Việt Nam và Malaysia: Ai vô chiêu, ai hữu chiêu?

14/12/2010 11:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Độc cô cửu kiếm rắc rối phức tạp, nên thông minh như Lệnh Hồ Xung mà học mãi mới được vài thức. Vậy mà đến tuyệt đỉnh thì gã chẳng nhớ thức nào. Trương Tam Phong dạy Trương Vô Kỵ hết Thái cực quyền, rồi Thái cực kiếm. Dạy xong chiêu nào lại hỏi “con đã quên chưa”? Tiêu Phong loạn đả Tụ Hiền Trang chỉ cần dùng mấy đường Thái Tổ Trường Quyền ai cũng biết...

Đấy là những câu chuyện trong tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa mà rất nhiều người VN đều đã biết. Người tài thực sự, khi đã đạt đến trạng thái thượng thừa, phải biết quên những điều đã học. Khi giao đấu, họ thường nhường đối phương xuất chiêu trước, để từ đó ra đòn ứng phó, và chiến thắng. Ngôn ngữ khoa học bây giờ gọi đó là sự mã hóa kiến thức. Trong bóng đá cũng thế, với ĐTVN của HLV Calisto, chiến thuật hay những bài miếng đã trở thành lập trình, nói theo ngôn ngữ võ học hay sinh học, là phản xạ vô điều kiện. Tức là cứ nhập cuộc, rồi tính. Đấy không phải là vô chiêu thắng hữu chiêu.

Một câu hỏi đặt ra lúc này, ĐTVN và Malaysia, ai vô chiêu, ai hữu chiêu? Trước khi bóng lăn ở Bukit Jalil, cũng khó nói được lắm. Chúng ta đã mài giũa trong suốt quá trình hơn 2 năm qua, kể từ ngày HLV Calisto tiếp quản chiếc ghế thuyền trưởng, và thực tế đã từng thành công với nó (chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008). Không thể trả lời câu hỏi, sau 2 năm, ĐT mạnh hơn hay yếu đi. Chỉ có thể nói, tầm sát thương của đội bóng (lúc này đã là nhà vô địch Đông Nam Á), chắc chắn phải mạnh hơn và hiểm hơn. Nên đối thủ là ai, không quan trọng nữa.

 
Sự vắng mặt của bộ ba Việt Cường, Quang Thanh và Tài Em (từ trái qua phải) có thể sẽ khiến ĐTVN chỉ giữ mục tiêu cầm hoà tại Malaysia  

Khi chúng ta ý thức được sức mạnh của mình, hẳn người Mã cũng phải ngờ ngợ, rằng họ đang có thứ gì trong tay. Chiến thắng trước U23 VN tại chung kết SEA Games 25 trên đất Lào là bản lề. Và nó chứng minh rằng, bóng đá Malaysia có đủ tiềm năng để quật ngã nhà vô địch. Khi các chiêu thức chưa thể đạt đến độ thượng thừa, thì việc phá nát đòn miếng của đối thủ, trước khi buộc họ phải hở sườn cũng là một cách. Trong tình huống mà kẻ ra tay trước (như U23 VN tại SEA Games năm ngoái chẳng hạn), không khiến đối thủ bị thương nặng, thì phải phòng hờ đòn hồi mã thương.  

Trận đấu chưa bắt đầu, nhưng chúng ta đã lộ tử huyệt. Đó là chấn thương của 2 trụ cột cực kỳ quan trọng, Quang Thanh và Việt Cường, những người trấn giữ 2 hành lang cánh. Trong chiến thuật bóng đá, đây là những vị trí cực kỳ nhạy cảm. Là yếu huyệt trong phòng ngự, nhưng cũng có thể là điểm mạnh trong việc triển khai tấn công. Lúc này, hẳn là HLV Calisto đã có phương án thay thế. Tất nhiên, khó thể đòi hỏi nó hoàn hảo như lúc ban đầu nguyên vẹn, nhưng để hạn chế tối đa tầm sát thương của đối phương nhằm vào chỗ bị thương cũng là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi.

Lùi một, để tiến hai, chấp nhận từ bỏ thói quen hay ít nhất cũng chỉ là cách nghĩ của nhà vô địch, để nhường đối thủ xuất chiêu trước, đó xem chừng sẽ là giải pháp tối ưu với thầy trò HLV Calisto vào thời điểm này. Để 4 ngày sau, khi trở lại sân nhà Mỹ Đình, chúng ta sẽ đưa ra kế sách hay ngón đòn quyết định. Lúc ấy, chắc cũng chưa muộn! 

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm