỷ chức năng thị giác nhưng có thể điều trị thành công nếu bệnh nhân được chân đoán kịp thời. Để phát hiện và chẩn đoán được bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non cần có chế độ thăm khám định kỳ một cách cẩn thận và có hệ thống cho tất cả trẻ đẻ non có nguy cơ cao mắc bệnh.

Tiêu chuẩn khám sàng lọc bệnh võng mạc trẻ đẻ non

Tất cả những trẻ có nguy cơ cao bị bệnh: Ở Việt Nam, chúng ta khám cho tất cả trẻ có cân nặng khi sinh dưới hoặc bằng 1.800g và tuổi thai khi sinh dưới hoặc bằng 33 tuần. Với những trẻ có cân nặng trên 1.800g và tuổi thai trên 33 tuần tuối nếu có kèm theo các yếu tố nguy cơ cao như thở oxy nồng độ cao, kéo dài, hoặc có bệnh màng trong, viêm phế quản phổi, thiếu máu.... cũng cần được khám mắt.

Khi nào cần khám mắt?

Lần khám mắt đầu tiên phải được tiến hành khi trẻ được 3 - 4 tuần sau sinh hoặc khi trẻ trên 33 tuần tuổi tính từ ngày thụ thai. Việc thăm khám có thể phải trì hoãn nếu tình trạng toàn thân không ổn định.

Cần khám bao nhiêu lần và khám đến khi nào?

Khi khám mắt lần đầu mà thấy mạch máu võng mạc chưa phát triển đầy đủ, đến vùng 2 hoặc 3 và không có bệnh hoặc bệnh nhẹ thì trẻ cần được khám lại sau 2 tuần. Nếu chưa có bệnh nhưng mạch máu đang ở vùng 1, cần khám lại sau 1 tuần. Nếu khi khám thấy bệnh đã đủ nặng, có nguy cơ gây mù thì phải chỉ định điều trị ngay. Khi khám thấy mạch máu võng mạc đã phát triển đầy đủ hoặc bệnh đã thoái triển hoàn toàn không cần khám lại.

Dụng cụ khám bệnh võng mạc trẻ đẻ non

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non chỉ có thể được phát hiện và chẩn đoán một cách chính xác bằng máy soi đáy mắt gián tiếp, đồng tử đã tra giãn tốt, có sử dụng vành mi tự động và ấn cùng mạc dành riêng cho trẻ sơ sinh

3. ĐIỀU TRỊ

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non nếu nhẹ sẽ tự thoái triển, chỉ những trường hợp bệnh tiến triển nặng, có nguy cơ gây mù mới cần điều trị

Laser hoặc lạnh đông: chỉ định khi bệnh đến ngưỡng hoặc trước ngưỡng.

- Bệnh võng mạc trẻ đẻ non ở giai đoạn đến ngưỡng: là bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non giai đoan III kèm theo bệnh cộng tổn thương ở vùng I hoặc II, phạm vi tổn thương trên 5 múi giờ liên tục hoặc tổng tổn thương không liên tục trên 8 múi giờ.

- Bệnh võng mạc trẻ đẻ non giai đoạn trước ngưỡng bao gồm:

+ Mọi tổn thương bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non ở vùng I, kèm theo bệnh cộng hoặc không kèm theo bệnh cộng nhưng bệnh giai đoạn 3.

+ Bệnh ở vùng II, giai đoạn 2 hoặc 3, kèm theo bệnh cộng.

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non khi đã đến ngưỡng cần được điều trị sớm (trong vòng 48 - 72 giờ đồng hồ) nếu không bệnh sẽ tiến triến nặng lên rất nhanh, gây tăng sinh xơ cao, xuất huyết dịch kính võng mạc, mờ đục môi trường trong suốt, gây khó khăn cho điều trị, đặc biệt là điều trị bằng laser và kết quả điều trị cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Phẫu thuật dịch kính võng mạc: được chỉ định khi bệnh ở giai đoạn muộn, giai đoạn 4 hoặc 5, có tăng sinh xơ gây co kéo, bong võng mạc một phần hoặc toàn bộ. Khi bệnh đã ở vào giai đoạn 5, kết quả điều trị hết sức hạn chế, đa số trẻ vẫn bị mù.

Điều trị nội khoa bằng thuốc

Tại một số nước trên thế giới bắt đầu sử dụng thuốc ức chể tăng sinh tân mạch tiêm vào buồng dịch kính để điều trị bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non và đã đạt được kết quả rất khả quan.

4. THEO DÕI

Bệnh nhân bị bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non cho dù được điều trị hay tự thoái triển thì tỷ lệ bị cận thị và độ cận thị cũng cao hơn những trẻ bình thường. Bệnh càng nặng tỷ lệ bị cận thị và cận thị cao càng tăng.

Ngoài ra, ở trẻ đẻ non còn có thể gặp các biến chứng muộn khác như lác, nhược thị, bong võng mạc... Vì vậy, trẻ cần được theo dõi định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần để phát hiện các biến chứng muộn, và xử lý kịp thời.

5. PHÒNG BỆNH

Đối với những trẻ được đẻ ra thiếu tháng, cân nặng bé dưới 2,5kg thì cha mẹ cần lưu ý: Sau khi bé được đẻ ra được 3 tuần hay 4 tuần tuổi thì nên chủ động đưa bé đến tại bệnh viện có chuyên khoa về mắt để được thăm khám chính xác.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, thai phụ cần chú ý chăm sóc bản thân để tránh đẻ non. Thăm khám thai sản định kỳ để giúp ngăn chặn đẻ non.

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm