Bất ngờ bản chép tay 'Trời Hà Nội xanh'

21/08/2022 07:30 GMT+7 | Giải trí

LTS: “Nhân dịp Xuân Giáp Tý (1984), nhạc sĩ Văn Ký có nhã ý tặng bạn đọc Văn hóa, Thể thao Quốc tế sáng tác mới nhất của anh. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tác giả và vui mừng giới thiệu cùng bạn đọc”. Bài Trời Hà Nội xanh nổi tiếng của Văn Ký đã đến với bạn đọc TT&VH gần 40 năm trước như thế.

Kèm theo lời giới thiệu kể trên, báo TT&VH số Xuân ra ngày 11/2/1984 đã dành trọn trang 2 để đăng nguyên vẹn tờ nhạc chép tay, cùng chữ ký và lời đề tặng của vị nhạc sĩ tài hoa.

Sau gần 40 năm, trang báo cũ xưa bỗng khiến ta bồi hồi nhớ lại phong cách tao nhã của một thời, khi báo chí vẫn đăng tải các bản nhạc mới như một cách để giới thiệu âm nhạc tới quảng đại công chúng. Điều đó gần như đã thành quá vãng giữa thời đại nhạc số ngày nay.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Văn Ký: 'Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội'

Vĩnh biệt nhạc sĩ Văn Ký: 'Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội'

Trưa qua, 26/10, tôi đang cùng 14 nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội lên sáng tác âm nhạc tại Nhà Sáng tác Đại Lải, thì nghe tin nhạc sĩ Văn Ký qua đời... Tôi bàng hoàng. Những kỷ niệm mới hơn 2 tháng trước ùa về.

Cũng cần phải nói thêm, Trời Hà Nội xanh ngay từ khi ra mắt đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại cuộc thi “Hồ Gươm Xanh” của TP Hà Nội, và gần 20 năm sau, nó là 1 trong chùm 5 bài hát được trao giải thưởng Nhà nước về VHTN (năm 2001) của nhạc sĩ Văn Ký.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Văn Ký 

Nhìn bản nhạc chép tay, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long - người đang giữ chuyên mục “Nhạc Việt ngày nay” hằng tuần trên số thứ Ba của báo TT&VH đã chia sẻ cảm xúc của mình:

Trong vô vàn những tuyệt phẩm về Hà Nội, Trời Hà Nội xanh vẫn luôn có chỗ đứng riêng không thể thay thế. Ít nhất là với người Hà Nội và với những người đã gắn bó sâu nặng với Hà Nội.

Với tôi, “Trời Hà Nội xanh” là những giai điệu đã nằm trong tâm hồn bấy lâu và vì thế khi có được cơ hội giãi bày cảm xúc về ca khúc này tôi đã rất vui. Ấy thế mà giật mình, lục tìm trong ký ức, mới ngỡ ngàng, hình như tôi chưa một lần được ngồi trong một khán phòng và nghe trọn vẹn phần trình diễn ca khúc Trời Hà Nội xanh trong một chương trình ca nhạc nào đó.

Cũng có thể đã từng nhưng nó đã bị lu mờ vì khi nhắc tới Trời Hà Nội xanh trong tâm hồn tôi lại ngập tràn cảm xúc với ca khúc này nhưng ở những không gian khác.

Chú thích ảnh
Ca khúc "Trời Hà Nội xanh" của Văn Ký trên TT&VH số ra ngày 11/2/1984

Đó là những ngày mùa Thu trên con đường từ nhà tới cơ quan dạo qua những Cát Linh, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Khay, Bờ Hồ, Tràng Tiền... đâu đó văng vẳng trên loa phát thanh những giai điệu quen thuộc.

Đó là những dịp lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước (2/9), của Hà Nội (10/10) ngồi trong NXB Âm nhạc chỉ cách Quảng trường Cách mạng Tháng Tám chưa đầy 100 mét cứ văng vẳng những giai điệu bài này do các nghệ sĩ tập để chuẩn bị cho sự kiện đêm ca nhạc ngoài trời...

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long (bìa trái) tại sự kiện kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống báo Thể thao và Văn hoá  

“Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh, như mái tóc em xanh/ Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/ Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi Hà Nội ơi”, những giai điệu cứ như một làn gió mát lành, nhè nhẹ lan tỏa ra khắp không gian và tràn vào tâm hồn người nghe.

Và sau đó mới bật trào cảm xúc: “Ta chưa quên, ta chưa quên một mùa thu/ Hà Nội vùng lên Hồng Hà cuộn sóng/ Ta chưa quên những ngày đêm mịt mù bão lửa/ Đêm pháo hoa anh lại gặp em/ Trời Điện Biên Hà Nội chiến thắng”.

Rồi những giai điệu nhẹ nhàng tương tự giai điệu mở đầu được xuất hiện trở lại nhưng sâu lắng hơn, tự hào hơn để truyền tải những ca từ đầy hình tượng: “Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội/ Cầu Thăng Long soi bóng nước sông Hồng/ Tiếng người nói âm vang hồn sông núi/ Hà Nội đi lên hôm nay trong nắng Ba Đình”.

Chú thích ảnh
TT&VH số ra ngày 27/4/1985 cũng đăng bản chép tay ca khúc "Huyền thoại mẹ" của Trịnh Công Sơn, kèm theo lời đề tặng, thời gian (tháng 4/1985) và chữ ký của nhạc sĩ. Đây cũng là khoảng thời gian mà "Huyền thoại mẹ" vừa ra mắt

Cái hay của ca khúc ở chỗ, không phải anh, không phải em, không phải tình yêu đôi lứa mà lại y như một bản nhạc tình nhẹ nhàng mà nồng cháy. Và mối tình ở đây chính là giữa tác giả (đại diện cho người Hà Nội) với Hà Nội (đại diện cho hồn thiêng sông núi, quê hương, dân tộc).

Cái hay nữa ở ca khúc này là sự đan trộn giữa hiện tại và ký ức, giữa khung cảnh thanh bình và một thời bão lửa, giữa ngập tràn niềm yêu thương và hạnh phúc lứa đôi của ngày đại lễ với những màn pháo hoa rực rỡ với hình ảnh “Điện Biên phủ trên không”...

Cái hay nữa cũng ở ca khúc này là viết về đề tài địa danh, có nhắc tới chiến tranh, có nhắc địa danh lịch sử đất nước... tức là một ca khúc chính trị mang sứ mệnh của sự tuyên truyền nhưng lại rất “bắt tai”, rất tự nhiên thâm nhập vào tâm hồn người nghe. Cái hay nhất theo người viết nó mang giá trị nghệ thuật cao và là yếu tôi quyết định thành công của ca khúc đó chính là nhạc sĩ đã “bắt được” cái tứ “xanh” để làm chất liệu chính bao quát toàn bộ tác phẩm: “Bầu trời xanh”, “Hồ Gươm xanh”, “mái tóc em xanh”.

Xanh chính là biểu tượng của hòa bình. Xanh trong ca khúc mang thông điệp của hòa bình. “Bầu trời xanh” là khát khao cho thế giới này một cuộc sống hòa bình, “Hồ Gươm xanh” là khát khao cho một dân tộc hòa bình và “mái tóc em xanh” là khát khao của con người Việt Nam được sống trong hòa bình. 

Nguyễn Quang Long 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm