Kỷ lục về số bài thơ được phổ nhạc

07/02/2010 15:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tính đến nay, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã xuất bản được hơn 50 đầu sách, có một thư viện tại gia với hơn 3.000 đầu sách, một tiểu thư viện ở thôn Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình do chính ông tài trợ vừa mới khánh thành, đang chờ sách ông chuyển về phục vụ bà con nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông cũng là tác giả có thơ được phổ nhạc nhiều nhất nếu không muốn nói là kỷ lục ở Việt Nam (154 bài), trong đó có bài Bàn tay mẹ (Bàn tay mẹ/Bế chúng con/Bàn tay mẹ/Chăm chúng con…) được tác giả Bùi Đình Thảo phổ nhạc cũng được in trong SGK môn Âm nhạc lớp 4…

Không biết tác phẩm của mình được in trong SGK

Năm 1948, nhà thơ Tạ Hữu Yên đi bộ đội cho đến năm 1989 thì nghỉ hưu với quân hàm Đại tá (43 tuổi quân). Trước đó, năm 1962, ông làm thư ký tòa soạn báo Quân khu hữu ngạn và được cử đi học lớp báo chí đầu tiên tại Trường Tuyên giáo trung ương (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền). Ngoài học văn giỏi, nhà văn Tạ Hữu Yên còn học giỏi triết học.

Cũng năm đó, lần đầu tiên cái tên Tạ Hữu Yên xuất hiện trên báo Nhân dân với bài thơ Quê mới: “Quê mới đêm nay sáng ánh đèn/ Đất rừng hương núi đã quen quen/ Nửa đêm tỉnh giấc gà rừng gáy/ Cứ ngỡ quê nhà nước đã lên”. Còn bài thơ được phổ nhạc đầu tiên đến nay ông cũng chưa quên và rất nhiều người không quên đó chính là bài Đôi dép Bác Hồ: (Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ/ Bác đi từ ở chiến khu Bác về/ Bác đi từ ở chiến khu Bác về/ Phố phường trận địa nhà máy đồng quê, đều in dấu dép Bác về Bác ơi, đều in dấu dép Bác về Bác ơi).


Nhà thơ Tạ Hữu Yên người có nhiều thơ được phổ nhạc nhất Việt Nam

Bài thơ này được nhà thơ Tạ Hữu Yên viết năm 1969 - năm Bác mất, sau khi cùng với các đồng chí trong Tổng cục Chính trị đi viếng Bác về. Năm 1970, bài Đôi dép Bác Hồ đăng báo, đồng thời được nhạc sĩ Văn An phổ nhạc và từ đó cho đến nay nhắc Đôi dép Bác Hồ, nhiều người sẽ nhớ ngay đến Văn An và Tạ Hữu Yên.

Về các tác phẩm được in trong SGK của Tạ Hữu Yên, nhiều học sinh, nhất là thế hệ 7X nhớ nhất vẫn là bài Anh về cùng mùa hoa (SGK Tiếng Việt lớp 5 cũ). Ngoài ra có còn tác phẩm nào của Tạ Hữu Yên được in trong SGK hay không ngay chính bản thân nhà thơ cũng chưa thống kê thử. Thế nhưng, ông bảo: Gần đây tôi nhận được điện thoại của một người gọi đến cho biết bài Con ngựa gỗ được phổ nhạc của tôi đang được giảng cho các em học sinh lứa tuổi nhi đồng. Tôi không biết và cũng quên hỏi họ là ai phổ nhạc và in trong SGK lớp mấy. Nhưng thôi, được phổ nhạc, lại còn được in vào SGK là vui rồi. Tôi cũng không nhớ được bài thơ ấy nữa đâu. Lâu lắm rồi...”.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên cũng cho biết thêm là ngoài bài Anh về cùng mùa hoa, ông còn một bài khác được in trong SGK. Đó là bài Ta lên rừng ấm hơi người: “Ta lên rừng ấm hơi người/ Mồ hôi đổ xuống lưng đồi lúa reo/ ta lên khoai sắn mọc theo/ Ấm no đã đến đói nghèo phải đi/ Ta lên lửa ấm rừng khuya/ Ngược xuôi sớm tối đi về có nhau/Ai về ta nhắn đôi câu/ Rừng vàng vô tận lên mau rừng chờ...”.

Tuy nhiên, ông không cho biết bài thơ này được in trong SGK lớp mấy mà chỉ kể: Năm 1980, có lần tôi đang đạp xe trên đường thì nghe tiếng trẻ con đọc bài thơ này. Dừng xe hỏi các cháu lấy bài thơ ở đâu ra đọc thế hử? Thì chúng bảo trong sách giáo khoa ông ạ. Thế là vui rồi nên cũng không để ý xem là SGK lớp mấy...

Phải ép buộc mình tìm ra cái tinh túy nhất

Thầy giảng thì phải nghe cho thấu, tự mình rút ra cái tinh túy của bài giảng xong rồi ghi chép lại. Thứ nữa là muốn học giỏi văn thì phải chịu đọc. Tôi có một thư viện hơn 3.000 cuốn sách và hầu như cuốn nào tôi cũng đã đọc chí ít một lượt. Từ cái sự đọc ấy lại cũng phải chắt ra cái hay, cái đẹp, cái chất tinh túy của mỗi trang viết rồi lại phải ghi chép lại. Tôi có hơn 120 phong bì loại đựng hồ sơ chỉ dùng đựng “những cái tinh túy mình ghi được” qua những cuốn sách đã đọc. Nhiều lúc cần, bỏ ra xem lại rất tiện và mang lại hiệu quả cao cho nghề viết.

Khi đi thực tế, các em cần phải đi sâu vào một việc gì đó cụ thể, ghi chép cẩn thận. Chính bằng cách này nên tôi đã điền dã không biết chán, không biết mệt để sưu tầm những bài ca dao hay nhất về Bác Hồ, hay nhất về chiến sĩ Trường Sơn, về chiến sĩ công binh. Ngoài ra, các em học sinh cũng nên xem ti vi, đọc thêm sách, báo để cập nhật thông tin, làm giàu kiến thức thì mới viết văn hay được. Nói như Gogol thì: Phải ép buộc mình từng giờ từng phút, nếu không cưỡng bức thì không làm nổi việc gì!

Tuy nhiên, muốn học sinh học tốt môn văn, giáo viên cũng cần phải soạn ra cho được cái cốt lõi của bài mình sẽ giảng cho học trò để làm sao học sinh hiểu một cách nhanh nhất, ngắn gọn nhất. Làm sao đó giáo viên vừa giảng vừa gợi ý cho học sinh để học sinh cũng phải suy nghĩ, đi tìm lời giải đáp cho chính các em chứ không nên, không được cưỡng bức học sinh đi theo hướng của mình. Nếu dạy học, nhất là với môn văn mà dạy như tuyên truyền lệnh của người trên ban xuống, giáo huấn, buộc các em phải nghe thì học sinh sẽ sợ hoặc không hoặc chán môn văn cũng là điều dễ hiểu. - Nhà thơ Tạ Hữu Yên nói.

Các giải thưởng của nhà thơ Tạ Hữu Yên

Giải thưởng của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH... cho các bài thơ được phổ nhạc thành bài hát được nhiều người yêu thích: Đôi dép Bác Hồ (nhạc Văn An); Cảm xúc tháng Mười (nhạc Nguyễn Thành); Bài ca Thanh niên (nhạc Thanh Phúc); Người chiến sĩ trung kiên (nhạc Huy Du); Đất nước (nhạc Phạm Minh Tuấn); Nói với khơi xa (nhạc Văn An)...


Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm