Cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix: “Đứt gánh giữa đường”

25/11/2010 10:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trải qua 11 năm, được xem là nơi tìm kiếm tài năng và tạo nguồn lực cho ngành công nghiệp thời trang nội, Việt Nam Collection Grand Prix bỗng dưng “đứt gánh giữa đường”… Đó có phải là cái kết tất yếu trong giai đoạn nhiều khó khăn của ngành dệt may, hay “cuộc chơi” đã đến lúc phải thay đổi?

Năm 1999, lần đầu tiên, cuộc thi Vietnam Collection Gran Prix (VCGP) được Viện mẫu Fadin khởi xướng tổ chức. Ngay từ đầu, cuộc thi đã được kỳ vọng là nơi tìm kiếm những tài năng thiết kế thời trang, để góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp thời trang còn non trẻ của VN.

Những thăng trầm

Trong số các nhà thiết kế (NTK) được phát hiện từ VCGP thời gian qua, nhiều NTK đã trưởng thành, định hình được phong cách, có thương hiệu riêng hoặc nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty dệt may lớn của Việt Nam. Có thể kể ra những cái tên: Công Trí, Trương Anh Vũ, Quốc Bình, Thương Huyền... Được biết, một số NTK còn có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.  

Mỗi năm, đến hẹn lại lên, vào khoảng tháng 10, 11, đêm chung kết xếp hạng của VCGP là một sự kiện văn hóa đáng chú ý. Dù sau đêm trình diễn, công chúng nhiều khi tỏ ra hoài nghi về tính ứng dụng của không ít bộ sưu tập, nhưng phải nói rằng, VCGP đủ sức “hâm nóng” địa hạt thời trang vốn tĩnh lặng quanh năm. Còn với các bạn trẻ yêu thời trang và những “nhà thiết kế tương lai”, cuộc thi là một sự kiện được chờ đón trong cả chục năm qua. Theo dõi trên nhiều diễn đàn, các thành viên trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan tới chủ đề, thời hạn nộp tác phẩm... Thậm chí, không ít bạn còn kiên trì “chinh chiến” từ năm này sang năm khác mà không hề nản.


Bộ sưu tập giành Giải thưởng Lớn tại cuộc thi năm 2009

Nhưng trong “lịch sử” VCGP cho đến nay, không phải không có sóng gió!

Đó là vào năm 2008, khi những mẫu thiết kế đoạt giải Nhà Thiết kế Tương lai của Trần Thị Thu bị nghi là “đạo ý tưởng” một số chi tiết của bộ sưu tập Dior Spring 2008 Couture của nhà thiết kế thời trang danh tiếng John Galliano. NTK trẻ khẳng định đó chỉ là sự... trùng lặp ý tưởng. Còn Ban tổ chức và cả Ban giám khảo thì chọn phương án... im lặng. Vì thực tế, tại VN chưa có quy định cụ thể về bản quyền trong lĩnh vực thời trang, nên sau đó, sự việc cũng dần rơi vào quên lãng. Nếu sự cố này xảy ra sau đó 2 năm, tức là vào năm 2010, chắc hẳn nó cũng ầm ĩ như vụ váy “nhái” của sao Việt thời gian này.

Và “cuộc chơi” cần hấp dẫn hơn?

Trả lời câu hỏi của TT&VH về việc tạm dừng cuộc thi VCGP 2010, bà Sao Kim - Viện phó Viện mẫu Fadin - cho biết: Sự việc không hoàn toàn bất ngờ. Chính những người trong cuộc, kể cả các giám khảo chấm thi năm nên tạm dừng cuộc thi ngay sau khi VCGP lần thứ 11 kết thúc. Lý do chủ yếu được đưa ra là VCGP cần có một kịch bản mới hấp dẫn hơn. Việc giãn cách 2 năm/lần thi sẽ góp phần nâng cao “chất lượng” của các thiết kế.

Khách quan mà nói, sau 11 lần thi, VCGP đi vào lối mòn trong cả cơ cấu giải thưởng lẫn chất lượng các bộ sưu tập. Không phải không có lý khi nói rằng, thí sinh thường trông vào các mẫu thiết kế đoạt giải của năm trước mà chưa thực sự quan tâm tới xu hướng, nhu cầu thị trường hay tính ứng dụng.

Tuy vậy, trước một kết cục tất yếu, việc VCGP tạm dừng vẫn gây ngỡ ngàng cho những người đang hoạt động trong ngành thời trang hiện nay. Trên facebook, blog, các diễn đàn... không ít bạn trẻ ôm “mộng” trở thành nhà thiết kế tỏ ra tiếc nuối. VCGP tạm dừng 1 năm, nghĩa là họ mất thêm 1 năm chờ đợi.

Chia sẻ về sự nuối tiếc này, NTK Công Trí - người từng giành giải thưởng tại cuộc thi VCGP - cho biết, VCGP từng tạo cho anh bước đệm trên con đường sự nghiệp: “Hiện nay, thiết kế thời trang vẫn là nghề hấp dẫn với giới trẻ. Họ bị “tước” mất những cơ hội như Công Trí từng có là một điều đáng tiếc”. Còn Thương Huyền, một nhà thiết kế cũng trưởng thành từ VCGP, lại cho rằng, chắc chắn Tập đoàn Dệt may VN đã có lý khi quyết định tạm dừng VCGP. Và theo chị, đó sẽ là quãng nghỉ cần thiết để VCGP có thể lấy lại “năng lượng”.

NTK kỳ cựu Minh Hạnh - người có công lớn trong việc “khai sinh” ra VCGP thì từ chối bình luận về thông tin này. Được biết, đầu năm 2010, chị đã chia tay Viện mẫu Fadin để dành thời gian nhiều hơn cho các dự án riêng. Có ý kiến cho rằng, cuộc chia tay này cũng là một phần lý do để VCGP phải gián đoạn...

Hoàng Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm